Nông sản Việt sang Trung Quốc qua 13 khâu trung gian, nông dân chịu nhiều rủi ro
Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Để đến được tay người tiêu dùng ở Trung Quốc, với cách thức giao thương như hiện nay, nông sản Việt phải qua khoảng 13 khâu trung gian khác nhau. Điều này, khiến mọi rủi ro đều đổ dồn lên người nông dân sản xuất.
Cần ‘luồng gió' mới để kích hoạt phát triển ĐBSCL
Trái cây xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Trung Chánh |
Tại hội thảo "Chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp" diễn ra vào chiều nay, 21-12 ở tỉnh Đồng Tháp trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Connect 2020, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico cho biết, đối với liên kết chuỗi, một cách đơn giản nhất là xuất phát từ người mua. “Nhưng, chúng tôi không thể đủ sức, đủ chi phí hoặc chi phí gia tăng khiến giá thành đội lên rất cao khi chúng tôi cho người đến giám sát từng vườn, từng vựa để thu mua”, bà cho biết.
Tuy nhiên, theo bà Thực, nếu thông qua nhiều khâu trung gian, từ lái vườn đến chành, vựa..., thì từ gốc sản xuất đến người tiêu dùng phải qua rất nhiều khâu trung gian. “Nếu theo sơ đồ như vậy, thì từ người sản xuất của Việt Nam đến người tiêu dùng cuối cùng của Trung Quốc, chúng ta phải qua độ khoảng 13 khâu trung gian”, bà Thực cho biết và nói rằng, nếu mỗi khâu trung gian này đều là khâu làm chủ, thì họ sẽ tính toán giá bán, khấu trừ lợi nhuận để đưa ra giá mua phù hợp.
Chính vì vậy, bao nhiêu khó khăn, rủi ro tất cả đều đẩy đến người "gánh" chịu cuối cùng là người nông dân, nhất là rủi ro về giá bán, tức giá bán thấp.
Bà Thực thẳng thắng nhìn nhận, cho đến giờ này, đối với Việt Nam, thì hầu như tất cả, trong đó, có một phần doanh nghiệp của bà đều làm thuê cho Trung Quốc. “Bởi, thương lái Trung Quốc mua đến từng chành, vựa và đấy là một sự thật chúng ta phải chấp nhận”, bà cho biết.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, thuỷ sản lớn của Việt Nam. Chẳng hạn, với mặt hàng trái cây, Trung Quốc chiếm khoảng 60-70% tổng giá trị xuất khẩu hàng năm của Việt Nam; với con cá tra, hiện đã chiếm khoảng 30% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành.
Không chỉ chiếm tỷ trọng cao với mặt hàng lúa gạo, Trung Quốc cũng dẫn đầu luôn trong nhập khẩu nhiều mặt hàng khác của Việt Nam như: mì (sắn) chiếm đến 90,8% thị phần xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam; chiếm 12,6% thị phần xuất khẩu điều của Việt Nam và chiếm 76,2% thị phần xuất khẩu cao su của Việt Nam…