Ngày 21-12, trong buổi gặp mặt báo chí dịp cuối năm, Thượng tá Trần Văn Phú, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TP.HCM cho biết, liên quan đến tội phạm tín dụng đen, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nay phát triển tinh vi hơn trước.
“Những người phạm tội hoạt động cho vay sử dụng công nghệ cao để cho vay. Trong lúc đó, số tiền nhỏ, vay dễ dàng làm cho người dân thiếu hiểu biết rơi vào bẫy” – ông nói.
Thượng tá Trần Văn Phú, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TP.HCM . Ảnh: NT
Theo PC02, các đối tượng cho vay qua mạng đã nắm được thông tin, danh bạ, hình ảnh, gia đình… mà người dân nhiều khi không biết, không chú ý. Trường hợp người vay không trả, trả chậm thì bị tạt chất bẩn, khủng bố.
Phó Trưởng phòng PC02 cho biết, trong thời gian qua Công an TP.HCM đã xử lý rất quyết liệt, mạnh tay với loại hình tín dụng đen cả kiểu cũ và kiểu mới (cho vay qua app – PV).
“Những đối tượng này chủ yếu từ miền Bắc vào, họ ở chung cư cao tầng hạng sang hoặc thuê các căn nhà để hoạt động, chia trách nhiệm từng đồng bọn. Ngoài ra, các đối tượng cho vay qua app thì cấu kết với những người Trung Quốc mở các công ty ở trong nước để hoạt động, vừa cho vay, vừa đòi nợ. Đến khi có ‘động’ là cắt đứt thông tin khiến việc điều tra gặp không ít khó khăn” – ông tiếp.
Sáng ngày 21-12, Công an TP.HCM tổ chức buổi gặp mặt cuối năm với báo chí. ảnh NT
Thời gian qua, Công an TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan để nắm tình hình, nhân thân, lai lịch và phương thức hoạt động của các băng nhóm tín dụng đen.
“Với yêu cầu là bắt thì bắt cho bằng được, không để sẩy đối tượng. Chúng tôi tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị để phát hiện và củng cố các chứng cứ, đủ truy tố trước pháp luật. Và thực tế đã phá được nhiều vụ, bắt giam” – ông nhấn mạnh.
Đại diện Phòng PC02 cũng thể hiện quyết tâm xử lý triệt để tình trạng cho vay lãi nặng, tín dụng đen và đòi nợ thuê. “Vì đối tượng được thả ra thì tiếp tục phạm tội thì sẽ phạm tội khác, phải tạm giam được các đối tượng để người dân yên lòng”.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cũng cho biết, việc xử lý tín dụng đen, đòi nợ thuê là ưu tiên vì vi phạm kỷ cương, kỷ luật xã hội.
“Chúng tôi tăng cường nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện xử lý sớm như quản lý ở chung cư, nhà cao tầng, cao ốc là nơi là tội phạm thích ẩn náu. Phải tập trung nắm tình hình để có đối sách xử lý từ sớm không để hoạt động phạm pháp, không để xảy ra vụ án hình sự đau lòng” – ông nói.
Theo đại tá Quang, hiện nay, tất cả tội phạm hiện nay đều có liên quan đến không gian mạng. “Đây là yêu cầu để chúng tôi đề xuất Bộ công an thành lập Phòng An Ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao. Sắp tới, sẽ chuyển một bộ phận về chống tội phạm công nghệ cao của Phòng cảnh sát hình sự về phòng này” – ông thông tin.
Theo đó, trong năm 2021, Công an TP.HCM sẽ ra mắt đơn vị này. Đây được đánh giá là đơn vị chủ công phối hợp với các đơn vị khác để thực hiện phòng chống tội phạm trên không gian mạng và là lực lượng chuyên trách giúp cho Giám đốc Công an TP phòng ngừa và đấu tranh về lĩnh vực này có hiệu quả hơn.
Đại tá Lê Công Vân, Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP.HCM cho biết, hiện nay có 53 công ty có chức năng đòi nợ thuê tại TP.HCM. Thực hiện nghị quyết của quốc hội, các công ty có chức năng đòi nợ thuê bắt đầu chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1-1-2021. “Hiện chúng tôi đang báo cáo với lãnh đạo Bộ công an sẽ có hướng dẫn thực hiện và thu hồi với giấy phép, giấy cấp về ANTT với công ty đòi nợ thuê; yêu cầu giải tán ngay không có chuyện núp bóng nhiều thành phần xã hội và thực hiện gây mất an ninh trật tự rất nhiều trong thời gian qua” – ông nói. Trên cơ sở đó Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH sẽ báo cáo Ban giám đốc Công an TP. có kế hoạch tiếp tục thực hiện quản lý để các công ty này không hoạt động trá hình bằng hình thức biến tướng khác. Về tín dụng đen, tiếp tục đấu tranh với các loại tội phạm lợi dụng tín dụng đen nhất là cho vay, lừa đảo trên app đang phổ biến trên không gian mạng. |