Nhạc sĩ Lam Phương (1937-2020)
Thông tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời được trung tâm Thúy Nga và một số nghệ sĩ Việt tại Mỹ thông báo chiều 23-12 (giờ Việt Nam). Khi nghe tin, nhiều khán giả đã bày tỏ lòng thương tiếc người nhạc sĩ tài năng của nền tân nhạc Việt Nam.
Nghệ sĩ Việt Hương chia sẻ: "Đây là người nhạc sĩ mà Hương trân quý. Xin được phép chia sẽ nỗi đau này với gia đình và khán giả mộ điệu tác phẩm của nhạc sĩ Lam Phương. Còn đâu những bữa cơm ngồi nghe chú nói về lịch sử tác phẩm của chú".
Trích Biển Tình | LAM PHƯƠNG - The Gift | Phạm Quỳnh Anh ft. Lê Hoàng Hiệp
Khán giả Nguyễn Quỳnh Trâm viết: "Xin được chia buồn cùng gia đình nhạc sĩ Lam Phương, người nhạc sĩ tuyệt vời đã cho con nghe biết bao bài nhạc hay bất hủ. Mong ông an nghỉ nơi thiên đàng".
Nhạc sĩ Lam Phương sinh năm 1937. Ông là nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với gần 170 tác phẩm phổ biến từ thập niên 1950 đến nay. Các ca khúc nổi tiếng nhất của ông là: Kiếp nghèo, Thành phố buồn, Khóc thầm, Một mình, Cho em quên tuổi ngọc…
Vào năm 1952, khi mới 15 tuổi, nhạc sĩ Lam Phương khởi đầu sự nghiệp với sáng tác đầu tay Chiều thu ấy. Ca khúc được nhiều ca sĩ trình bày nhiều lần trên các đài phát thanh. Tiếp đó, ông sáng tác các bài hát mang âm hưởng vui tươi: Trăng thanh bình, Khúc ca ngày mùa, Nhạc tình khuya…
Vẻ ngoài lịch lãm của nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ
Lam Phương từng nói, những bài hát đầu đời được ông sáng tác khi “tâm hồn còn trong trắng”. Bài Kiếp nghèo được sáng tác sau, một bài hát được sáng tác từ tâm thế của cậu học sinh nhà nghèo, viết nhạc để kiếm tiền đi học.
Điều bất ngờ là bài Kiếp nghèo lại giúp ông kiếm được tiền, cuộc sống “dễ thở” hơn. Sau Kiếp nghèo, Lam Phương sáng tác một loạt bài nhạc tình được khán giả yêu thích: Biển tình, Em là tất cả, Biển sầu…
Đến thập niên 1960, ca khúc Thành phố buồn được ông sáng tác trong một lần lên Đà Lạt đã được bán với giá 12 triệu đồng, một tài sản lớn vào thời đó.
Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh và nhạc sĩ Lam Phương tại Mỹ - Ảnh: T.HƯƠNG
Về đời sống riêng, Lam Phương kết hôn với diễn viên kịch Túy Hồng vào năm 1959. Bà lập ra đoàn kịch Sống - Túy Hồng, đưa tên tuổi hai vợ chồng trở nên nổi tiếng trong giới nghệ thuật Sài Gòn.
Âm nhạc của Lam Phương cũng được sử dụng trong các vở kịch và phát trên truyền hình. Năm 1975, Lam Phương cùng gia đình sang Mỹ định cư. Về sau, ông có thời gian sống ở Pháp trước khi trở lại Mỹ và sống đến cuối đời.
Trong nền âm nhạc Việt Nam hiện nay, âm nhạc của Lam Phương vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ khi các ca sĩ thế hệ sau yêu mến, hát nhạc của ông và yêu thích lối sống, phong cách của ông. Gần đây nhất, ca sĩ Đức Tuấn ra mắt album Trọn một kiếp yêu, làm mới những ca khúc của Lam Phương.
TTO - Chiều 16-6, nam ca sĩ Đức Tuấn ra mắt album 'Trọn một kiếp yêu', làm mới lại những sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương.
Xem thêm: mth.3864832132210202-ym-iat-iod-auq-gnouhp-mal-is-cahn/nv.ertiout