Hàng không nội địa phục hồi ấn tượng
Thống kê của Cơ quan giám sát dữ liệu hàng không OAG có trụ sở tại Anh quốc cho thấy, trước khi xảy ra dịch COVID-19, đường bay trục Bắc - Nam của Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trong 10 đường bay đông đúc nhất thế giới.
Sau khi xảy ra dịch COVID-19, cục diện hàng không thế giới thay đổi, các đường bay quốc tế bị hạn chế khai thác tối đa. Thậm chí, mạng đường bay quốc tế chở khách tới Việt Nam gần như bị "đóng cửa" hoàn toàn, chỉ còn bay chở hàng và một số ít chuyến bay "giải cứu" công dân, chuyến bay đưa chuyên gia và người lao động từ nước ngoài về nước.
Tăng trưởng hàng không Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường nội địa. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ở trong nước, hoạt động đi lại bằng đường hàng không gia tăng. Các hãng đẩy mạnh việc khai thác bay nội địa để duy trì hoạt động và "khơi thông" dòng tiền đang cạn kiệt.
"Đường bay vàng" Hà Nội - TP.HCM trong top đông đúc nhất thế giới.
Hiện nay, đường bay trục Hà Nội - TP Hồ Chí Minh của Việt Nam vẫn là một trong 5 đường bay có sản lượng khai thác lớn nhất thế giới. Đặc biệt, ngày 17/12 vừa qua, thống kê của Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) cho thấy đường bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xếp thứ 2 trên thế giới về tải cung ứng, chỉ sau đường bay Seoul - Jeju của Hàn Quốc.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết, mỗi ngày có 130 chuyến bay khứ hồi giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh dịch COVID-19 gây tác động lớn, nhưng đến nay thị trường nội địa đã được phục hồi nhanh chóng, đặc biệt là trên đường bay trục Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tần suất khai thác đã đạt mức cùng kỳ năm 2019, đây là diễn biến rất tích cực của ngành hàng không Việt Nam nói chung.
Cạnh tranh giành thị phần
Đối với hãng vận chuyển, thị phần trên "đường bay vàng" đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Cụ thể: Thị phần của Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines và Pacific Airlines) chiếm 57%; hai hãng Vietjet và Bamboo Airways chia nhau 43% thị phần. Để giành được thị phần lớn trên "đường bay vàng", các hãng buộc phải cạnh tranh bằng nhiều hình thức như dịch vụ, khai thác, giá vé...
Trao đổi với PV đại diện Vietnam Airlines cho biết: Đây là đường bay trục trong mạng bay của hãng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines Group cũng như trong việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch của Việt Nam.
Năm 2020, sản lượng hành khách trên đường bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 25% tổng số khách nội địa của Vietnam Airlines. Nếu tại thời điểm tháng 4, lượng khách giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ bằng 15% so với cùng kỳ thì đến tháng 5, lượng khách đã phục hồi 100%. Hiện tại, trung bình mỗi tuần Vietnam Airlines Group đang cung ứng khoảng 104.000 ghế, vận chuyển 92.000 lượt khách giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tương đương 98% so với cùng kỳ và chiếm 57% tổng thị trường.
Đường bay quốc tế dừng khai thác, các hãng cạnh tranh thị phần nội địa.
Theo đại diện Vietnam Airlines, trước vai trò chiến lược và nhu cầu lớn của đường bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Vietnam Airlines luôn không ngừng cải tiến, ra mắt các sản phẩm, dịch vụ trên đường bay này nhằm tăng sức hút và mang đến cho hành khách trải nghiệm tốt nhất.
Đặc biệt, từ tháng 7/2020, Vietnam Airlines đã nâng tầm đường bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trở thành một sản phẩm cốt lõi tại thị trường nội địa với bộ nhận diện và tên gọi riêng là VNAXPRESS - đường bay Hồ Chí Minh, có những ưu điểm vượt trội.
Theo đó, trung bình mỗi ngày có gần 40 chuyến bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được Vietnam Airlines và Pacific Airlines thực hiện với tần suất 30 phút - 1 tiếng/chuyến. Đường bay Hồ Chí Minh có lịch bay giờ tròn, nghĩa là giờ khởi hành của các chuyến bay được bố trí vào khung giờ 6h, 7h... trải đều đến 21h hàng ngày.
Hãng này khai thác đội tàu bay thân rộng thuộc top đầu châu Á - Thái Bình Dương, lớn thứ hai tại Đông Nam Á với hai dòng Airbus A350 và Boeing 787, cụ thể gồm 14 chiếc Airbus A350-900, 11 chiếc Boeing 787-9, 3 chiếc Boeing 787-10 để phục vụ đường bay giữa Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
Khác với trước đây khách phải mua vé muộn nhất là 3 tiếng trước khi bay, hiện khách có thể mua vé sát giờ bay. Trên chặng bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hành khách có thể mua vé sát giờ bay 1 tiếng trước giờ khởi hành. Trong trường hợp đến sân bay sớm, hành khách có thể được mời lên chuyến bay có giờ khởi hành sớm hơn nếu chuyến bay còn chỗ.
Ngoài ra, trên đường bay bày, hành khách cung cấp các dịch vụ mặt đất và suất ăn trên máy bay một cách khác biệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!