Hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số mới thành lập trong năm 2020
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Cùng với chương trình thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số, một năm qua, Việt Nam đã có hơn 13.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ra đời, nâng tổng số doanh nghiệp công nghệ số lên 58.000.
Hoạt động của một doanh nghiệp công . Ảnh minh họa: Vân Ly |
Thông tin trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được Bộ này tổ chức vào ngày 23-12.
Ông Hùng cho biết, việc thực thi chỉ thị 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã mang lại kết quả tốt. Hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời trong năm nay, tăng 28% so với năm ngoái. Đến nay Việt Nam có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp số.
“Trước đây chúng ta chỉ dám nghĩ đến con số cao nhất là 6.000 doanh nghiệp ra đời một năm. Nhưng ngay năm đầu tiên đã có 13.000 doanh nghiệp mới ra đời. Do đó, mục tiêu Việt Nam có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, qua dịch Covid-19 cho thấy khả năng nhanh chóng phát triển các sản phẩm công nghệ số phòng chống Covid-19 tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... Có lẽ, Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19.
“Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không "Make in Viet Nam" thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này. Năm 2021 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một năm với rất nhiều sản phẩm Make in Vietnam”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trong thư gửi Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp số nói riêng có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Chính phủ sẽ tích cực hoàn thiện thể chế, pháp luật và xây dựng, triển khai các chiến lược phù hợp, cơ chế, chính sách thông thoáng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số.
Xem thêm: lmth.0202-man-gnort-pal-hnaht-iom-os-ehgn-gnoc-peihgn-hnaod-00031-noh/460213/nv.semitnogiaseht.www