Theo góc nhìn của tôi - một sinh viên đã thành “nàng”, tuy chẳng thể “bán nghệ” như những geisha thực thụ nhưng các “nàng” cũng chẳng bán thân. Mọi thứ ở đây phức tạp và kì lạ hơn nhiều.
Trào lưu "sugar daddy" - những người đàn ông lớn tuổi bao nuôi các cô gái trẻ - thường được cho là một trào lưu trao đổi tình - tiền mới nổi lên gần đây. Nhưng thực ra, ẩn ở một góc khuất, những "bố đường" này đã tồn tại từ rất lâu và những gì họ bỏ ra mua không phải là tình dục mà hóa ra là... những ảo tưởng.
Khách đến bar chỉ để đốt thời gian, tìm quên chứ không tìm say. |
"Khách thích em rồi thì em muốn gì cũng được"
Mỗi ngành nghề sẽ có một tuyên ngôn riêng, còn với ngành nghề vô cùng đặc biệt này, có lẽ câu khẳng định trên chính là tuyên ngôn. Tôi nghe câu này ở mọi quán bar mình từng làm. Đi kèm với nó là những câu chuyện minh chứng: “Có con bé kia, vào làm được 3 ngày đã gặp ông đó người Hàn. Ngày đầu tiên ông ấy mua cho nó cái điện thoại, ngày thứ hai ông lại cho nó cái xe máy 50 triệu. Nghe đâu ông là hiệu trưởng trường nào bên đó...". "Con Kumi tháng nào cũng được gửi 70 “củ”. Một ông gửi cho nó 30 “củ” (triệu VNĐ - PV), hai ông khác mỗi ông gửi 20 “củ””.
Ở một hình thức nào đó, những câu chuyện cổ tích có thật này là một lời hứa hẹn về tương lai tươi sáng dành cho những “nàng Lọ Lem” chăm chỉ và "nhiệt tình với công việc". Miku - một "nàng" từng làm quản lý giờ đã nghỉ việc, chỉ ở nhà để chuyên tâm... mua sắm - vô tư chia sẻ với chúng tôi: "Các em phải cố gắng lên. Nỗ lực làm việc, nỗ lực làm đẹp, rồi một ngày các em sẽ... có người nuôi (!?)".
Người "nuôi" Miku là một vị khách kì lạ người Hàn. Anh ta trẻ, chưa vợ - Miku đặc biệt chú thích, không biết là bởi vì cô thật sự muốn thể hiện sự trong sạch của mình hay chỉ vì chuyện có "người nuôi" có vợ quá phổ biến nơi đây. Sau lần đầu gặp cô, anh ta cứ vài ngày lại đến một lần, tuy không biết uống rượu nhưng cứ đến lại mua một chai ủng hộ doanh số cho cô. Nếu Miku đang tiếp khách, anh sẽ ngồi đợi. Thậm chí lắm khi Miku say, giận dỗi vô cớ, anh sẵn sàng hạ mình dỗ dành. Và cũng chỉ cần một câu nũng nịu vu vơ, anh đã mua cho cô cái iPhone vừa mới ra. Miku tự hào kể thêm "Mà lúc đó chưa hề... làm gì cả nhé! Giờ thì... yêu rồi(!)".
Ngay trong quán tôi làm, cũng có một vị khách người Singapore trong 3 tháng đã "nướng" vào đây gần 20.000 đô vì lỡ "say" cô quản lí. Và, đa phần những chủ quán bar ở khu phố này đều là những cô gái trẻ đẹp - những người đã đạt tới đỉnh và kiếm được một (hoặc một vài) "bố đường" sẵn sàng cho họ cả "cục tiền" mở quán.
Các "nàng" không hề ngại ngần chia sẻ mình đã được người này, người kia mua cho những món quà đắt tiền, cho mình bao nhiêu tiền, mua cho mình bao nhiêu ly nước, bao nhiêu rượu. Xen lẫn giữa đó là những câu chuyện vu vơ về việc các "nàng" đã từ chối lời gạ gẫm qua đêm của kẻ này kẻ kia ra sao. Dường như giữa các "nàng" có một cuộc đua âm thầm về việc ai có thể "bào" được nhiều tiền hơn mà không cần ngủ với đàn ông - cuộc đua về sức hấp dẫn.
Không chỉ riêng ở Việt Nam, quán bar kiểu Nhật vẫn luôn là điểm hút khách du lịch với những đặc trưng của nó. |
Những ảo ảnh tình yêu
Có lẽ sẽ có nhiều người đặt câu hỏi "Tại sao?". Tại sao những người đàn ông đó lại đốt tiền vào những cô gái này, bất chấp việc sẽ không thể lên giường với cô ta, bất chấp việc công việc của cô ta là nói chuyện và tán tỉnh với những người đàn ông khác mỗi ngày? Thậm chí những "nàng" này không phải ai cũng xinh đẹp xuất sắc. Kỳ thực trong khu phố Nhật, những mỹ nhân hàng đầu cả về khuôn mặt lẫn dáng vóc là những cô gái trong các tiệm massage - nơi tuyển nhân viên với tiêu chuẩn cao - chứ không phải các quán bar lúc nào cũng cần một số lượng lớn nhân viên nên tiêu chuẩn chỉ ở mức "dễ nhìn".
Sara - quản lý đầu tiên của tôi - thẳng thắn: "Đẹp cũng quan trọng nhưng không phải là lợi thế duy nhất. Mấy cô trong này có người nào đẹp hơn bọn gái massage ngoài kia? Nhưng, khách kiếm bạn gái ở đây chứ không kiếm ở ngoài kia, vì khách thấy bọn mình có "giá" hơn, vì bọn mình nói chuyện được, xây dựng được tình cảm với khách"
Các "nàng" đều được dạy cách nhắn tin với khách. Giọng điệu nũng nịu, mỗi ngày nhắn tin hỏi thăm, chúc ngủ ngon, chúc ngày mới tốt lành, "thả thính" rằng "bạn gái anh đây chứ đâu", "em nhớ anh lắm", "kết bài" bằng vài câu rủ rê đến quán chơi, than vãn cần tiền, cần mua cái này cái kia,... Về cơ bản, thứ các nàng bán cho những "bố đường" này là những lời nói dối và những ảo tưởng rằng có người thích và quan tâm họ.
Cái kì lạ là những "sugar daddy" này thực sự sẵn sàng mua chúng. Có người là vì đã quá cô đơn và thiếu thốn tình cảm đến độ họ bất chấp, như con thiêu thân lao vào ánh đèn chết chóc. Nhưng, cũng có những người hiểu rõ trò chơi này và chỉ đơn giản là tiêu tiền thừa thãi cho những trò tiêu khiển không hơn. Cũng không thiếu những kẻ thực sự... nực cười. Cùng câu chuyện "say" một "nàng" từ buổi đầu tiên, cùng câu chuyện đưa ra lời gạ gẫm đổi tình lấy tiền quen thuộc nhưng nhân vật lại là sinh viên và giảng viên của cùng một trường đại học.
Vị giảng viên đáng kính người Hàn tuổi chắc cũng chỉ ngang tuổi bố của "nàng" - Hashi cười một cách khinh bỉ khi nhớ lại - vào quán lúc 1 giờ sáng và chọn cô gần như ngay lập tức. Sau khi biết cô là sinh viên trường nào, ông ta lập tức đòi kiểm tra thẻ sinh viên và đe dọa nếu không được xem sẽ không trả tiền. Việc đó là khởi đầu cho những chuỗi ngày ông ta đến quán với tần suất 2-3 ngày một lần, liên tục gạ gẫm cô nghỉ việc "vì em là tương lai của đất nước, môi trường này không tốt cho em" và hứa sẽ chu cấp cho cô tận... 5 triệu/tháng kèm theo những động tác và ánh mắt đầy ẩn ý.
Và, khi "nàng" không chịu đi chơi với ông ta, vị tiến sĩ này lập tức đe dọa Hashi rằng ông ta biết rất nhiều thông tin về cô, thậm chí đã đọc cả... bảng điểm của cô. Quá kinh hãi, Hashi phải tạm nghỉ việc một thời gian.
Khoe tiền trong bar. |
Bản chất thật sau những giả dối
Bất cứ việc làm nào cũng có một đích đến. Vậy thì đích đến của công việc này là gắn bó với một người đủ giàu có để nuôi mình và đủ chung thủy để nuôi mình thật lâu.
Vậy là mọi thứ đều có giá của nó.
Mua thời gian của "nàng" với giá vài ly nước, mua màn kịch yêu đương của "nàng" với một số tiền lớn, mua được mối quan hệ có gắn kết thể xác với một số tiền rất lớn.
Những "nàng" ở khu phố Nhật này, họ có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, đang theo đuổi nhiều ngành nghề khác nhau nhưng thật lạ chẳng ai muốn bỏ nghề. Như Yui - cô sinh viên năm 2 ngành luật nói với tôi: "Tốt nghiệp xong có làm gì đi nữa thì cũng chả có nghề nào dễ kiếm tiền hơn nghề này", một xu hướng lựa chọn nghề đáng quan ngại trong bối cảnh hiện nay.
Họ đã quen với việc giả lả, nói những lời thương yêu dối trá. Quăng mình vào những cuộc vui, chơi đùa và nhận sự "chăm sóc" từ những người đàn ông quả dễ dàng hơn nhiều so với vất vả lăn lộn để xin việc và nhận đồng lương bèo bọt.
Họ đã quen với những xa xỉ phẩm dâng đầy lên trước mắt, những chốn ăn chơi sang chảnh, những người đàn ông giàu đến mức độ mà họ - thường xuất thân không mấy sung túc - khó mà tưởng tượng nổi. Và, như một lẽ dĩ nhiên, “của thiên trả địa”, số tiền khổng lồ dư thừa các nàng nhận được từ các “sugar daddy” mà không cần tốn mấy công sức thường cũng dễ bị “nướng” vào những... cuộc vui khác. Đủ các thú vui từ rượu chè, bóng cười, shisha cho đến những chất kích thích... không muốn nhắc tên.
Nhiều “nàng” ở quán vẫn kháo nhau rằng do Miku chơi “đồ” nhiều quá nên cảm xúc thường bất ổn. Tôi cũng từng chứng kiến Hani - quản lí ở quán thứ hai mình làm - “bay” từ tối đến 9h sáng, “nướng” cả vài chục triệu ở một bar lớn tại quận 3 rồi lại về quán tự lôi bình bóng ra hút tiếp. Chẳng phải chỉ mình Hani, việc quản lí hay chủ quán bar ngã đến bầm tím cả chân, la hét giữa đường lúc 3 giờ sáng, cười điên dại không ngừng nghỉ, mất giọng vì hút bóng quá nhiều là những cảnh tượng khá quen thuộc.
Thậm chí, chuyện nhân viên lúc không có khách... tự bỏ tiền túi ra mua bóng, mua shisha để chơi với nhau cũng có. “Không nghiện được đâu” - đấy là lời họ nói về những thú chơi này. Tôi không rõ về chúng nhưng nếu những đồng tiền “sugar daddy” chu cấp cho mỗi cuộc chơi cũng được tính là chất gây nghiện thì thứ này quả thật khó bỏ.
Họ đã quen với việc nhận được mọi thứ họ muốn từ những "bố đường" đến nỗi không còn trân trọng nữa. Vị hiệu trưởng người Hàn cho một "nàng" chiếc xe máy 50 triệu trong lần thứ hai gặp mặt giờ đang phát điên vì "nàng" đó đã ôm 200 triệu và bỏ trốn ngay trước ngày cưới. Trong một lần hiếm hoi thanh toán khi vẫn còn tỉnh táo, vị khách người Singapore đốt 20.000 đô trong 3 tháng vào quán bar mà "người trong mộng" quản lí đã bẽ bàng nhận ra hóa đơn của mình được "khống" thêm tận 5 triệu - hẳn nhiên không phải chỉ một lần.
Họ đã mất niềm tin vào sự chung thủy của đàn ông. Có những kẻ đã có vợ con đề huề vẫn vào đây vung tiền vì các "nàng”. Có những kẻ hôm qua còn buông lời đường mật, còn quăng tiền qua cửa sổ vì "nàng" này nhưng hôm sau đã đổi qua "nàng" khác. Vì họ có tiền và có quá nhiều sự lựa chọn.
Nhưng, công bằng mà nói, các “nàng” cũng chẳng mấy khi chung thủy với một “sugar daddy” duy nhất - dù sao thì dựa vào duy nhất một “nguồn thu nhập” cũng không an toàn lắm. Họ nhìn đàn ông qua lăng kính tiền bạc, như một thói quen khó bỏ. Khởi nguồn từ đặc điểm công việc là đối xử với khách hàng theo số lượng ly nước họ mua được, sau đó dần dần là số tiền họ cho "nàng", là giá trị của những món quà họ tặng. Thật khó để có thể trở về lối sống bình thường, yêu đương thật lòng, không ít nàng đã láng máng nhận ra sự nghiệt ngã của nghề này.
Trong bóng tối và ánh đèn nhập nhoạng nơi khu phố Nhật, bản chất của sự đổi chác lại rõ ràng hơn bao giờ hết. Không ít người, với sự giúp đỡ của bạn bè, đoàn thể, đã thoát khỏi ánh đèn mờ ảo đó để từng bước có một cuộc sống bình thường, ổn định, trong niềm tin yêu ấm áp của mọi người.
AnkitaXem thêm: /329326-uey-hnit-hna-oa-av-yddad-raguS-teiV-tad-nert-tahN-ueik-rab-nauQ/us-gnohP/nv.moc.dnac.gtna