Trong phần tranh luận đối đáp, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã đưa ra bằng chứng khẳng định ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính vì đã tạo điều kiện giúp Đinh Ngọc Hệ tham gia thu phí cao tốc, dẫn đến thất thoát hơn 725 tỉ đồng cho nhà nước.
Luật sư bào chữa và bị cáo Thăng nói gì?
Ngày 21.12, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường (cựu lãnh đạo Bộ GTVT) và các bị cáo khác trong vụ án tiêu cực xảy ra tại cao tốc TPHCM – Trung Lương tiếp tục với phần tranh luận đối đáp giữa luật sư bào chữa và phía công tố - đại diện VKS.
Bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, cần phải chứng minh ông Thăng là đồng phạm hoặc xúi giục, giúp sức… “Đại diện VKS cho rằng ông Thăng giới thiệu ông Hệ với Tổng Công ty Cửu Long nhưng lúc này chưa có dự án mua bán quyền thu phí. Do đó, hành vi của ông Thăng tạo tiền đề để bị cáo Hệ chiếm đoạt hơn 725 tỉ là không đúng”- luật sư Nghĩa trình bày.
Về phần mình, bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục bác bỏ quan điểm luận tội của VKS. Bị cáo Đinh La Thăng trình bày: “Đại diện VKS đã có sự nhầm lẫn, tại dự án này, việc chuyển nhượng là chuyển nhượng quyền thu phí trong thời gian 5 năm. Quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc quyền của nhà nước.
Tại dự án, không chuyển quyền sở hữu tài sản mà chỉ chuyển quyền được khai thu phí trên cao tốc trong 5 năm theo quy định của pháp luật. Do đó, tiền thu phí này theo quy định của luật đấu giá trong thời gian 5 năm thì thuộc quyền của nhà đầu tư, tức là người trúng đấu giá (công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ)”.
Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục bác bỏ luận điểm cáo buộc về mối quan hệ giúp đỡ và hỗ trợ của mình với bị cáo Đinh Ngọc Hệ trong vụ việc đấu giá chuyển giao quyền thu phí cao tốc. “Đề nghị đại diện VKS chỉ ra ai là người biết mối quan hệ đó. Từ lời khai của các bị cáo tại tòa cũng cho thấy, không có ai khẳng định giữa tôi và ông Hệ có mối quan hệ thân thiết để tôi can thiệp, giúp đỡ cho công ty của ông Hệ”- Bị cáo Đinh La Thăng nói.
Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm luận tội
Đáp lại luận điểm bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, đại diện VKS tiếp tục chứng minh vai trò của bị cáo Thăng liên quan trực tiếp đến sai phạm của bị cáo Nguyễn Hồng Trường và nhóm bị cáo thuộc Bộ GTVT và Công ty Cửu Long.
Theo đại diện VKS, tại biên bản lời khai ngày 21.4.2020, bị cáo Đinh La Thăng đã khai để triển khai việc chuyển nhượng quyền thu phí theo chỉ đạo của Thủ tướng, bị cáo đã phân công giao các Thứ trưởng Bộ GTVT thực hiện.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ các Thứ trưởng khi ký các văn bản chỉ đạo, giải quyết công việc đều có gửi một bản cho bị cáo Thăng để báo cáo theo thủ tục hành chính không phải xin ý kiến chỉ đạo. Bị cáo Đinh La Thăng đã thừa nhận đã nhận được 3 văn bản do bị cáo Nguyễn Hồng Trường ký gửi Bộ Tài chính xin ý kiến.
Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu lời khai từ chính lời khai của bị cáo Đinh La Thăng, VKS kết luận bị cáo đã nắm được diễn biến quá trình triển khai thực hiện đề án chuyển giao là hoàn toàn có căn cứ.
Ngoài ra, vị đại diện VKS cũng trích dẫn lời khai ngày 23.8.2020 của bị cáo Nguyễn Hồng Trường khai nhận bản thân bị cáo Trường biết bị cáo Đinh Ngọc Hệ từ cuối 2012 vì nhiều lần lên phòng làm việc của bị cáo Thăng.
“Nhiều người tại Bộ GTVT biết mối quan hệ thân thiết giữa ông Thăng với bị cáo Hệ. Bị cáo Nguyễn Hồng Trường khai nhận khi triển khai đề án đều có sự kiểm tra giám sát của Bộ trưởng Thăng. Đặc biệt, bị cáo Trường còn khai đã chịu sức ép rất lớn về tiến độ mà Bộ trưởng yêu cầu phải hoàn thành. Trong đề án này, ông Thăng đã có chỉ đạo đối với Tổng công ty Cửu Long”- Vị đại diện VKS dẫn chứng.
Ngoài ra, theo đại diện VKS, quá trình xây dựng, hoàn thiện đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương và tổ chức bán đấu giá quyền thu phí, bị cáo Đinh La Thăng có nhận được các tài liệu do bị cáo Nguyễn Hồng Trường gửi để báo cáo.
Khi công ty Yên Khánh của bị cáo Đinh Ngọc Hệ chây ì không nộp tiền mua quyền thu phí theo đúng cam kết, bị cáo Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) đã ký thông báo gửi Bộ GTVT, nhưng bị cáo Đinh La Thăng không những không chấp nhận mà còn thái độ không đồng tình với Dương Tuấn Minh, chứng minh tại lời khai ngày 18.2.2020 trích từ bút lục 43246 – 43265.
“Việc bị cáo Đinh La Thăng không chấm dứt hợp đồng đối với công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ theo thẩm quyền Bộ trưởng là một trong những nguyên nhân để bị cáo Đinh Ngọc Hệ tiếp tục thực hiện gian dối, để chiếm đoạt gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 725 tỉ đồng”- Đại diện VKS cáo buộc.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT) mức án từ 10-11 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).