Đó là thông tin do ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam đưa ra tại hội thảo mới đây.
Theo ông Thành, năm 2020 có hai tác động trái chiều nhau lên nền kinh tế, trong đó tác động tích cực đến từ việc Việt Nam kiểm soát tốt Covid-19. Hậu Covid, tính hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam kể cả tiềm năng tăng trưởng và vị thế Việt Nam được hưởng lợi từ chuyển dịch xu thế toàn cầu. Đồng thời, ổn định vĩ mô thời gian qua là tiền đề rất tốt khi nền kinh tế tăng trưởng và sự hỗ trợ từ sức cầu nội địa tăng lên, chứ không chỉ phụ thuộc dòng vốn nước ngoài.
Một thông tin tích cực khác đó là trong năm 2020, chỉ Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng dương bốn quý liền, trong khi đa số các nền kinh tế đều có tăng trưởng âm từ 2 đến 3 quý. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan tăng trưởng âm 1 quý.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam
Năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,5-2,7%. Năm 2021 tăng trưởng có thể đạt 6,5-7%. Tại sao năm 2020 chúng ta có tăng trưởng, tăng trưởng đến từ đâu khi các doanh nghiệp, các ngành nghề đều có suy giảm?
Ông Thành cho rằng, các lĩnh vực dịch vụ như du lịch, khách sạn nhà hàng, vận tải đều giảm, nhưng thương mại bán lẻ hàng hóa chỉ giảm ít khoảng 1,5%. Trong khi đó nông nghiệp là lĩnh vực suy giảm ít nhất. Xuất khẩu bị sức ép do Covid nhưng vẫn xuất được sang Trung Quốc khi nền kinh tế nước này hồi phục.
Hiệp định EVFTA xuất khẩu sang EU lại tăng trưởng tốt. Công nghiệp xuất khẩu tuyền thống như may mặc, giày dép, suy giảm nhưng sản xuất các sản phẩm thiết yếu cho nội địa, xuất khẩu máy móc thiết bị, điện tử nội thất tăng mạnh nên cả năm nay công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 5%.
Về sức cầu, thời điểm quý 2 có nhiều quan ngại nền khi Việt Nam có kinh tế mở, phụ thuộc nhiều xuất khẩu nên nền kinh tế sẽ chịu tác động. Nhưng xuất khẩu trong năm nay tăng gần 6% trong 11 tháng qua, nên động lực xuất khẩu lại là yếu tố thúc đẩy cho răng trưởng
Tiêu dùng dân cư giảm, đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm nhưng lại được bù đắp bởi đầu tư công của nhà nước. Chưa bao giờ đầu tư công lớn trong năm nay dù có giải ngân chậm nhưng vì kế hoạch đặt ra số tiền rất lớn nhưng năm 2020. Đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các công trình cơ sở hạ tầng tăng 33% so với năm ngoái, bù đắp lại cho sự sụt giảm. Đó là lý do vì sao năm nay Việt Nam vẫn có tăng trưởng.
Tuy vậy, tác động của Covid-19 cũng không tránh khỏi khi năm nay 2 triệu lao động thất nghiệp, hồi phục vừa rồi chỉ đủ để 200-300 nghìn lao động quay lại làm việc, giảm mạnh so với trước covid. Điều này lý giải tại sao sức mua lại bị sụt giảm, đặc biệt đối với nhóm lao động có thu nhập trung bình và thấp.
"Sau khi loại bỏ yếu tố lạm phát, năm nay sức mua sẽ giảm, chi tiêu người dân sẽ giảm dẫn đến doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ cũng sẽ giảm mạnh. Covid đợt 2 cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng, dù những tháng gần đây có hồi phục trở lại", ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, điểm sáng năm 2020 nằm ở công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng tốt. Điểm sáng thứ hai là xuất khẩu, 11 tháng tăng gần 6%. Lý do là cho đến thời điểm này Việt Nam có thị trường xuất khẩu khá đa dạng. Năm qua, xuất khẩu giảm mạnh nhất là khu vực ASEAN khi khu vực này chịu tác động mạnh nhất về mặt kinh tế do Covid. Ví dụ như Singapore, Thái Lan, Malaysia đều kiểm soát dịch tốt nhưng nền kinh tế các nước này chủ yếu dựa vào dịch vụ, du lịch nên ảnh hưởng rất nhiều.
Trong khi đó, Indonesia, Philippines về kinh tế nội địa tốt nhưng lại chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh. Xuất sang EU chậm nhưng khi có EVFTA đã khởi sắc. Đổi lại, xuất khẩu sang Hoa kỳ và Trung Quốc tăng trưởng mạnh để bù đắp cho các phần thiếu hụt. Xuất khẩu điện tử của Việt Nam sang cả Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng mạnh trong 6 tháng năm 2020.
Dù tăng trưởng tín dụng thấp đi nhưng không phải do "phanh" lại từ chính sách mà do phản ứng của thị trường. Trong năm nay, chính sách tiền tệ tài khóa được nới lỏng mà không gây bất ổn. Đây là cơ hội tốt để trong trung hạn kéo được mặt bằng lãi suất xuống.
Vừa qua, NHNN liên tục hạ lãi suất chính sách đã kéo lãi suất tiền gửi xuống thấp dù lãi suất cho vay không giảm mạnh như lãi suất tiền gửi. Theo ông Thành, việc giảm lãi suất đầu vào rất quan trọng. Nếu tiếp tục duy trì được ổn định vĩ mô đang tạo được kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ được điều hành ổn định, lạm phát được giữ ổn định ở mức 4%, sẽ không có những cú sốc về tỷ giá.
"Trong xu hướng lâu dài, đồng VN lại lên giá nếu như dòng vốn ngoại tệ chảy vào, nếu người gửi tiết kiệm chấp nhận lãi suất thấp hơn sẽ là tiền đề để mặt bằng tiếp tục xuống thấp, đây là cú hích cho các thị trường khác, trong đó có thị trường bất động sản và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh", ông Thành nhấn mạnh.
Phương Nga
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị