Ba hiến binh Pháp thiệt mạng trong vụ bạo lực gia đình ở miền Trung nước Pháp - Ảnh: AFP
Lực lượng hiến binh (Gendarmerie) thuộc Lực lượng vũ trang của Pháp. Họ là là quân nhân, khác biệt với lực lượng cảnh sát quốc gia Pháp. Thông thường hiến binh cũng thi hành các nhiệm vụ của cảnh sát dân sự tại các khu vực nông thôn.
Theo văn phòng công tố Clermont-Ferrand, vụ việc xảy ra vào đêm ngày 22-12 tại một ngôi làng biệt lập gần xã Saint-Just, tỉnh Puy-de-Dôme, miền Trung nước Pháp.
Nhận được tin báo về một vụ bạo lực lúc nửa đêm, hai hiến binh tới hiện trường. Khi tiếp cận ngôi nhà nơi một phụ nữ đang trú ẩn, hai hiến binh bị một gã đàn ông nã súng vào. Một trong số hai người đã chết, người còn lại bị thương ở đùi được nhân viên cứu hỏa đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Ambert.
Hung thủ 48 tuổi sau đó liền phóng hỏa ngôi nhà. Hai hiến binh khác tới tiếp viện bị hắn bắn trúng và không qua khỏi, theo báo Le Parisien.
Giới chức cho biết người phụ nữ đã được giải cứu an toàn. Có ít nhất bảy thành viên của Lực lượng hiến binh đặc nhiệm quốc gia Pháp (GIGN) có mặt tại hiện trường cùng với lực lượng cứu hỏa để cố gắng kiểm soát ngọn lửa đang thiêu rụi ngôi nhà.
Thủ phạm của những phát súng chí mạng được cho là có tai tiếng về những hành vi liên quan đến giành quyền nuôi con.
Thị trưởng Saint-Just là Francois Chautard cho biết ngôi nhà đã bị thiêu rụi hoàn toàn và GIGN đang điều tra xem liệu hung thủ có nằm trong đống đổ nát của ngôi nhà hay đã trốn thoát.
Trong một bài đăng trên Twitter, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin thông báo nghi phạm giết 3 hiến binh “được tìm thấy trong tình trạng đã chết”.
Ông Gerald không nói chi tiết về cái chết của nghi phạm, chỉ cho biết ông đang trên đường tới hiện trường vụ việc. Trước đó, khoảng 300 hiến binh đã được huy động để tìm kiếm nghi phạm 48 tuổi sau khi hắn giết người và phóng hỏa.
GIGN thuộc hiến binh quốc gia và cũng thuộc lực lượng vũ trang Pháp. GIGN được xem là một trong những lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố tinh nhuệ nhất thế giới.
GIGN được trang bị khí tài hiện đại, có nhiệm vụ ngăn chặn, tiêu diệt các phần tử khủng bố, giải cứu con tin, chống bạo động và một số nhiệm vụ chiến đấu nguy hiểm cao.
Cảnh sát Bangladesh đã thành lập một đơn vị toàn nữ để giải quyết vấn đề bạo lực mạng đang ngày càng gia tăng và tập trung nhiều vào nữ giới.