Theo thống kê của Trung tâm Hàng không Châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM hiện đang xếp thứ hai trên thế giới về tải cung ứng. Còn xét về nhu cầu đi lại trong nước, đường bay này chiếm 23% tổng nhu cầu thị trường nội địa năm 2020.
Đây cũng là đường bay phục hồi nhanh sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Đơn cử, tại thời điểm tháng 4-2020, sản lượng khách của Vietnam Airlines trên đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM chỉ đạt 15% so với cùng kỳ 2019 thì đến tháng 5, lượng khách đã phục hồi 100%. Hiện tại, trung bình mỗi tuần Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines và Pacific Airlines) đang cung ứng khoảng 104.000 ghế, vận chuyển 92.000 lượt khách giữa Hà Nội và TP.HCM, tương đương 98% so với cùng kỳ và chiếm 57% tổng thị trường.
Mặt khác, trong thời gian cao điểm Tết sắp tới, đây cũng là đường bay được các hãng hàng không Việt Nam tăng tải nhiều nhất.
Đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM hiện đang xếp thứ hai trên thế giới về tải cung ứng
Đại diện Vietnam Airlines cho biết hiện nay tần suất các chuyến bay trên đường bay này dày đặc. Trung bình mỗi ngày có gần 40 chuyến bay giữa Hà Nội và TP.HCM được Vietnam Airlines và Pacific Airlines thực hiện với tần suất 30 phút - 1 tiếng/chuyến. Giờ khởi hành của các chuyến bay được ưu tiên bố trí vào khung giờ tròn (5 giờ, 6 giờ, 7 giờ...) trải đều từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Đây là một trong những điểm mới được hãng hàng không quốc gia xúc tiến từ tháng 7-2020, để nâng tầm đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM trở thành một sản phẩm cốt lõi tại thị trường nội địa, với bộ nhận diện và tên gọi riêng là VNAXPRESS - Đường bay Hồ Chí Minh.
Trước đây, hành khách mua vé giờ chót phải đến sân bay mới mua được, song hiện riêng với các chặng bay giữa Hà Nội và TP.HCM, hành khách có thể mua vé sát giờ bay đến 60 phút trước giờ khởi hành thay vì 180 phút như thông thường qua ứng dụng di động, website, đại lý của Vietnam Airlines.
Trong trường hợp đến sân bay sớm, hành khách có thể được mời lên chuyến bay có giờ khởi hành sớm hơn nếu chuyến bay còn chỗ trong vòng 120 phút so với giờ cất cánh ngay cả khi đã qua khu vực soi chiếu an ninh.
Hành khách được bố trí tối đa sử dụng ống lồng, cùng quầy làm thủ tục và cửa lên máy bay riêng (tại sân bay Nội Bài là quầy B1, B2, B3; tại sân bay Tân Sơn Nhất là quầy B5, B6, B7). Các quầy thủ tục đều nằm ở khu vực gần lối vào cửa an ninh, giúp hành khách tiết kiệm thời gian và thuận tiện trong việc đi lại.
Để tránh phải chờ đợi, hành khách có thể sử dụng nhiều hình thức làm thủ tục như làm thủ tục tự động (auto check-in) trên ứng dụng di động; làm thủ tục trực tuyến qua website, ứng dụng di động, kiosk ở sân bay; làm thủ tục ngoài sân bay (in-town check-in) tại Hà Nội, Đà Nẵng, làm thủ tục qua tổng đài 1900 6265 khi xuất phát từ Hà Nội hoặc TP.HCM.
Các chặng bay giữa Hà Nội và TP.HCM được tăng cường khai thác bằng máy bay thân rộng với tần suất 2 tiếng/chuyến, sức chứa lên đến hơn 300 khách. Đây là các máy bay hiện đại trước dịch Covid-19 thường được sử dụng bay châu Âu, châu Úc... Vietnam Airlines hiện có 14 chiếc Airbus A350-900, 11 chiếc Boeing 787-9, 3 chiếc Boeing 787-10.
Mới đây nhất, Vietnam Airlines đã đổi mới suất ăn trên các chuyến bay giữa Hà Nội - TP.HCM. Theo đó, lần đầu tiên trên đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM, hành khách hạng Phổ thông có dịp thưởng thức các món ăn như chả cá Thăng Long, mỳ xào kiểu Mê Kông, cá sốt cay kiểu Hàn, cơm gà xào sả ớt, tráng miệng chè, bánh ngọt... Hành khách hạng Thương gia có thêm nhiều lựa chọn từ ẩm thực truyền thống như hủ tiếu, xôi, cá kho miền Nam đến phong vị châu Âu như trứng cuộn pho mai Cheddar, trứng nhồi nấm và xúc xích, salad Nga... Các món ăn mới được phục vụ trong khung giờ bữa chính từ 5 giờ - 8 giờ, 11 giờ - 13 giờ và 17 giờ 30 - 20 giờ.
"Để đưa món ăn vốn đậm mùi như chả cá Hà Nội lên trên máy bay, đầu bếp đã phải có biện pháp xử lý đặc biệt như sấy mắm tôm để giảm mùi trước khi tẩm ướp vào cá lăng" - đại diện Phòng Dịch vụ trên không của Vietnam Airlines chia sẻ.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Trải nghiệm hành khách hàng không (APEX), 70% hãng bay trên thế giới đã chuyển từ cung cấp báo chí giấy sang phiên bản điện tử đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách nhờ hạn chế tiếp xúc và góp phần giảm thiểu lượng giấy in để bảo vệ môi trường.
Vietnam Airlines cũng vừa ra mắt ấn phẩm điện tử (E-reader) để hành khách có thể đọc báo, tạp chí ngay trên màn hình giải trí cá nhân. Bên cạnh đó là dịch vụ giải trí không dây (wireless streaming) trên máy bay thân hẹp Airbus A321NEO, dịch vụ WiFi kết nối Internet trên máy bay thân rộng Airbus A350, ứng dụng giải trí VNA - FPT Play...
D Ngọc
NLĐ
Xem thêm: nhc.97741311112210202-noh-mos-neyuhc-nel-yab-oig-iod-eht-oc-mos-yab-nas-ned/nv.zibefac