"Trong giai đoạn 2020-2025, Công ty mua bán nợ (VAMC) phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ và hoàn thành chỉ tiêu mua nợ theo giá trị thị trường được phê duyệt, kế hoạch hàng năm hoàn thành vượt chỉ tiêu 5-10%...", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã cho biết lộ trình như vậy.
Theo chức năng, nhiệm vụ thì VAMC được phép mua bán nợ xấu. Căn cứ đề xuất của VAMC đưa ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét có thể chấp thuận trên cơ sở đủ các điều kiện để thực hiện sàn giao dịch này. Cơ quan này cũng đặt đề bài cho VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ trước năm 2026.
VAMC SẼ QUẢN LÝ SÀN MUA BÁN NỢ
Đánh giá về hoạt động mua bán nợ của VAMC hiện nay, ông Đào Minh Tú cho rằng, mua bán nợ xấu của VAMC hiện nay rất tích cực. Tuy nhiên phải đợi đến khi đủ điều kiện công nghệ và điều kiện cho phép, Ngân hàng Nhà nước mới cấp phép giao dịch trên sàn.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có thông tin đáng chú ý là việc Ngân hàng Nhà nướcyêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ trước năm 2026. Cụ thể, trong giai đoạn 2019 – 2020 vừa qua, VAMC đã làm tốt vai trò trung tâm của thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, để hoạt động mua bán nợ được minh bạch cũng như để các tổ chức tín dụng mạnh dạn rao bán khoản nợ của mình thì việc thành lập Sàn giao dịch nợ là cần thiết.
Từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ban hành việc thành lập Sàn giao dịch nợ đã được đề cập đến. Tuy nhiên, do chưa hội tụ đủ điều kiện về công nghệ, hành lang pháp lý nên câu chuyện lập Sàn giao dịch nợ chưa được thực hiện. Từ đó đến nay việc mua bán nợ vẫn giao cho một mình VAMC thực hiện giao dịch với các tổ chức tín dụng, bước đầu hình thành nên thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Tính từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến hết quý III/2020, VAMC đã xử lý được khoảng 313 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng hơn 167,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,8%; xử lý các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán 74,9 nghìn tỷ đồng. Riêng các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC dưới hình thức trái phiếu đặc biệt, đã xử lý được hơn 69,5 nghìn tỷ đồng.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó Giám đốc VAMC chia sẻ, VAMC đã đề xuất thành lập Sàn giao dịch nợ từ trước và với việc được chấp thuận lần này chúng tôi sẽ tập trung xây dựng đề án trong thời gian sớm nhất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. VAMC đóng vai trò là cơ quan thiết lập, vận hành Sàn giao dịch nợ. Tôi tin rằng trong giai đoạn 2020-2025, VAMC sẽ hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ. Sang giai đoạn 2026 – 2030 VAMC sẽ mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình theo hướng mua, bán nợ và tài sản của mọi thành phần trong nền kinh tế. Đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và khai thác tài sản, tư vấn môi giới mua bán tài sản, định giá tài sản...
Để thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Sàn mua bán nợ, từ nay đến khi sàn ra mắt, VAMC phải tham mưu xây dựng được khung khổ pháp lý cho hoạt động mua bán nợ hướng tới hình thành và phát triển một thị trường mua bán nợ tập trung tại Việt Nam.
HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ
Theo Phó Giám đốc VAMC Đỗ Giang Nam, cũng với việc xây dựng Sàn mua bán nợ, các cơ quan nhà nước phải hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện ngay khi sàn đi vào hoạt động.
Trong Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, NHNN đã chỉ định, song song với việc hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ thì VAMC phải tiến hành xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản tại VAMC. Trung tâm dữ liệu phải hướng tới việc kết nối thông tin với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và các tổ chức tín dụng nếu đủ điều kiện nhằm tạo nguồn dữ liệu để khai thác, lựa chọn xử lý các khoản nợ/tài sản.
Ngoài ra, phải hình thành và vận hành sàn giao dịch đấu giá trực tuyến nhằm đẩy mạnh hoạt động đấu giá tài sản tại VAMC. Đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính, hướng tới xây dựng VAMC thành một định chế có vai trò trung gian để thực hiện các dịch vụ như tư vấn tài chính, đối tác xây dựng chiến lược cho các nhà đầu tư trên cơ sở hiểu biết về mục tiêu, các ngành kinh tế, ngành công nghiệp của VAMC. NHNN còn yêu cầu VAMC hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu...
Để tăng sức "đề kháng" của VAMC trên thị trường mua bán nợ, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định trình các cấp có thẩm quyền cấp bổ sung vốn điều lệ cho VAMC để đạt mức 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn năm 2020-2021. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt việc VAMC sử dụng vốn điều lệ được cấp nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động, như đẩy mạnh hoạt động xử lý thu hồi nợ và mua nợ theo giá trị thị trường...
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước còn đề xuất cho VAMC được huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định. Đây là điểm mới để VAMC có đủ sức khoẻ tài chính điều hành thị trường mua bán nợ tập trung trong tương lai.
"Việc mua bán nợ đã thực hiện nhưng chúng ta chưa có thị trường chính thức theo đúng nghĩa. Do đó việc thành lập Sàn giao dịch nợ và hướng thới hình thành thị trường mua bán nợ tập trung và có sự tham gia của các thành phần kinh tế sẽ tăng tính thanh khoản của thị trường mua bán nợ, thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như dòng vốn trên thị trường. Việc lập sàn mua bán nợ sẽ thúc đẩy, phát triển thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam. Quá trình triển khai vẫn có thể là giao dịch trực tiếp, nếu chúng ta có điều kiện thì phát triển sàn giao dịch này có chức năng kinh doanh mua bán nợ xấu...", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
VAMC đã đề xuất thành lập Sàn mua bán nợ nhưng phải đợi khi đủ điều kiện công nghệ và các điều kiện pháp lý... NHNN mới có thể cấp phép giao dịch trên sàn. Các thành viên sẽ là những người có nhu cầu mua bán đều có thể giao dịch bán hàng. Đây là điều kiện để thúc đẩy, phát triển thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam. Trước hết, trách nhiệm quản lý là do VAMC thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó Giám đốc VAMC
Hoạt động bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân, không phải chỉ là VAMC. Phương pháp bán nợ được thực hiện công khai, minh bạch sẽ là tiền đề hình thành thị trường mua bán nợ xấu, vốn phổ biến tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan... Chúng ta phải tạo được hành lang pháp lý nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mua lại khoản nợ xấu. Thực tế hầu hết các nhà đầu tư thực hiện mua bán nợ có thỏa thuận chuyển nợ thành vốn góp và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp. Do đó, việc tạo hành lang pháp lý để hoạt động mua bán nợ thực hiện theo giá thị trường sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục đối với việc xử lý nợ xấu tại VAMC và giúp huy động nguồn lực vào thì trường mua bán nợ xấu...
Xem thêm: mth.77195753222210202-6202-man-court-hcid-oaig-nas-nel-es-uax-on-nab-aum/nv.ymonocenv