Kế hoạch mở cửa hàng miễn thuế dưới phố (downtown duty-free) đầu tiên tại Việt Nam được ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đề cập tại buổi ký hợp tác phát triển chuỗi cửa hàng miễn thuế với Lotte hôm 22/12.
Nếu mô hình cửa hàng miễn thuế truyền thống được đặt ở các sân bay thì downtown duty-free có mặt tại các trung tâm thương mại ngay trong các thành phố lớn, khu du lịch. Đối tượng của downtown duty-free cũng vẫn là phục vụ du khách nước ngoài, những người được hưởng chính sách ưu đãi thuế...
Các cửa hàng miễn thuế dưới phố và factory outlet hiện cũng là yếu tố mang tới du khách cho nhiều quốc gia trên thế giới. Hàn Quốc, Italy, Thụy Sỹ... cũng đang tập trung phát triển hai mô hình này. Tại Hàn Quốc, năm 2019, doanh thu các downtown duty-free đạt hơn 18,2 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2018.
Theo tiết lộ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, hai bên dự kiến mở downtown duty-free đầu tiên của miền Bắc ở Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) vào quý III năm 2021. Sau Hà Nội, IPPG cũng đang triển khai một cửa hàng miễn thuế dưới phố khác tại Đà Nẵng.
Các cửa hàng này cũng sẽ giúp giải quyết bài toán du khách có tiền đến Việt Nam không biết tiêu gì ngoài các sản phẩm thủ công giá trị thấp. Bên cạnh đó, nó cũng thu hút thêm nhiều du khách phân khúc cao cấp đến Việt Nam và lưu trú dài hạn thời gian tới.
So với cửa hàng duty-free tại sân bay, "vua hàng hiệu" mô hình dưới phố có thể khắc phục được hạn chế về mặt bằng, thời gian mở cửa, đảm bảo hiệu quả kinh doanh hơn.
"Doanh thu cửa hàng miễn thuế ở sân bay một triệu USD, cửa hàng miễn thuế dưới phố thu 50 triệu. Tỷ suất lợi nhuận có thể gấp 5-10 lần", ông phân tích.
Thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam được đánh giá là tiềm năng hàng đầu khu vực khi tầng lớp trung lưu, thu nhập hàng chục nghìn USD một năm ngày càng tăng nhanh. Kế hoạch của ông Johanthan Hạnh Nguyễn có thể là động thái đón đầu nhu cầu mua sắm trở lại của du khách quốc tế đến Việt Nam khi Covid-19 được kiểm soát.
Theo tính toán, IPPG cùng các liên doanh trong đó có Lotte sẽ mang hơn 20 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mỗi năm sau dịch. Riêng Lotte, lợi thế của đơn vị này là có thể tự tìm kiếm được nguồn khách khi có hơn 220 đại lý du lịch trên toàn cầu. Năm ngoái, gần một nửa khách quốc tế (3 trên tổng 6,8 triệu khách) đến Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là do Lotte mang tới.
Tuy nhiên, tính toán của IPPG có thể trở thành "đếm cua trong lỗ" nếu Covid-19 còn diễn biến phức tạp và Việt Nam vẫn tiếp tục phải đóng cửa với du khách quốc tế. Thực tế, năm nay, không ít tập đoàn kinh doanh hàng miễn thuế lớn ở Hàn Quốc đã phải đóng cửa những cửa hàng duty-free cả ở sân bay lẫn dưới phố, khi không có khách phân khúc cao cấp từ Trung Quốc do đại dịch.
Hiện tại, theo quy định, chỉ du khách quốc mới được mua hàng và hưởng chính sách thuế ưu đãi ở cửa hàng miễn thuế. Để giải bài toán du khách quốc tế trong đại dịch, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói đang xúc tiến đề xuất chính sách để các cửa hàng này cũng cho phép người Việt mua sắm. "Tôi đang xin chủ trương cho phép được trả thuế để phục vụ nhu cầu của khách hàng Việt Nam tại cửa hàng miễn thuế như hàng nhập khẩu. Nếu thực hiện được, ngân sách cũng sẽ hưởng lợi. Tại sao cứ để người Việt Nam phải mua hàng ở nước ngoài", Chủ tịch IPPG nói.
Tuy nhiên, việc xin chủ trương này sẽ là thách thức lớn dù Chủ tịch IPPG tin rằng có thể tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) khi 5-7 năm tới thuế với nhiều mặt hàng có thể giảm mạnh.
Tại Trung Quốc, hồi tháng 5 năm ngoái, China Duty Free Group (CDFG) đã xin phép và mở được cửa hàng downtown duty-free đầu tiên cho khách hàng trong nước ở Bắc Kinh. Sau đó, CDFG cũng mở thêm 3 cửa hàng tương tự ở các thành phố khác.
Hiện tại, IPPG cùng các đối tác cũng đang đề xuất xây dựng trung tâm tài chính sân bay, factory outlet. Các factory outlet này dự kiến có quy mô lớn tại các khu phi thuế quan như Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Long Thành và Bắc Vân Phong. Hôm qua, ông Johantahn Hạnh Nguyễn cũng đề xuất Hà Nội bố trí khu đất gần Hồ Gươm để xây thêm một trung tâm thương mại tương đương Tràng Tiền Plaza.
Anh Tú