Giá điện bán lẻ thiếu hấp dẫn, khiến nhà đầu tư thờ ơ với thị trường điện cạnh tranh, trong bối cảnh chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức của việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Rủi ro từ nguồn năng lượng tái tạo
Tại diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững sáng 22.12, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, cơ cấu công suất đặt nguồn điện tới năm 2030 sẽ chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than từ 34% năm 2020 xuống còn 27% năm 2030. Chúng ta chỉ tiếp tục phát triển các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình triển khai xây dựng và đang chuẩn bị đầu tư. Cùng với đó, các nguồn điện khí, đặc biệt là các nguồn điện sử dụng khí hoá lỏng sẽ được phát triển mạnh mẽ từ 15% năm 2020 lên 23% năm 2030. Điện mặt trời lên tới 14% năm 2030, điện gió tăng lên 13% năm 2030.
Đồng ý với sự chuyển dịch cơ cấu nguồn điện trong tương lai theo hướng tăng tỷ trọng điện tái tạo, giảm tỷ trọng điện than và thuỷ điện, và duy trì điện khí ở quy mô phù hợp, song ông Hà Đăng Sơn - Phó Giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (USAID V-LEEP) cũng cho rằng, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng ở Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn điện tái tạo được xem là nguồn năng lượng sạch và tốt hơn cho môi trường so với các nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thuỷ điện, tuy nhiên ông Sơn cho rằng, về mặt vận hành, nguồn nhiên liệu tái tạo lại cho thấy rất nhiều nhược điểm.
“Cách đây 4 tháng chúng tôi có đi khảo sát một dự án điện mặt trời thì chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ từ khi có nắng đến lúc mưa, tổng công suất phát điện của nhà máy đó đã tụt 90%. Vậy hệ thống điện Việt Nam khi tỉ trọng tăng lên với mức độ 30-40% thì điều gì sẽ xảy ra khi 90% công suất sụt giảm trong vòng 2 ngày?”, ông Sơn đặt câu hỏi và cho rằng đây là thách thức đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu và đánh giá đầy đủ hơn. Nếu hệ thống điện Việt Nam dựa trên cơ sở hạ tầng như điện mặt trời, điện gió, chịu tác động rất cao của biến đổi khí hậu thì liệu chúng ta có đảm bảo được vấn đề an ninh năng lượng?
Thêm vào đó, ông Sơn cũng cho biết, qua khảo sát thực tế, hiện nay các dự án nhiệt điện với công nghệ mới và được quản lý với các tiêu chuẩn ngặt nghèo đã giảm thiểu được tác động môi trường rất lớn. Vấn đề nằm ở chỗ các nhà đầu tư thiếu vốn, khiến cho nhiều hạng mục chậm chễ, dẫn đến bức xúc về mặt môi trường. Nhưng sau khi được bổ sung vốn và đầu tư đầy đủ các hạng mục bảo vệ môi trường, các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn. Thậm chí, tro xỉ than từng bị coi là nguồn ô nhiễm, hiện nay lại là nguồn quan trọng được sử dụng trong nền kinh tế tuần hoàn.
Nhà đầu tư không muốn tham gia thị trường điện cạnh tranh
Một rào cản nữa trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam theo ông Sơn đánh giá là vấn đề về giá điện. Các nghiên cứu từ trước đến nay đều cho thấy, Việt Nam đang sử dụng giá điện bán lẻ rất thấp. Lấy ví dụ ở Đức, ông Sơn cho biết, gần một nửa giá điện bán lẻ ở Đức để bù giá cho điện tái tạo và chi trả cho các chi phí vận hành lưới điện truyền tải và phân phối. Trong khi đó ở Việt Nam, chúng ta đang bù giá bằng cách phối hợp, bù chéo của các dạng nguồn khác nhau. Điều này gây ra sự méo mó rất lớn với thị trường điện, khiến Việt Nam khó khăn trong triển khai phát triển năng lượng sạch, cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả.
Hiện nay, tất cả các văn bản quy định pháp luật đều không ép buộc mà chỉ tạo điều kiện cho các dự án điện gió, điện mặt trời được tham gia thị trường điện. Nhưng đến thời điểm này, không một chủ đầu tư nào muốn tham gia. Lý do là vì chúng ta đang theo cơ chế giá FIT (trợ giá), nên giá rất cao so với giá bán lẻ.
“Không chủ đầu tư nào muốn tham gia thị trường đấu giá điện cạnh tranh. Họ muốn cái gì đó ổn định hơn và thu tiền. Đây là thách thức lớn cho thị trường hoá trong thời gian tới”, ông Hà Đăng Sơn nói.
Theo ông Hà Đăng Sơn, Việt Nam có thể áp dụng Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) là những hợp đồng dài hạn theo đó một Khách hàng thương mại hoặc công nghiệp mua điện trực tiếp từ một Công ty sản xuất điện tái tạo.
Các thoả thuận trong DPPA có thể được điều chỉnh theo thiết kế cụ thể của thị trường điện, theo chiến lược mua điện của Khách hàng, theo các quy định và pháp luật hiện hành, cũng như theo chiến lược kinh doanh của nhà phát triển dự án điện năng lượng tái tạo.
Một chính sách DPPA cho nguồn điện tái tạo được thiết kế tốt sẽ có thể đem lại lợi ích cho cả ba bên: Khách hàng, Đơn vị phát triển dự án điện năng lượng tái tạo, và Chính phủ.
Xem thêm: odl.453468-hnart-hnac-neid-gnourt-iht-aig-maht-iagn-ut-uad-ahn-oeb-neid-aig/gnourt-iht/nv.gnodoal