Hiện tại, Be Group xây dựng hệ sinh thái có 5 mũi nhọn, gồm vận chuyển, logistics, giao thông công cộng, du lịch, tài chính. Doanh nghiệp này tham vọng tham gia sâu hơn vào lĩnh vực tài chính tại Việt Nam.
"Chúng tôi sẽ bước ra từ việc chỉ là một ứng dụng gọi xe để tham gia vào lĩnh vực tài chính thiết yếu của quốc gia. Đội ngũ của Be đang kết hợp với nhiều tổ chức tài chính, công nghệ trong nước và quốc tế để tạo ra một ngân hàng số", CEO Be Group, Nguyễn Hoàng Phương cho biết tại "Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam" sáng 23/12.
Theo bà Phương, Be đang là ứng dụng gọi xe cho phép thanh toán theo nhiều phương thức nhất thị trường, nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Doanh nghiệp này sẽ tiến tới cung cấp giải pháp ngân hàng số cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Mới đây, Singapore cũng đã bắt đầu cấp giấy phép ngân hàng số cho 4 doanh nghiệp. Trong đó liên danh của Grab - Singtel nhận giấy phép ngân hàng số toàn diện, được phép bán buôn và bán lẻ.
Bên cạnh tham vọng trên, Be cũng đặt mục tiêu trở thành đối tác tin tưởng của Chính phủ trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá giao thông đô thị, xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử.
Sau 2 năm thành lập, Be là ứng dụng gọi xe lớn thứ hai thị trường với khoảng 30% thị phần. Startup này có hơn 10 triệu khách hàng và 100.000 tài xế.
Dù tăng trưởng nhanh chóng, CEO Be thừa nhận vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với hai đối thủ nước ngoài - vốn hoá hơn trên 10 tỷ USD. Bà Phương cho rằng mô hình thử nghiệm sandbox quá lâu đã gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Bà cũng đánh giá các luật về thuế hiện nay thực sự không theo kịp sự phát triển của thời đại mới, có những kẽ hở làm thất thu ngân sách. Ngoài ra còn có hiện tượng độc quyền thị trường khi các doanh nghiệp thâu tóm lẫn nhau.
Do đó, CEO hãng gọi xe này đề xuất Chính phủ có các chính sách thuận lợi hơn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để phát triển tốt hơn và tạo điều kiện cho startup đi gọi vốn ở nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi số quốc gia, cũng như liên kết để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đoàn kết hơn.
Theo bà Phương, Chính phủ cũng nên luật hoá toàn bộ dữ liệu quốc gia, dữ liệu người dùng do các doanh nghiệp nước ngoài đang được dễ dàng tham gia sâu vào thị trường, mang cơ sở dữ liệu quốc gia, người dùng ra khỏi Việt Nam
Anh Tú