Giá đất tăng, người dân san đất lúa ở thị xã Hòa Thành (Tây Ninh) để chuyển mục đích sử dụng - Ảnh: TUẤN ANH
Tình trạng thổi giá thuê đất khu công nghiệp, đất nông nghiệp, đất dịch vụ tại một số địa phương thời gian qua rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng tới người mua đi bán lại, ảnh hưởng tới nhà đầu tư FDI, mà còn ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ.
Không chỉ với đất khu công nghiệp, nhiều nhà đầu tư đến các tỉnh vùng ven Hà Nội và TP.HCM để đầu tư nhà máy, mở rộng dây chuyền sản xuất cũng đang đối mặt với tình trạng giá đất nông nghiệp, đất dịch vụ tăng chóng mặt thời gian qua.
Cơn sốt đất nông nghiệp, đất dịch vụ tại các địa phương vùng ven dường như chưa dừng lại khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp.
Vẫn biết tấc đất tấc vàng, khi khan hiếm thì việc tăng giá đất là dễ hiểu, nhưng với vai trò điều tiết thị trường, các cơ quan quản lý đất đai địa phương không thể khoanh tay đứng nhìn cò đất thổi giá, làm khó nhà đầu tư có nhu cầu thuê, mua đất đai để xây dựng văn phòng, nhà xưởng sản xuất.
Trong làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI khu vực, nhiều nhà đầu tư đã, đang và sẽ lựa chọn VN là điểm đến đầu tư. Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để thu hút đầu tư FDI, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư trong khu vực.
Nhiều chính sách ưu đãi thuế, phí đã được Chính phủ đưa ra để chào đón "đại bàng" - những nhà đầu tư uy tín, lựa chọn dòng vốn FDI chất lượng, dự án có công nghệ cao, sản xuất thân thiện với môi trường…
Vì vậy, các địa phương nơi tiếp nhận từng dự án đầu tư cũng phải xắn tay vào cuộc để điều tiết giá thuê đất đai phù hợp, giảm chi phí đầu vào, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Các địa phương hoàn toàn có thể can thiệp, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp mua đất khu công nghiệp, gom đất nông nghiệp nhưng không đầu tư mà để đầu cơ, cho thuê, bán lại với giá cao hơn.
Yêu cầu chủ đầu tư của các khu công nghiệp trên địa bàn phải công khai giá thuê đất, các loại phí dịch vụ khi thuê đất khu công nghiệp trên website của tỉnh, của ban quản lý khu công nghiệp các địa phương, giúp nhà đầu tư tiếp cận giá thuê dễ dàng hơn.
Đồng thời, sử dụng công cụ bảng giá đất được ban hành hằng năm để điều tiết giá thuê đất nông nghiệp, đất dịch vụ cho phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
Tùy theo nhu cầu phát triển, mỗi địa phương cần tạo lập quỹ đất sạch phục vụ phát triển công nghiệp. Như vậy, giới đầu cơ đất sẽ bị thu hẹp đất sống, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn trong tiếp cận đất đai, tránh tình trạng nhà đầu tư phải trực tiếp thu gom đất, phải thỏa thuận giá thuê đất với từng hộ dân, dễ bị cò đất lợi dụng thổi giá.
Trước làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI trong khu vực, Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Indonesia trong thu hút nhà đầu tư chất lượng, uy tín, công nghệ cao. Hai quốc gia này đã có chiến lược chuẩn bị quỹ đất sạch để đón sóng đầu tư, trong khi Việt Nam dường như chưa làm được.
Chúng ta nói rằng có rất nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam nhưng chuyện hết sức quan trọng là vào Việt Nam họ sẽ xây dựng văn phòng, nhà máy ở đâu thì đến nay chưa giải quyết được.
Mọi cam kết ưu đãi thuế, phí có thể tính sau, điều đầu tiên cần hỗ trợ là tạo lập quỹ đất sạch cho nhà đầu tư có thể xây nhà máy, chuyển dây chuyền sản xuất tới Việt Nam.
TTO - Không chỉ đất ở các khu công nghiệp, thương mại dịch vụ tăng nóng ("Giá đất làm khó nhà đầu tư", Tuổi Trẻ ngày 21-12) mà đất nông nghiệp cũng tăng giá mạnh khiến các nhà đầu tư vỡ trận, không thể triển khai kế hoạch kinh doanh.
Xem thêm: mth.15104347032210202-meih-yugn-tar-tad-aig-ioht/nv.ertiout