Đoàn người đi xuyên qua những con đồi, sườn dốc để đến điểm trường nằm tít non cao - Ảnh: TRẦN MAI
Nhiều năm qua, dưới sự kêu gọi của thầy Nguyễn Văn Dũng, các môn đồ góp bữa ăn, dựng mái trường ở những vùng đất khó.
Bản Phí Chi B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, Lai Châu nằm cheo lên trên đỉnh núi. Khó mà hình dung ở đây có một điểm trường và thật khó hình dung khi thầy Nguyễn Văn Dũng, tuổi đã ngoài 80 vẫn leo những con dốc dựng đứng đến với điểm trường này để dự lễ khánh thành điểm trường thôn Phí Chi B do võ đường Nghĩa Dũng Karate-do xây dựng. Tất cả bắt đầu từ yêu thương.
Ngôi trường trên đỉnh núi
Chiếc ôtô "mệt nhoài" sau một giờ lội đường rừng từ trung tâm huyện Mường Tè phải dừng lại nơi công trường một nhà máy thủy điện. Ngước nhìn lên, tứ bề là núi lớn, rừng xanh che khuất tất cả, chẳng thấy dấu hiệu nào của bản làng.
Anh cán bộ xã chỉ tay về phía đỉnh núi mờ sương bảo: "Điểm trường Phí Chi B nằm trên đó". Sau lời nói, những người phụ nữ địu chiếc gùi trống từ trong rừng đi ra để phụ giúp gùi áo ấm, sách vở mà các môn đồ của thầy Dũng quyên góp tặng học trò.
Sau những cái bắt tay nồng hậu giữa người miền xuôi và cán bộ miền núi, tất cả bắt đầu lên đường. Thầy Nguyễn Văn Dũng tuổi đã cao được khuyên ở lại bởi những con dốc là thách thức cực lớn. Nhưng thầy vẫn quyết tâm đi, con dốc dựng ngược này nối sườn đồi uốn khúc nọ dần được chinh phục.
Sau gần một giờ, bản làng đã xuất hiện. Thú thật, thanh niên trai tráng như chúng tôi sau hành trình đôi chân rệu rã, hơi thở gấp gáp trong không khí lạnh căm. Vậy mà thầy Dũng vẫn tươi cười chào người làng và thầy trò điểm trường Phí Chi B như chẳng có hành trình khó nhọc nào vừa trải qua.
Buổi lễ khánh thành diễn ra nhanh chóng, thầy Dũng đại diện cho Nghĩa Dũng Karate-do nói với 42 học trò ở điểm trường Phí Chi B mà như trút hết gan ruột: "Các cháu à, ông năm nay đã 82 tuổi rồi, cả cuộc đời cũng chỉ là thầy giáo nghèo thôi. Nhưng các học trò của thầy lại có tấm lòng, mỗi người góp bữa ăn sáng để dựng lên mái trường này, mong các cháu học tập tốt hơn".
Trong giới võ thuật Việt Nam, võ đường Nghĩa Dũng Karate-do và thầy Nguyễn Văn Dũng đã quá nổi tiếng với những học trò xuất sắc cả văn lẫn võ. Và trong suốt cuộc đời dạy võ của mình, thầy Dũng chú trọng dạy đạo, dạy cốt cách con người cho môn đồ song song với võ thuật. Có lẽ vì vậy mà lời thầy khiến lũ trò nhỏ chăm chú lắng nghe.
Thầy Dũng kể về cuộc đời mình, những năm qua được đi đến nhiều quốc gia trên thế giới và ông mong những em bé dân tộc La Hủ ở điểm trường Phí Chi B hãy lấy con chữ làm hành trang vượt ra khỏi núi rừng, đến với những vùng trời mới.
"Ngoài kia thế giới bao la lắm, các cháu phải vượt ra khỏi bản làng của mình, rừng núi không thể bao vây cuộc đời nếu các cháu biết cố gắng học tập", thầy Dũng tâm tình.
Hóa ra với người thầy 82 tuổi này, những con dốc ông đã trải qua chỉ là con dốc nhỏ trong đời mình. Còn có những con dốc cao hơn đang chặn đứng hoài bão, khát khao của bọn trẻ nơi ông vừa đặt chân đến. Có lẽ vì điều ấy mà khi nhờ môn đồ tìm kiếm điểm trường xây dựng, thầy Dũng luôn dặn dò phải là vùng khó khăn nhất, cần sự giúp đỡ nhất.
Đạo và đời gom trong tiếng vỗ tay ngây thơ của bọn trẻ sau chia sẻ của thầy Dũng. Và cũng không chỉ nói với những em bé cấp I ở đây, thầy còn gieo thêm tin yêu cho những thầy cô nơi điểm bản heo hút này, nuôi giấc mơ về một ngày mai.
Thầy Dũng cười tươi trong hành trình lên đỉnh núi khánh thành điểm trường Phí Chi B - Ảnh: TRẦN MAI
Yêu thương lan tỏa giữa ngàn mây
Kết thúc lời chia sẻ ấy, thầy Dũng gửi đến bọn trẻ một lời hứa rằng 7 năm nữa, khi có 1 học trò nào trong 42 em bé ở điểm bản Phí Chi B này đậu đại học, thầy Dũng và các học trò sẽ tiếp tục chăm lo trong suốt 4 năm đại học.
Lời hứa ấy khiến thầy Nguyễn Đình Tình, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Dân tộc bán trú Pa Vệ Sủ, nở nụ cười hiền lành. 13 năm đi dạy, chừng ấy thời gian thầy Tình gắn bó với sự nghiệp gieo chữ ở xã miền núi này.
Tất cả điểm trường xa xôi nhất thầy Tình đều đến dạy chữ, kể cả Phí Chi B. Hơn ai hết, thầy Tình hiểu những tâm sự của thầy Dũng là bao ước vọng của chính mình khi chọn dạy học ở đỉnh trời.
"Thật sự chúng tôi rất mừng khi hay tin võ đường Nghĩa Dũng Karate-do hỗ trợ dựng điểm trường cao xa bậc nhất ở xã Pa Vệ Sủ là Phí Chi B này. Ở đây, 100% học trò là đồng bào La Hủ, vì quá cách trở nên cái ăn cái mặc lẫn con chữ cha mẹ bọn trẻ đều không quan tâm. 13 năm qua, chưa có học trò nào ở đây học hết lớp 12. Tôi có niềm tin lời chia sẻ của thầy Dũng sẽ nuôi dưỡng hoài bão của bọn trẻ", thầy Tình chia sẻ.
Điểm trường Phí Chi B mà thầy trò võ đường Nghĩa Dũng Karate-do chung lòng xây dựng đưa vào dạy học từ đầu năm 2020.
Đáng ra buổi lễ khánh thành đã được tổ chức từ đầu năm, nhưng vì dịch bệnh khiến lễ khánh thành lùi lại đến tận bây giờ. 42 học trò ở trường đã được nghe thầy cô kể ngôi trường được xây dựng như thế nào.
Vậy mà hôm nay, khi nghe thầy Dũng nói, trong suy nghĩ non nớt của lũ trẻ đã có những suy nghĩ xa xôi. Em Pờ Văn Huy (lớp 5, điểm trường Phí Chi B) ngây thơ nói: "Cháu nghe ông Dũng nói mà thích quá, cháu muốn đi học ở các thành phố lớn như ông nói".
Cậu bé người La Hủ này từ khi sinh ra, nơi xa nhất cậu đến là trung tâm huyện Mường Tè, cậu chỉ thấy thế giới rộng lớn mà thầy Dũng vừa chia sẻ qua chiếc tivi chập chờn tín hiệu.
Những chiếc áo ấm được thầy Dũng và các môn đồ mặc cho từng học trò, bọn trẻ đầy thích thú. Có lẽ, chúng cảm nhận được yêu thương và ấm áp của tình người. Sương vờn qua đỉnh núi đặc quánh được xua tan bởi nắng mới.
Yêu thương cũng được gửi lại giữa mây ngàn khi thầy Dũng cùng các môn đồ trồng hai cây đào trước điểm trường. Thầy gọi những học trò của mình là giáo sư, tiến sĩ đến cùng vun đất. Thầy Dũng nói: "Chúng ta cùng trồng cây hi vọng và chờ đợi nở hoa".
Mùa đông năm 2017, thầy Nguyễn Văn Dũng đã có chuyến đi thiện nguyện cùng anh em phóng viên báo Tuổi Trẻ lên xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, Lai Châu). Sau chuyến đi "thực tế" ấy, ông đã bàn bạc với các môn sinh mỗi năm cố gắng xây dựng một điểm trường cho các em bé vùng cao Tây Bắc.
Năm 2018, điểm trường đầu tiên được xây dựng ở bản Chua Ta B. Năm 2019, điểm trường thứ hai được xây dựng ở Pó Sinh (hai điểm trường này đều thuộc huyện Điện Biên Đông, một huyện khó khăn hiểm trở nhất ở tỉnh Điện Biên). Năm 2020 này là điểm trường Phí Chi B (huyện Mường Tè, Lai Châu). Mỗi điểm trường cùng áo ấm, trang thiết bị cho các em có trị giá từ 200 - 300 triệu đồng.
Ông Vừ A Bằng - nguyên bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông, nay là phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, người sát cánh cùng thầy Nguyễn Văn Dũng trong việc xây những điểm trường tại vùng cao này - nói ngôi trường mà thầy và các môn đệ của Nghĩa Dũng Karate-do xây cho các em bé vùng cao không chỉ là một lớp học cho con em ngồi học.
"Một võ sư - một nhà văn hơn 80 tuổi ở tận Huế, cách xa hơn 1.200 cây số vẫn lặn lội leo núi vượt đèo chăm lo cho sự học con em chúng tôi, những em bé dân tộc Mông, Hà Nhì, La Hủ...Vì thế những ngôi trường ở các bản làng heo hút này với chúng tôi còn là một thông điệp của thầy nhắc nhở chúng tôi hãy quan tâm chăm lo cho nhân dân nói chung và đặc biệt là chăm lo sự học của con em miền núi nói riêng" - ông Bằng nói.
TTO - Hôm nay, ngày mai, ngày kia mưa to gió lớn vẫn tiếp tục ở miền Trung, Tây Nguyên. Vẫn còn bao rủi ro và thiệt hại chưa lường định được.
Xem thêm: mth.78540959012210202-gnourt-iam-gnud-na-aub-pog/nv.ertiout