Trước đó, hôm thứ Tư, Bộ Tài chính Mỹ đã thêm Thụy Sĩ vào danh sách các quốc gia mà họ nghi ngờ cố tình phá giá đồng tiền so với đồng đô la.
Jordan nói rằng cả SNB và Thụy Sĩ đều không thao túng giá trị của đồng franc Thụy Sĩ một cách có chủ đích.
"Chính sách tiền tệ chúng tôi áp dụng là cần thiết, nó hợp pháp, và chúng tôi đang có tỷ lệ lạm phát rất thấp - thậm chí là đang âm vào thời điểm này - vì vậy chúng tôi phải chống lại tình trạng giảm phát này, và đồng franc Thụy Sĩ rất mạnh, vì nó được đánh giá cao trên danh nghĩa trong 12 năm qua, cả so với đồng euro và so với đô la Mỹ", ông nói.
SNB từ lâu đã duy trì quan điểm sẵn sàng can thiệp mạnh mẽ hơn vào thị trường ngoại hối và đã kiên quyết phủ nhận việc thao túng đồng franc Thụy Sĩ. Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp can thiệp của Thụy Sĩ tổng cộng chiếm 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Để bị coi là kẻ thao túng tiền tệ, các quốc gia phải có thặng dư thương mại song phương trên 20 tỷ USD với Mỹ, can thiệp ngoại tệ vượt quá 2% GDP và thặng dư tài khoản vãng lai cao hơn 2% GDP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin giải thích động thái trên, rằng Bộ của ông đã thực hiện một "bước đi mạnh mẽ" để "đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế và cơ hội phát triển cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ".
Tuy nhiên, việc chọn bà Janet Yellen vào vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính của Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể dẫn đến việc xem lại vấn đề này, khi bà thực hiện báo cáo tiền tệ đầu tiên của mình, dự kiến vào tháng 4/2021.
Đề cập đến sự thay đổi sắp diễn ra trong chính phủ Mỹ, Jordan cho biết SNB mong muốn có một "cuộc đối thoại chuyên sâu và mang tính xây dựng" với nội các của ông Biden.
"Chúng tôi sẽ cố gắng giải thích tình hình cụ thể của Thụy Sĩ liên quan đến các tiêu chí này, chúng tôi sẽ giải thích lại lý do tại sao các tiêu chí này không thực sự đưa đến kết luận đúng đắn về Thụy Sĩ, và chúng tôi có thể chứng minh rằng chúng tôi không phải là một người thao túng tiền tệ", ông nói .
Đầu ngày thứ Năm, SNB đã giữ nguyên quan điểm chính sách tiền tệ, tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục -0,75% và đưa ra góc nhìn thận trọng về triển vọng tăng trưởng. Ngân hàng này cho biết làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai có thể đồng nghĩa với việc GDP quý IV2020 và quý I/2021 sẽ yếu hơn, đồng thời lưu ý rằng "các nhân tố sản xuất sẽ vẫn chưa được tận dụng hết tiềm năng trong một thời gian nữa".
"Bão trong tách trà"
David Oxley, nhà kinh tế châu Âu cấp cao tại Capital Economics, lưu ý trong một bản tin phát hành hôm thứ Năm rằng Thụy Sĩ vẫn có thể quay trở lại với các can thiệp của mình vào thị trường ngoại hối từ năm tới.
"Tuy nhiên, đó là vì để giảm bớt áp lực lên đồng franc so với đồng euro, chứ không phải vì các cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ", Oxley nói.
"Nhìn toàn cảnh, Thụy Sĩ luôn được coi là một trường hợp đặc biệt khi nói đến chính sách tỷ giá hối đoái của họ, thậm chí Bộ Tài chính Mỹ đã từng thừa nhận rằng tình hình kinh tế của Thụy Sĩ là 'đặc biệt' và các lựa chọn chính sách tiền tệ của họ bị hạn chế bởi giá trị tài sản nội địa thấp".
Với việc chính quyền Biden sắp tới được kỳ vọng sẽ ít đối nghịch hơn trong cách tiếp cận thương mại và quan hệ quốc tế, Oxley cho rằng vấn đề đối với Thụy Sĩ có thể chỉ như một "cơn bão trong tách trà".
Nhà kinh tế trưởng Carl Weinberg của High Frequency Economics hôm thứ Năm cũng bày tỏ không đồng tình với phân tích của Bộ Tài chính Mỹ, đồng thời cho rằng vấn đề có thể chỉ là thoáng qua.
"Tôi không hiểu rõ bằng cách nào việc tuyên bố Thụy Sĩ là 'kẻ thao túng tiền tệ' lại thúc đẩy lợi ích của Mỹ hoặc có thể kiến tạo những điều tốt đẹp hơn cho các nhà kinh doanh của họ, và tất nhiên cũng không có hệ quả nào khi bị gán mác 'kẻ thao túng tiền tệ'. Điều chính yếu là việc mà Bộ trưởng Bộ Tài chính mỹ hiện tại đang làm thì trong vài tháng nữa sẽ có một Bộ trưởng Bộ Tài chính mới xem xét lại", Weinberg nói với CNBC trên" Squawk Box Europe ".
Ông cũng cho rằng chính quyền mới của ông Biden sẽ tập trung nhiều hơn vào nỗ lực "xây dựng đối tác trên khắp thế giới hơn là thiết lập các mối quan hệ đối kháng".