Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã có báo cáo công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Theo đó, năm 2020 cả nước cấp 596.783 GPLX ô tô và 936.128 GPLX mô tô, làm nền tảng để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Cả nước có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 343 cơ sở đào tạo lái xe ô tô với 19.714 giáo viên dạy lái xe đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo quy định mà nhà nước đề ra.
Đồng thời cả nước có 141 Trung tâm sát hạch lái xe ô tô có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nhân sự nhằm đảm bảo quá trình và kết quả sát hạch được minh bạch.
Gần 600.000 bằng lái xe ô tô được cấp trong năm 2020. Ảnh: TN
Cũng từ ngày 1-1-2020, dữ liệu giám sát phòng sát hạch lý thuyết và bài sát hạch lái xe trong hình của các Trung tâm sát hạch lái xe trên toàn quốc đã được kết nối về Tổng cục ĐBVN để chia sẻ đến các cơ quan có thẩm quyền giám sát công tác sát hạch.
Ngoài việc xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự thảo Quy chuẩn thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe của học viên lái xe, quy chuẩn thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe (ca bin tập lái xe), Tổng cục ĐBVN đã cho áp dụng việc sát hạch lý thuyết bộ 600 câu hỏi và phần mềm sát hạch để người dự sát hạch thực hiện bài thi trên máy vi tính. Kèm theo đó là nội dung đào tạo với năm môn học để đảm bảo người lái xe đủ kỹ năng vận hành xe an toàn.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX vẫn còn một số khó khăn như việc sử dụng phần mềm tra cứu thông tin GPLX vi phạm của Cục CSGT còn hạn chế. Đồng thời, ngành Y tế chưa có dữ liệu khám sức khỏe cho người lái xe trên toàn quốc nên có trường hợp sử dụng giấy khám sức khỏe giả để được học và cấp, đổi GPLX.
Từ đó, Tổng Cục ĐBVN đề ra nhiệm vụ thực hiện trong năm 2021 là tiếp tục quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Cụ thể, thực hiện kiểm tra điều kiện vật chất các cơ sở đào tạo lái xe, xác minh văn bằng, chứng chỉ của đội ngũ giáo viên.
Trong đó, đáng chú ý, Tổng Cục đề ra mục tiêu lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên trên xe tập lái, phối hợp với Tổng cục ĐBVN tổ chức thử nghiệm, đánh giá kết quả trước khi triển khai trên toàn quốc.
Ngoài ra, Tổng cục cũng đề nghị các Sở GTVT chỉ đạo cơ sở đào tạo lái xe chuẩn bị kinh phí đầu tư để nâng cao chất lượng công tác đào tạo lái xe trong năm 2021.
Đơn cử một số hoạt động như lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe, hệ thống máy tính để cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca bin tập lái xe ô tô.