Chỉ còn vài tuần nữa, năm 2020 sẽ kết thúc. Có thể nói 2020 là một năm đầy biến động bởi dịch bệnh, thiên tai đã tác động không nhỏ đến cuộc sống con người. Có những ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ra thiệt hại kinh tế cho cả doanh nghiệp và người lao động. Năm 2021 mở ra những cơ hội mới với nhiều ngành nghề hot đang có nhu cầu tuyển dụng cao.
Dưới đây là danh sách các ngành dự đoán "làm mưa làm gió" trong năm 2021, người lao động có thể tham khảo:
1. Ngành Công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin. Người làm việc trong trong ngành này thường được gọi là IT (Information Technology).
Mục đích của khối khoa học tổng hợp liên ngành này là nhằm phát triển khả năng sửa chữa, tạo mới và sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm để cung cấp giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Công nghệ thông tin hiện là một trong những ngành nghề hot nhất hiện nay. Theo nhiều chuyên gia trong ngành thì mức lương trung bình của 1 lập trình viên những năm gần đây rất cao. Lương có thể lên đến gần 2.000 USD nếu lập trình viên sở hữu chuyên môn, năng lực vững chắc, cộng thêm khả năng "đón đầu" công nghệ mới.
Nhu cầu nhân lực cho ngành cần khoảng 80.000 người/năm. Trong khi hàng năm, số sinh viên ra trường chỉ khoảng 32.000 người. Hơn nữa, chỉ khoảng 15% số sinh viên ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu. Với lý do đó, CNTT sẽ dẫn đầu xu hướng trở thành ngành nghề hot nhất trong tương lai.
2. Ngành Ngôn ngữ Anh
Ngôn ngữ Anh là ngành học nghiên cứu và sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo. Trong quá trình học, sinh viên sẽ được trang bị thêm các kiến thức bổ trợ về kinh tế, tài chính ngân hàng, nhà hàng khách sạn, xuất nhập khẩu, quan hệ quốc tế,… để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ngoài ngôn ngữ Anh, các ngành ngôn ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật cũng giúp sinh viên, người lao động có nhiều cơ hội việc làm. Bởi hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Vậy nên nhu cầu lao động thành thạo ngoại ngữ là rất lớn.
3. Ngành xây dựng
Việt Nam đang tiến vào bảng xếp hạng 3 quốc gia có ngành xây dựng phát triển nhanh nhất tại châu Á. Những tòa nhà chọc trời không ngừng mọc lên. Những đại lộ đồ sộ, hùng vĩ. Vẻ đẹp hiện đại, năng động của Việt Nam đang chờ một nguồn nhân lực lớn thuộc ngành xây dựng.
Theo báo cáo năm 2019, hiện đang có khoảng 4 triệu lao động thuộc ngành xây dựng. Nhu cầu nhân lực tăng lên chóng mặt với khoảng 400.000 – 500.000 người/năm. Trong đó, các kỹ sư với chuyên môn kỹ thuật cao đang vô cùng thiếu thốn. Đây sẽ là cơ hội nghề nghiệp tuyệt vời cho các bạn trẻ trong tương lai.
Xây dựng cũng là ngành nghề được dự báo gây bão năm 2021.
4. Ngành Công nghệ thực phẩm
Công nghệ thực phẩm là 1 trong 5 ngành thuộc khối ngành công nghệ chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất – bảo quản, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học,… Đây là ngành được Chính phủ lựa chọn là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025, tầm nhìn 2035.
5. Ngành Digital Marketing
Internet đã mở ra cho ngành Marketing một cách thức tiếp thị mới. Đó là ngành Marketing
"số" hay còn gọi là Digital Marketing. Có thể nói, không có doanh nghiệp nào có thể phát triển nếu không có chiến lược Digital Marketing đúng đắn. Đó là lý do những nhà tiếp thị thời 4.0 này đang được các công ty săn đón.
Theo dự báo của trung tâm nhân lực TP.HCM, chỉ riêng tại thành phố này, nhu cầu nhân lực ngành Marketing là 10.000 người/năm. Ngành cũng luôn nằm trong top 6 những ngành hot nhất trong hiện tại và tương lai.
Digital Marketing là ngành nghề hot.
6. Ngành Logistics
Logistics là một trong những ngành "dịch vụ hậu cần", được hiểu đơn giản là quá trình chuẩn bị hàng hóa, sắp xếp, đóng gói, kẻ kí mã hiệu và bảo quản hàng hóa, vận chuyển hàng hóa ra cảng và làm thủ tục thông quan xuất khẩu hoặc nhập khẩu cho hàng. Ngoài ra Logistics còn làm nhiệm vụ giao hàng và những dịch vụ liên quan đến hàng hóa để thuận lợi cho người bán hoặc người mua theo yêu cầu riêng. Nói cách khác, Logistics là "nhân vật trung gian" để đưa hàng hóa từ cơ sở sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Ngành Logistics có mặt tại Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây với tốc độ phát triển vô cùng ấn tượng, lên đến 35 – 40%. Hiện tại, có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này và con số này dự đoán sẽ càng tăng chóng mặt trong thời gian sắp tới.
Thống kê của Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam thì trong 3 năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics cần thêm khoảng 18.000 lao động, chưa tính các doanh nghiệp hoạt động khác ngành.
Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển và cơ hội việc làm dành cho những người theo học ngành Logistics là rất lớn, bạn hoàn toàn có thể kiếm được việc làm lương cao, ổn định tại các doanh nghiệp Logistics trong và ngoài nước ngay sau khi vừa ra trường.
Tổng hợp
Thanh Hương
Pháp luật và bạn đọc