Hình ảnh người phụ nữ trần truồng đầm đìa máu, một giọt nước mắt lăn trên má, với bông hoa lan héo như tử cung, một bào thai tím tái, khung xương chậu, con ốc sên, một chiếc máy,... buộc quanh bà qua sợi dây như dây rốn, cộng hưởng lại tạo nên sự run rẩy về một cơn ác mộng triền miên.
“Các người đã làm gì đứa bé? Các người đã làm gì với đôi mắt của nó?”, nhân vật Rosemary nhìn đứa con mới sinh của mình mang đôi mắt màu vàng, đứa bé mà chồng cô nói đã chết lưu trong bụng cô nhưng sự thật, nó đã bị anh ta đoạt mất để làm con trai của quỷ Satan. Đây là cảnh cuối trong “Đứa con của Rosemary” - bộ phim kinh dị thuộc hạng kinh điển của đạo diễn Roman Polanski.
Không chỉ là một cú ngoặt tài tình của kịch bản hay một tình tiết khiến người xem dựng tóc gáy, nó thực sự còn ngầm ám hiệu về bí mật câm lặng trong hành trình mang thai bất thành của một người phụ nữ, về nỗi sợ hãi và nỗi ám ảnh đối với những bào thai đã chết.
Là nhân vật yêu thích của những tờ báo lá cải, công tước phu nhân xứ Sussex là Meghan Markle, vợ của hoàng tử Harry, vào tháng 11 vừa qua bỗng kể câu chuyện cô đã sảy thai như thế nào. Có người nói cô đánh bóng tên tuổi, có người nói cô mua nước mắt, có người nói cô muốn lên mặt báo, những điều đó dù đều có thể đúng nhưng nói gì đi nữa, Meghan Markle đã dũng cảm chạm tới một chủ đề mà đời sống xã hội luôn cố gắng né tránh nhiều nhất có thể.
Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama trong tự truyện “Becoming” cũng hé lộ bà từng sảy thai vào nhiều năm trước trong một nỗ lực thụ tinh nhân tạo và việc không thể giữ thai nhi khiến bà cảm thấy mình thất bại. Bà nói vào thời điểm ấy, bà không hề biết đó là một chuyện rất phổ biến, bởi, chẳng ai nói về điều đó cả. Sảy thai, đó là một đề tài gần như cấm kị, thậm chí, một nỗi xấu hổ cần phải giấu giếm.
Nói cho cùng, cũng chỉ có những người phụ nữ đã sở hữu rất nhiều quyền lực trên thế gian này như Michelle Obama, Meghan Markle hay Priscislla Chan (vợ của Mark Zuckerberg) mới có thể hoàn toàn cởi mở về ký ức đau khổ ấy mà không lo ngại định kiến.
Mặc dù là một hiện tượng không hề khan hiếm, mà theo thống kê, có đến 10-20% trường hợp mang thai gặp phải (số liệu từ cuốn “Mép rìa tồn tại: Bàn về sảy thai” của tác giả Julia Bueno còn cho biết cứ 4 người mang thai thì 1 người sảy thai) nhưng sảy thai luôn nằm trong một bóng tối mù mờ và bí ẩn về mặt khoa học đối với phần lớn con người trong xã hội suốt hàng ngàn năm qua.
Đừng cười khi biết rằng người Ấn Độ cổ đại tin sảy thai là do một linh hồn ác quỷ hút máu tên Kanvas gây ra, hay bộ kinh “Tanakh” của người Do Thái kể câu chuyện về một người đàn ông ngờ vực rằng người vợ đang mang thai của mình có nhân tình và bắt cô phải uống một loại dược chất mà nếu uống xong cô bị sảy thai thì điều đó có nghĩa cô đã lừa dối chồng.
Xét cho cùng, những suy nghĩ của con người hiện đại ngày nay cũng không kém nực cười và không kém phần phản khoa học, như là bê vác nặng, nhảy nhót, ngồi xe ngựa xóc, hoạt động mạnh thay vì ngồi yên ở nhà, hay trải qua những cơn sợ hãi sẽ khiến người ta sảy thai. Chúng ta vẫn thường thấy những lý do như vậy nhan nhản trong những bộ phim truyền hình ba xu chiếu trên tivi.
Điểm chung trong rất nhiều những lý giải lầm lạc và vô căn cứ này là hầu như chúng đều có xu hướng đổ lỗi cho người phụ nữ. Một tử cung nhẵn nhụi không thể giữ được đứa trẻ là câu chuyện hư cấu mà người Hy Lạp đã tưởng tượng ra để giải thích hiện tượng sảy thai. Họ cũng tin phụ nữ không được xúc động mạnh nếu không muốn làm hại đứa con trong bụng.
Danh y Hippocrates thì có những ý tưởng kỳ khôi, rằng phụ nữ mà nhảy lên nhảy xuống hay đứng trên một chiếc thang rung lắc thì thai nhi sẽ gặp nguy hiểm. Những niềm tin kiểu này vẫn còn truyền lại như nguồn tri thức dân gian cho đến ngày nay. Và người phụ nữ mang thai buộc phải trở thành một bình hoa đặt đâu ngồi đó, im lặng và ngoan ngoãn, họ bị kìm hãm và bị giam giữ trong những chấn song để hoàn thành điều được coi là “thiên chức” của họ.
Mang thai trở thành cái cớ hoàn hảo để người phụ nữ không còn làm được gì khác ngoài việc mang thai, họ bị mất đi tính cá nhân mà chỉ còn là vỏ bọc bao chứa một con người khác còn chưa ra đời. Còn nếu không hoàn thành được thiên chức này, họ sẽ trở thành người có lỗi. Cảm giác có lỗi, hay nói như Michelle Obama, cảm giác “thất bại”, ập đến với những người phụ nữ vô tình đánh mất con đến từ chính những kiến thức y học lệch lạc của xã hội đối với nữ giới.
Nhưng, nam giới đôi khi cũng là nạn nhân của sự kỳ thị. Năm 1655, ở Anh, một phụ nữ tên Elizabeth Catterall đã kiện người đàn ông tên William Hodgson vì tội “đặt tay lên bụng cô và bóp chặt” và theo cô, hành vi này dẫn đến việc cô bị sảy thai. Sinh sản, theo tác phẩm “Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết” của Arthur Schopenhauer, một trong những tên tuổi quan trọng nhất của triết học thế kỷ 20, là mục đích tối thượng trong tiềm thức con người. Sự tiếp nối nòi giống là cách duy nhất để con người tiếp tục tồn tại kể cả sau khi đã chết và khẳng định vị thế độc tôn của mình.
Một phụ nữ với khẩu hiệu ngưng coi sảy thai là một nỗi hổ thẹn. |
Chủ nghĩa Khuyến sinh (Natalism) tụng ca sự sống và coi việc trở thành một người mẹ là điều kỳ diệu đáng khao khát khiến việc mang thai dù ở nền văn hóa nào cũng có một vẻ thiêng liêng nhất định. Quan điểm rằng sự va chạm của người đàn ông vào sự thiêng liêng ấy sẽ gây ra những hệ quả khó lường, tuy ngày nay không còn giá trị nhưng tàn dư của quan niệm đó vẫn ở lại, khiến vai trò của người đàn ông bị giảm thiểu trong hành trình đáng lẽ là của cả hai người.
Thời kỳ cận đại, người cha cũng trở thành đối tượng bị lên án cho hiện tượng sảy thai với những kết luận khoa học mới rằng, vì tinh trùng yếu mà đứa trẻ không thể sống sót đến khi chui ra khỏi bụng mẹ. Những đổ lỗi cho khiếm khuyết cơ thể con người này tạo nên sự hổ thẹn và thua kém, khiến “sảy thai” dù là một hiện tượng rất phổ biến nhưng không ai muốn thừa nhận gia đình mình đã từng trải qua nó, lịch sử về nó là một lịch sử gần như câm lặng, dù là với nam hay với nữ.
Ngược với kỳ vọng của chúng ta, những tiến bộ khoa học ngày nay thậm chí còn khuếch tán hơn sự im lặng ấy. Điều kiện y tế ngày càng tốt đồng nghĩa với suy nghĩ, hiện tượng sảy thai phải hy hữu hơn và sảy thai có thể phòng tránh được. Cho nên, nếu tai nạn vẫn xảy ra thì không thể đổ tại cho bất cứ ngoại cảnh thiếu thốn nào mà chỉ có thể tự trách bản thân.
Ta sẽ thấy sự bất toàn của khoa học ở đây. Trên tạp chí Sapiens, một tạp chí độc lập về nhân chủng học, có một bài viết so sánh trải nghiệm sảy thai tại Anh, một quốc gia với nền y học phát triển và Qatar, một đất nước mà tôn giáo vẫn nằm ở trung tâm đời sống. Trong khi phần lớn những phụ nữ Anh từng bị sảy thai phải gánh chịu những chấn thương tâm lý, nỗi lo sợ có gì đó sai trái trong cơ thể mình, cùng cảm giác cuộc sống gia đình trong mơ đã sụp đổ, thì những phụ nữ ở Qatar cho biết, nền văn hóa của họ nói về những đứa trẻ đã mất giống như “những cánh chim trên thiên đường”.
“Khi tôi nói với các bác sĩ rằng, tôi đã bị sảy thai 4 lần, họ sẽ nói: “Cô là người may mắn, sẽ có ai đó bảo vệ cô khi đến ngày Phán quyết”. Họ nói rằng trên thiên đường, những cánh chim này sẽ bay theo, nắm tay cô và nói với đức Chúa rằng đây là mẹ của con”, Fareeda - một phụ nữ trung niên kể lại.
Với một xã hội còn nặng tôn giáo, con người không giao toàn bộ đời mình cho khoa học mà họ còn giao nó cho đức tin và nếu điều gì đó không hay xảy ra, họ chấp nhận đó là một phần kế hoạch mà Thượng đế đã ban cho mình: “Bạn không biết con mình sẽ lớn lên trở thành cái gì. Nó có thể lớn lên và bị khuyết tật hay trở thành một con người xấu xa, hư hỏng, nó có thể giết cả cha mẹ mình. Vì thế, Allah không muốn nó được sinh ra, bởi Allah muốn mọi thứ tốt nhất cho bạn”, một người phụ nữ Qatar khác chia sẻ - điều mà một thế giới trọng khoa học cho là nỗi bất hạnh thì với một thế giới trọng tín ngưỡng cho là điềm lành.
Khoa học kỹ thuật khiến nhân loại quá tự tin về những gì có thể kiểm soát được. Loài người càng kiêu ngạo và không chịu thừa nhận thất bại ở bất cứ đâu. Nếu có lỗi xảy ra, thì đó không thể là lỗi phổ quát của giống loài mà là lỗi của từng cá nhân. Cuối cùng, trong khi con người xét trên bình diện rộng lớn thì tiến lên nhưng những con người cụ thể bị tụt lại trong những bi kịch riêng tư, tự đày đọa bởi suy nghĩ rằng mình mang tội. Nhưng, sự phát triển của cả một tập thể có ý nghĩa gì nếu từng cá nhân làm nên tập thế ấy không tìm thấy sự an ủi?
Hiền TrangXem thêm: /083326-iaht-yas-auc-gnal-mac-us-hciL/hniM-naV-coh-aohK/nv.moc.dnac.tcgtna