Tại Báo cáo tháng 12/2020, theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam (cùng với Thuỵ Sỹ) đáp ứng 3 tiêu chí và bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ. Trong buổi họp công bố báo cáo nhìn lại kinh tế Việt Nam ngày hôm nay (21/12), chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã đưa ra quan điểm của mình.
Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Carolyn Turk, Chính phủ Việt Nam cần nghĩ đến tăng khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác, ví như giá cả hàng hóa xuất khẩu.
Bà Turk cho rằng hiện nay, Việt Nam kiểm soát rất tốt đại dịch Covid-19, các công xưởng vẫn đang hoạt động sản xuất, nền kinh tế vẫn tiếp tục xuất khẩu, như vậy Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh tốt. “Chính phủ Việt Nam cần phải tranh thủ giai đoạn này để suy nghĩ về lựa chọn cải cách mang tính cơ cấu. Việt Nam cần phải hành động để quá trình phục hồi sau đại dịch trở nên chắc chắn”, bà Turk nhấn mạnh.
Tuy nhiên bà Turk cũng cho rằng khi mà vắc xin Covid-19 đã được triển khai thì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nhờ yếu tố kiểm soát đại dịch sẽ biến mất, Việt Nam cũng cần phải tính đến khả năng đó.
Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng, tuy nhiên, cần thúc đẩy tốt nhất đầu tư xanh để đảm bảo năng lượng tái tạo lưu thông, cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp theo hướng bền vững, bà Turk khuyến nghị.
Còn theo chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Jacques Morriset, Việt Nam đã làm rất tốt trong xử lý các thách thức, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để xử lý chính sách của mình, nổi bật là chính sách tỷ giá hối đoái. Như vậy trong bối cảnh hiện tại Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét lại xem đồng tiền nào mà Việt Nam muốn chú trọng trong thực hiện điều chỉnh dự trữ và suy nghĩ đến đa dạng hóa và đưa ra chiến lược xem xét về chiến lược hướng đến đối tác khác về đầu tư và thương mại.
Ông Jacques Morriset nhận xét trong chính sách về thương mại, Việt Nam là một trong những nước may mắn mở cửa, trong thời gian Covid-19, số hóa ngày một trở nên quan trong, chính vì vậy cần loại bỏ rào cản thương mại với dịch vụ. Việt Nam có thể tăng tốc một số chính sách, cải cách để ứng phó với sự suy giảm kinh tế. Nợ/GDP của Việt Nam hiện ở mức cao. Ngoài ra, có một số khoản vay nợ lại tập trung ở một số bên vay. Tuy nhiên hệ thống tài chính hiện nay lại có thanh khoản tốt. Như vậy rủi ro hệ thống cũng chỉ ở mức hạn chế.
Xét trong lĩnh vực công nghệ và số hóa, Việt Nam đang đi đúng hướng. Nhưng làm sao Việt Nam chuyển sang các chủ thể phi ngân hàng nhiều hơn, ví như thanh toán điện tử hay các công ty cung cấp dịch vụ.
Trở lại vấn đề bị dán nhãn “thao túng tiền tệ”, ông Đôn Tuấn Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Mỹ sẽ cần phải làm việc với nhau nhiều hơn trong thời gian tới. 25 năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam và Mỹ đã tăng rất nhanh. Ngoài ra, cần nhìn vào cơ cấu thương mại, cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ để đánh giá rõ ràng hơn. Cơ cấu thương mại của hai nước bổ sung cho nhau rất rõ. Nhiều sản phẩm của Việt Nam vào Mỹ, thực ra doanh nghiệp Mỹ lại hưởng lợi nhiều hơn. Năng lực cạnh tranh cũng được nhìn rất khác trong bối cảnh hiện tại.
Việt Nam đã trở thành điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn, chính sách của Việt Nam là không sử dụng ngoại tệ để thanh toán trong nước, chính vì vậy cơ quan chức năng của hai nước cũng cần phải xem xét kỹ hơn vấn đề này.