- Nâng cao phòng, chống mua bán người của Ban chỉ đạo COMMIT
- Mối nguy về nạn mua bán người ở ASEAN trong mùa dịch COVID-19
Dự Hội nghị có Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Trưởng Ban công tác liên ngành COMMIT Việt Nam – Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, chủ trì Hội nghị; Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; trưởng đoàn và các đại biểu đại diện các bộ, ngành thuộc các nước thành viên COMMIT gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc…
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà và bà Caitlin Wiesen cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Theo báo cáo tại Hội nghị, tiến trình COMMIT đã hỗ trợ thúc đẩy tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người; phê duyệt Luật phòng, chống mua bán người; tạo điều kiện cho mỗi quốc gia tổ chức các lớp tập huấn liên ngành về phòng, chống mua bán người từ cấp Trung ương, cấp tỉnh đến cơ sở; hỗ trợ tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên xây dựng, ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương trong phòng, chống mua bán người; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chiến dịch truyền thông chung, xây dựng và thông qua các tiêu chí xác định nạn nhân, phối hợp giải cứu, điều tra, bắt giữ tội phạm, bảo vệ, hồi hương, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng… Qua đó, đã mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi quốc gia và khu vực.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà nhấn mạnh, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn tinh vi, hoạt động xuyên quốc gia, siêu lợi nhuận, đặc biệt là hoạt động đưa người di cư trong thời gian gần đây là một trong những hoạt động dễ bị các đối tượng mua bán người lợi dụng để biến những người di cư thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Do đó, cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, hiệu quả của cộng đồng quốc tế, các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Tiểu vùng sông Mê – Kông trong công tác phòng, chống mua bán người.
Phát biểu tại hội nghị, bà Caitlin Wiesen cho biết, với nỗ lực của Chính phủ các quốc gia thành viên COMMIT cùng với các đối tác, chúng ta đã có cuộc chiến lâu dài với loại hình tội phạm này. Từ năm 2004 đến nay, tiến trình COMMIT cũng như những nỗ lực của COMMIT đã thể hiện sự cam kết của các quốc gia liên quan trong cuộc chiến đấu tranh phòng, chống mua bán người. Đây là một trong những diễn đàn đạt được hiệu quả tốt nhất trong cuộc chiến đấu tranh phòng, chống mua bán người. UNDP cũng cam kết sẽ luôn sát cách với các quốc gia trong thực hiện các mục tiêu, chương trình, kế hoạch về phòng, chống mua bán người.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm về cập nhật những kết quả đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch hành động IV của Tiến trình COMMIT năm 2019, tập trung vào các sáng kiến và Cơ chế chuyển tuyến quốc gia, Cơ chế chuyển tuyến xuyên quốc gia dùng chung cho các nước COMMIT; tác động của dịch COVID-19 đến mua bán người và khả năng ứng phó của các nước thành viên Tiến trình COMMIT; diễn đàn dành cho các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và thanh niên trong công tác phòng, chống mua bán người; chia sẻ kinh nghiệm, đổi mới sáng tạo trong công tác phòng, chống mua bán người; sự bền vững của Tiến trình COMMIT hướng tới ứng phó hiệu quả để chấm dứt tình trạng mua bán người.