Jack, Amee, Bích Phương, Đen Vâu là những nghệ sĩ có hoạt động ấn tượng trong năm - Ảnh: FBNV
MV drama lên ngôi
Hình thức MV vẫn là loại hình sản phẩm "đinh" trong việc kết nối giữa sự sáng tạo của nghệ sĩ với sự tiếp cận của khán giả.
Trong năm 2020, MV dạng thức drama với những tình huống, câu chuyện cụ thể là xu hướng được nhiều ca sĩ chọn lựa để mang tới các sản phẩm chủ đạo.
Nổi bật nhất phải kể đến đạo diễn Kawaii Tuấn Anh với loạt MV có thành thích tốt như Gặp nhưng không ở lại (Hiền Hồ), Không thể cùng nhau suốt kiếp (Hòa Minzy) , Nói chia tay thật khó (Thùy Chi, Trấn Thành, Viruss).
Tuy nhiên vì nhiều ca sĩ đổ xô đi theo xu hướng này nên không ít MV drama dù được đầu tư nhưng hiệu quả kém. Do đó, một số MV có ý tưởng mới lạ, độc đáo, dù kinh phí thấp nhưng làm khán giả thích thú như Trời hôm nay nhiều mây cực (Đen Vâu) hay Em bỏ hút thuốc chưa (Bích Phương).
Trích Hoa nở không màu của Hoài Lâm, Nguyễn Minh Cường - Nguồn: HOÀI LÂM
Video Hoài Lâm hát ca khúc ballad Hoa nở không màu với kinh phí 1.5 triệu đồng vẫn lọt top MV nổi bật nhất năm của YouTube.
Việc các nhãn hàng thường xuyên có mặt để cùng đầu tư cho MV của ca sĩ nổi tiếng nhưng nhiều sản phẩm xuất hiện lộ liễu, khiên cưỡng khiến người xem ngán ngẩm. Xu hướng thương mại hóa quá mức trong MV vẫn đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả.
TikToker Tun Phạm (trái) trong MV 'Tình nào không như tình đầu' - Ảnh: FBNV
Mặt khác, sự xuất hiện của các hot TikToker từ việc đóng MV, làm vũ công cho đến cùng biểu diễn trên sân khấu... cho thấy sức ảnh hưởng lẫn chi phối mạnh mẽ của làn sóng mạng xã hội tới cục diện âm nhạc.
Đây cũng là cách thức truyền thông để tận dụng sức hút của họ, từ đó mở rộng phạm vi khán giả đón nhận sản phẩm.
Áp lực thành tích khi top trending YouTube trở thành mục đích mà số đông ca sĩ nhắm tới đã khiến nhiều MV thoả hiệp với trào lưu thay vì chọn chất lượng nghệ thuật làm tiêu chí hàng đầu. Thị trường âm nhạc của các ca sĩ trẻ dần được tạo nên từ những con số, dù có những cú nhảy vọt về độ rộng nhưng lại chưa đủ sâu.
Rap phủ sóng nhưng "đường dài mới biết ngựa hay"
Nhạc rap đang xuất hiện ở mọi nơi, các ca sĩ hát pop thường chọn kết hợp với rap như một yếu tố đảm bảo cho sự thời thượng.
Sự phủ sóng của rap cuối năm 2020 đến từ thành công lớn của chương trình Rap Việt, King of Rap. Những rapper Binz, Karik, Wowy, Rhymastic, Suboi... được săn đón, đắt sô và cát xê cao. Dù hoạt động cầm chừng nhưng Đen Vâu vẫn là rapper có các sản phẩm phổ biến và lan tỏa mạnh mẽ nhất.
Trích Đi về nhà - Đen, Justa Tee - Nguồn: ĐEN VÂU
Sau 20 năm phát triển, rap đã thoát ra khỏi vị trí phụ họa cho nhạc pop để đứng trên đôi chân của mình. Không ít bản rap độc lập đã bắt đầu có mặt trên các bảng xếp hạng âm nhạc lớn.
Rap thắng thế trong lĩnh vực quảng cáo là một minh chứng rõ ràng cho sự phát triển mạnh mẽ và mối quan tâm của dư luận và khán giả dành cho nó. Tuy nhiên, phía trước vẫn là đoạn đường dài thử thách với nhiều rapper trẻ.
Trong khuôn khổ hai cuộc thi rap đình đám, các rapper được đội ngũ producer hàng đầu Việt Nam hỗ trợ tối đa trong việc sản xuất và cố vấn, cộng với truyền thông bài bản đã giúp nhạc rap được phổ cập mạnh mẽ hơn bao giờ.
Nhận giải Nghệ sĩ xuất sắc tại Việt Nam của MAMA 2020 nhưng Binz vẫn gặp ý kiến trái chiều về khả năng live - Ảnh: FBNV
Nhưng bước ra khỏi chương trình, phải tự đi trên chính đôi chân của mình thì hoa hồng sẽ không còn được trải sẵn. Binz dù là cái tên rất hot nhưng vẫn gây tranh cãi vì khả năng live chưa tốt. Karik được ca ngợi về khả năng dẫn dắt học trò nhưng các sản phẩm gần đây của anh cũng không gây được tiếng vang lớn.
Do đó, sự phát triển của nhạc rap còn phụ thuộc rất nhiều vào thực lực của các rapper và thị hiếu khó đoán của khán giả.
Khi nghệ sĩ chú trọng đầu tư cho EP, album
Nửa đầu năm 2020, hàng loạt các album chất lượng từ các nghệ sĩ kì cựu lẫn các nghệ sĩ trẻ đã ra mắt. Đáng chú ý có thể kể đến các album Dreamee (Amee), 3 (Ngọt), EP Tâm trạng hơi tan chậm một chút (Bích Phương).
Một số album nổi bật trong năm 2020 - Ảnh: NSCC
Từ tháng 9 tới nay, các ca sĩ ở những dòng nhạc khác nhau liên tục ra mắt album như Khánh Linh’s journey (Khánh Linh), Nhã (Lân Nhã), Human (Tùng Dương), Yesteryear (Phùng Khánh Linh), EP Một triệu năm ánh sáng (Vũ Cát Tường), 25 (Hoàng Dũng), Cuối ngày người đàn ông một mình (Hà Anh Tuấn)...
Các ca sĩ này đều là những cái tên có thực lực, nghiêm túc với âm nhạc và khao khát đi đến tận cùng con đường họ lựa chọn. Những album nói trên được giới chuyên môn đánh giá cao, một số còn tạo thành tích tốt khi lập nhiều kỷ lục như EP Tâm trạng tan hơi chậm hay album Dreamee.
Album đầu tiên trong sự nghiệp 'Dreamee' đã giúp tên tuổi của ca sĩ 10X Amee vụt sáng trong năm 2020 - Ảnh: NSCC
Album luôn là loại hình cần nhiều thời gian, chất xám để đầu tư nhưng kinh phí cho nó thì thấp hơn nhiều so với việc làm ra một MV drama triệu view. Đó vẫn luôn là nơi nghệ sĩ cất lên tiếng nói của họ trước cuộc đời và khẳng định bản ngã trong làng nhạc.
Một năm khó khăn do COVID-19 khiến giới nghệ thuật biểu diễn chịu ảnh hưởng nặng nề, số lượng show diễn sụt giảm. Nhiều ca sĩ đã chia sẻ nỗi buồn của họ khi phải tạm xa sân khấu và khán giả.
Có lẽ khoảng trống đó đã cho nhiều người không gian sáng tạo nên những sản phẩm mới để bộc lộ bản thân, suy ngẫm về con đường âm nhạc, thế thái và nhân sinh.
Nở rộ các show diễn trực tuyến
Khi mọi hoạt động giải trí đóng băng trong mùa dịch COVID-19, nhiều nghệ sĩ đã tiến hành tổ chức các show diễn trực tuyến nhằm phục vụ cho khán giả trong thời gian giãn cách xã hội. Các liveshow, mini-show trực tuyến trở thành xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà là trên toàn thế giới.
Noo Phước Thịnh có Noo’s chill night, Hồ Ngọc Hà có chuỗi private show Love songs, các ca sĩ như Tuấn Hưng, Đức Tuấn, Bảo Anh, Ngô Kiến Huy, Vũ Cát Tường… cũng có chương trình hát tại nhà để phục vụ khán giả.
Hồ Ngọc Hà song ca cùng Hà Anh Tuấn trong show nhạc trực tuyến Love songs - Ảnh: FBNV
Tất nhiên, đây là phương pháp tạm thời để ca sĩ đỡ nhớ nghề, vừa có thể hâm nóng tên tuổi, vừa để khán giả được thưởng thức âm nhạc vẫn bảo vệ bản thân khỏi khán đài đông đúc. Trong đó, một số show diễn tổ chức dưới dạng hát live nhưng được thu âm, biên tập kỹ càng nên không thể kiểm chứng độ chân thực như show của Chi Pu hay Amee.
Thời điểm người dân miền Trung chịu tổn thất nặng nề do thiên tai, hàng loạt nghệ sĩ ba miền Bắc, Trung, Nam cũng liên tục tổ chức các show hát trực tuyến gây quỹ để giúp đỡ, cứu trợ đồng bào.
Album và liveshow 'Human' của Tùng Dương là điểm sáng của làng nhạc cuối năm 2020 - Ảnh: FBNV
Khi kết thúc giãn cách xã hội, một số ca sĩ đã tổ chức các liveshow và nổi bật nhất phải nói đến liveshow Human của Tùng Dương vào tháng 11 ở Hà Nội. Hà Trần, Ngọt và Bùi Lan Hương là ba cái tên cùng xuất hiện, mang đến nhiều điều mới mẻ cho âm nhạc của Tùng Dương.
Đêm nhạc hát về vòng luân hồi của vạn vật cùng những triết lý trong mối quan hệ giữa người với người như bùng tỏa hết năng lượng lẫn khát khao trong nghệ thuật của Tùng Dương khi anh hát gần 20 bài.
2020 thực sự là một năm nhiều biến động trong xã hội lẫn đời sống âm nhạc, đánh dấu rõ ràng sự phân nhánh của các nhóm nghệ sĩ với những kim chỉ nam riêng. Có người vẫn miệt mài đuổi theo những kỷ lục số mà những kỷ lục thì luôn đổi chủ.
Cũng có người mang đến âm nhạc chân phương đủ sức neo đậu với thời gian, cũng đồng thời làm điềm tĩnh lại thị hiếu của công chúng vẫn đang xoay vần.
2020 biết đâu đã mang đến cho nghệ sĩ những khoảng lặng đủ để nhận biết rằng thay vì chạy theo xu hướng, họ hoàn toàn có thể tạo nên xu hướng với những món ăn tinh thần chất lượng và riêng biệt.
TTO - Từ 'Gái già lắm chiêu 3' của Tết 2020 đến 'Ròm', 'Tiệc trăng máu', 'Màu cỏ úa'... gần cuối năm, điện ảnh Việt Nam có một năm ít ỏi số lượng, sụt giảm doanh thu nhưng vẫn có điểm sáng về chất lượng.