Trong văn bản báo cáo công tác phòng, chống ma túy năm 2020 của Bộ LĐ-TB&XH gửi đến Bộ Công an, cho biết hiện nay tổng số người đang được quản lý tại cơ sở cai nghiện là 38.409 người.
Trong đó 30.253 người cai nghiện bắt buộc, 5.181 người cai nghiện tự nguyện và 2.975 người trong cơ sở xã hội.
Học viên trốn trại cai nghiện ở tỉnh Đồng Nai vào năm 2016. Ảnh: VŨ HỘI
Đối với công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, Bộ LĐ-TB&XH nhận định còn một số bất cập.
Chẳng hạn, đa số người nghiện và gia đình người nghiện không tự giác khai báo và tự nguyện đăng ký các hình thức cai nghiện. Việc cai nghiện chỉ dừng lại ở giai đoạn cắt cơn, sau đó bàn giao cho gia đình quản lý, chưa thực hiện đầy đủ các quy trình cai nghiện.
Công tác cai nghiện tại cơ sở cai nghiện còn gặp khó khăn khi tình trạng học viên gây rối, bỏ trốn tập thể, gây mất an ninh, trật tự vẫn còn xảy ra tại một số địa phương. Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thật sự thống nhất về quan điểm, biện pháp xử lý đối với người nghiện ma túy.
“Có quan điểm cần phải đưa hết vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong khi chỉ đạo của Thủ tướng tại đề án đổi mới công tác cai nghiện là hướng tới chủ yếu cai nghiện tự nguyện và tại cộng đồng…”- Bộ LĐ-TB&XH nêu.
Ngoài ra, bộ này cho rằng vẫn còn một số người nghiện điều trị thay thế bằng Methadone sử dụng heroin và ma túy khác hoặc bỏ liều.
Nguyên nhân của các hạn chế trên là do nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền ở một số tỉnh, TP cho rằng nghiện ma túy là tệ nạn xã hội, cần có biện pháp xử lý mang tính chất trừng phạt, răn đe. Trong khi xu hướng của các nước trên thế giới coi người nghiện là người bệnh, dẫn đến việc chỉ chú trọng công tác cai nghiện bắt buộc, chưa quan tâm, đẩy mạnh công tác cai nghiện tự nguyện tại địa phương.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thời gian tới cần tiếp tục phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm an ninh trật tự và điều trị rối loạn tâm thần tại cơ sở cai nghiện ma túy.
“Ngoài ra đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn về cai nghiện ma túy cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy. Nghiên cứu, xây dựng chương trình học nghề đặc thù dành cho người nghiện ma túy…”- Bộ LĐ-TB&XH đề xuất.