Các công nhân đang bốc xếp hàng hóa bên bờ Campuchia xuống ghe - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 23-12, trung tá Đinh Quang Điềm - đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú, An Giang - cho biết khu vực cửa khẩu Khánh Bình có 1 doanh nghiệp sang Campuchia lấy hàng trực tiếp.
Tuy nhiên, khi lấy hàng xong doanh nghiệp phải quay lại cửa khẩu làm thủ tục, sau đó đổi tài công cho người khác điều khiển đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
"Nếu họ lấy hàng xong rồi đi mà không quay lại khu vực cửa khẩu làm hồ sơ, thủ tục và phun xịt rõ ràng chúng tôi sẽ bắt và tịch thu luôn" - trung tá Điềm nói.
Cận cảnh các công nhân đang đưa cám xuống ghe để đưa về Việt Nam tại khu vực đối diện xã Khánh An, huyện An Phú, - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều ngày qua khu vực ấp Khánh Hòa, xã Khánh An, huyện An Phú, đối diện bờ thuộc xã Pẹt Chạy, huyện Koh Thum, tỉnh Kandal, Campuchia diễn ra hoạt động bốc dỡ hàng hóa, chủ yếu cám, tấp nập xuống các ghe trọng tải lớn.
Chị H., một doanh nghiệp, bức xúc cho biết khu vực này có nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa qua lại Campuchia và tất cả bắt buộc phải vào bãi tập kết hàng hóa của cửa khẩu để giao nhận hàng, thực hiện đúng quy định phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ.
Tuy nhiên, vài ngày gần đây doanh nghiệp TNT lại được Hải quan và Biên phòng "ưu ái" cho ghe qua Campuchia để lấy hàng.
"Họ cho thương nhân sang Campuchia kiểm hàng trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, mà đưa người qua lại trái phép như vậy có đúng không? Tại sao họ ghi trong tờ khai tập kết hàng là cửa khẩu Khánh Bình nhưng lại lấy hàng trực tiếp bên Campuchia? Vậy công tác giám sát từ điểm lấy hàng đến cửa khẩu sẽ ra sao khi cách hơn 3km. Tôi thấy làm như vậy là sai, không công bằng" - chị H đặt vấn đề.
Cận cảnh bờ Campuchia đang bốc xếp hàng hóa xuống ghe của doanh nghiệp TNT khiến nhiều doanh nghiệp khác bức xúc - Ảnh: BỬU ĐẤU
Nói về việc này, ông Nguyễn Văn Minh - phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình - cho rằng doanh nghiệp TNT có mở tờ khai lấy cám ở khu vực cửa khẩu. Đơn vị có cho họ đưa phương tiện sang Campuhica nhận hàng nhưng khi về tới khu vực cửa khẩu phải được kiểm tra hàng hóa và đổi tài công (người lái).
"Ban đầu họ lên đây xin qua Campuchia nhận hàng rồi vòng xuống phía dưới đối diện với Việt Nam để lấy hàng hóa. Nhưng trước khi về phải vòng lên cửa khẩu làm hồ sơ. Nếu họ đi ngang về tắt sẽ bị bắt. Còn phương án phòng dịch như thế nào do biên phòng và kiểm dịch" - ông Minh khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Minh - phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình khẳng định ông chỉ biết doanh nghiệp xin sang Campuchia nhưng không biết họ đi vòng xuống phía dưới để lấy hàng - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trong khi đó, một lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương khẳng định dù quy định là vậy nhưng chủ các ghe hàng bao giờ cũng đi theo ghe để lấy hàng hóa.
"Nếu họ chỉ đổi tài công mà không cách ly theo quy định đối với những người đi trên ghe thì không được, không đảm bảo phòng chống dịch theo quy định. Quan trọng là cách giám sát làm sao chặt chẽ chứ như vậy là không ổn" - vị này nói.
TTO - Bộ Ngoại giao ngày 31-3 thông báo một số điều chỉnh trong quy định qua lại tại các cửa khẩu biên giới Tây Nam với Campuchia và Lào, trong nỗ lực ngăn chặn lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19).