vĐồng tin tức tài chính 365

Hơn 68.000 người đã ‘sập bẫy’ của đa cấp Liên Kết Việt ra sao?

2020-12-21 14:58

Hơn 68.000 người đã ‘sập bẫy’ của đa cấp Liên Kết Việt ra sao?

Vân Phong

(TBKTSG Online) – Bị cáo Lê Xuân Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt, cùng đồng phạm đã cung cấp thông tin sai lệch về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP để lôi kéo nhà đầu tư tham gia vào mạng lưới đa cấp.

Bị cáo Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt khai báo trước Hội đồng xét xử tại phiên toà sáng 21-12-2020. (Ảnh: TTXVN).

Thủ đoạn mạo danh đơn vị thuộc Bộ Quốc Phòng

Sáng 21-12, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt - PV), sau 5 năm từ khi khởi tố vụ án.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao, bị cáo Lê Xuân Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt, cùng 6 bị cáo khác bị cáo buộc giả mạo doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng để lôi kéo hơn 68.000 người bị hại tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp, lừa đảo thu lợi hàng ngàn tỉ đồng.

Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP (Công ty BQP - PV) và Công ty Liên Kết Việt đều do Lê Xuân Giang thành lập và điều hành hoạt động. Lợi dụng Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, Lê Xuân Giang các bị cáo còn lại đã sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm tạo dựng lòng tin với các bị hại về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP trong khoảng thời gian từ tháng 3-2014 đến tháng 11-2015.

“Các bị cáo đã giới thiệu Công ty Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP, còn Công ty BQP là Công ty cổ phần của Tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng - công ty của Bộ Quốc phòng, Lê Xuân Giang và các lãnh đạo của công ty là cán bộ của Bộ Quốc phòng”, VKSND Tối cao cho biết.

Bên cạnh đó, các sản phẩm được doanh nghiệp của bị cáo Giang bán ra, gồm: máy khử độc Ozone Advance great-13, Ngũ Linh đông trùng hạ thảo, Bổ Não Vương, Dưỡng cốt vương, Sâm nhung đông trùng hạ thảo đều được các bị cáo giới thiệu là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng và đã được thử nghiệm, đưa vào sử dụng tại các bệnh viện trung ương, theo cơ quan kiểm sát.

Cụ thể, tháng 3-2013, bị cáo Lê Xuân Giang với vai trò Chủ tịch Liên Kết Việt chỉ xin ký xác nhận ý tưởng sản xuất máy khử độc ozone với công ty Thanh Hà thuộc Bộ Quốc phòng mà không hợp tác sản xuất kinh doanh. Nhưng bị cáo Giang lại chỉ đạo in trên tất cả máy khử độc ozone của Công ty BQP dòng chữ "Sản phẩm này của Công ty BQP hợp tác sản xuất với Công ty Thanh Hà, Bộ Quốc phòng".

Thủ đoạn tương tự cũng được áp dụng để quảng bá cho hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng là sản phẩm "liên kết hợp tác nghiên cứu khoa học" với các bệnh viện quân đội tuyến trung ương.

Nhưng các giấy xác nhận đều do bị cáo Lê Xuân Giang tự soạn thảo nhằm gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ cho người mua, theo cơ quan điều tra. Ngoài ra, các sản phẩm này dù được quảng bá có nhiều công dụng thần kỳ, nhưng thực chất không đủ điều kiện tiêu thụ ngoài thị trường, theo kết luận của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.

“Chiêu trò” trả thưởng theo mô hình kim tự tháp

Các bị cáo đã đặt ra những quy định trái pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp như chỉ cần đóng tiền vào Công ty Liên Kết Việt mà không cần lấy hàng hóa ra để kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối của công ty, một người có thể đứng tên nhiều mã hàng nhằm lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp.

Đáng chú ý, bị cáo Lê Xuân Giang và các đồng phạm đặt ra mô hình trả thưởng theo hình kim tự tháp – lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước – nhằm lôi kéo người tham gia mới, với lời hứa hẹn về số tiền thưởng, hoa hồng sẽ trả cho người tham gia lên tới trên 65% tính trên tổng số tiền thu được.

“Đây là khoản tiền của những người tham gia trong mạng lưới đa cấp của Công ty Liên Kết Việt mà không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp”, VKSND Tối cao cho biết.

Các bị cáo cũng triển khai trên toàn hệ thống kinh doanh đa cấp 15 chương trình thi đua khuyến mại, kích cầu, gồm: nộp 7 triệu đồng vào Công ty Liên Kết Việt sẽ nhận được tiền thưởng lên tới 409 triệu đồng, nếu lôi kéo được nhiều người tham gia sẽ nhận được quà thưởng là ô tô trị giá 1 tỉ đồng, nhà trị giá 1,8 tỉ đồng, tặng chuyến du lịch nước ngoài, theo VKSND Tối cao.

Để mở rộng mạng lưới, lôi kéo nhiều người đóng tiền tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp, bị cáo Lê Xuân Giang cùng đồng phạm đã cho mở các đại lý của Công ty Liên Kết Việt tại các tỉnh, thành phố đưa ra các quy định về quyền lợi áp dụng cho các trưởng Chi nhánh, Văn phòng đại diện, đại lý để khuyến khích các đối tượng này lôi kéo thêm nhiều bị hại tham gia tại các địa phương.

Theo VKSND Tối cao, bị cáo Lê Xuân Giang và các đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh, thành. Qua đó lôi kéo hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp tính tới tháng 11-2015.

“Các bị cáo đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1.121 tỉ đồng trên tổng số hơn 2.000 tỉ đồng thu về từ 15 chương trình khuyến mại và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền đó”, VKSND Tối cao cho biết.

Số tiền còn lại được các bị cáo dùng để chi trả hoa hồng, tiền thưởng, nuôi bộ máy.

Hiện tài liệu điều tra mới xác định được 6.053 người có đầy đủ thông tin, địa chỉ là bị hại trong vụ án. Những người này đã nộp cho Công ty Liên Kết Việt hơn 584 tỉ đồng và đã được Hội đồng xét xử triệu tập tới phiên tòa với tư cách là bị hại.

Với những người bị hại khác, nếu có yêu cầu bồi thường, sẽ giải quyết bằng trình tự thủ tục tố tụng dân sự.

Bảy bị cáo trong vụ án gồm:

- Lê Xuân Giang, sinh năm 1971, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Liên Kết Việt;

- Lê Văn Tú, sinh năm 1985, Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt;

- Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1970, Phó tổng giám đốc Công ty Liên Kết Việt;

- Bốn bị cáo gồm: Lê Thanh Sơn, sinh năm 1988; Trịnh Xuân Sáng, sinh năm 1975; Nguyễn Xuân Trường, sinh năm 1967; Vũ Thị Hồng Dung, sinh năm 1974 là thành viên nhóm phát triển thị trường Công ty Liên Kết Việt.

Các bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 139, khoản 4, Bộ luật Hình sự năm 1999.


 

Xem thêm: lmth.oas-ar-teiv-tek-neil-pac-ad-auc-yab-pas-ad-iougn-00086-noh/159113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hơn 68.000 người đã ‘sập bẫy’ của đa cấp Liên Kết Việt ra sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools