Sáng 22-12, Uỷ Ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ ba. Một trong những báo cáo quan trọng tại hội nghị là báo cáo về tình hình nhân dân.
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hầu A Lềnh trình bày báo cáo cho hay: Nhân dân đặc biệt quan tâm và đánh giá cao công tác tổ chức Đại hội (ĐH) đảng bộ cấp cơ sở, cấp huyện và các đảng bộ trực thuộc Trung ương. Đề án nhân sự chuẩn bị bảo đảm số lượng, tiêu chuẩn phù hợp với quy định chung; công tác tổ chức ĐH được thực hiện nghiêm túc, trang trọng, chu đáo, tiết kiệm, hiệu quả.
“Các ĐH đã dân chủ lựa chọn được các đồng chí tiêu biểu về phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực vào cấp ủy nhiệm kỳ mới”, ông Lềnh trình bày.
Tuy nhiên, một số ĐH vẫn còn một số hạn chế như, báo cáo chính trị ở một số đại hội còn dàn trải, mang tính liệt kê, nặng trình bày về số liệu; thảo luận chưa sôi nổi, ít tranh luận; nhân sự cấp ủy được chuẩn bị kỹ song tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia Ban Thường vụ còn thấp.
Ông Hầu A Lềnh trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: MTTQ
“Một số nơi có biểu hiện lạm dụng việc chỉ định bí thư tại ĐH hoặc ngay sau ĐH đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều và dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”, báo cáo nêu.
Có hai vụ việc cụ thể được dẫn ra. Đó là vụ việc Tỉnh ủy Trà Vinh điều động, chỉ định bà Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Tỉnh đoàn Trà Vinh nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Càng Long ngay tại ĐH đảng bộ huyện Càng Long. Đó là vụ việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh ngay sau ĐH Đảng bộ TP Bắc Ninh.
Việc một số tỉnh tặng quà cho đại biểu với chi phí lớn, gây dư luận không tốt cũng được phản ánh.
Một vấn đề khác là giáo dục và đào tạo. Báo cáo của Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay: Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ GD&ĐT chủ động triển khai các hình thức dạy học trực tuyến phù hợp như qua internet, trên truyền hình, tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm học 2019 – 2020 trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, nhân dân còn băn khoăn lo lắng về sách giáo khoa (SGK) Lớp 1 môn Tiếng Việt (bộ sách Cánh Diều) có nhiều nội dung khó hiểu và không phù hợp; việc chưa có hướng dẫn trong ngành giáo dục và thông tin không rõ ràng, thiếu công khai, minh bạch của các nhà trường về SGK bắt buộc, sách tham khảo đã gây bức xúc, khó khăn cho nhiều phụ huynh học sinh do phải mua sách với số tiền tăng cao hơn nhiều so với năm học trước.
Báo cáo cũng đề cập đến tai nạn học sinh do cơ sở trường lớp không đảm bảo an toàn; tình trạng phong giáo sư, phó giáo sư dựa vào "bài báo quốc tế" mà báo chí phát hiện và cho rằng có thị trường "mua bán" công trình ở một số "nhà khoa học háo danh" làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của các nhà khoa học.
Đặc biệt, báo cáo nêu: “vụ việc trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả cho 626 cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo, chưa đủ điều kiện vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng”.
Từ đó, Mặt trận đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các ngành chức năng cần tiếp tục đánh giá, rà soát lại chương trình SGK mới; có hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học thông tin chính xác, công khai việc học sinh cần phải mua sắm dụng cụ học tập, SGK bắt buộc, sách tham khảo để phụ huynh, học sinh biết và mua sách cho phù hợp.
“Khẩn trương điều tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan đến cấp bằng giả” báo cáo của Mặt trận nêu.