Ngày 23-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Giải quyết điểm nghẽn về công tác tư pháp
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” , bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội (QH), Chính phủ và của từng địa phương, đồng thời có các giải pháp ứng phó kịp thời với đại dịch COVID-19.
Bộ, ngành tư pháp cũng đã tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban bí thư ban hành các kết luận quan trọng với nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá và bảo đảm khả thi để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, hợp tác quốc tế về pháp luật...
Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương và giữa các sở Tư pháp, cục Thi hành án dân sự với các sở, ngành tiếp tục được chú trọng, tăng cường, qua đó kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, những vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao...
Năm 2020, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình QH thông qua 17 luật và cho ý kiến đối với nhiều dự án luật khác, đưa tổng số văn bản đã trình QH, Ủy ban Thường vụ QH thông qua trong nhiệm kỳ này là 112…
Tại hội nghị, có nhiều báo cáo chuyên đề về công tác tư pháp đã được các đại biểu trao đổi, thảo luận như xây dựng pháp luật, công tác phối hợp giữa các bộ giải quyết điểm nghẽn về công tác tư pháp, những vấn đề lưu ý chuẩn bị triển khai thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính...
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ mà Chính phủ giao. Sắp tới, đối với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế được xác định là nhiệm vụ quan trọng nên Bộ Nội vụ mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của bộ và ngành tư pháp. Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ |
Chỗ dựa vững chắc cho các bộ, ngành, địa phương
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thể chế pháp luật là nền tảng quan trọng để chúng ta xây dựng, phát triển đất nước. “Anh ra một quyết định có vi hiến không, có chồng chéo không? Lúc này cán bộ tư pháp phải xem kỹ, soi cho chặt chẽ. Cán bộ tư pháp làm tốt, gương mẫu, tham mưu tốt thì sẽ ngăn chặn được các vi phạm” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng cho biết ngành tư pháp đóng vai trò quan trọng, là nền tảng để xây dựng, phát triển đất nước. Ngành này không trực tiếp làm ra của cải vật chất nhưng lại tháo gỡ những vấn đề đặt ra để phát triển đất nước.
Thủ tướng ghi nhận với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao, Bộ Tư pháp và ngành tư pháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và là chỗ dựa vững chắc cho các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến pháp lý.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề cập đến những hạn chế, bất cập của ngành này như năng lực xây dựng và thực thi pháp luật chưa cao; chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa khắc phục được; còn vi phạm trong công tác thi hành án dân sự, còn sai phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động bổ trợ tư pháp (công chứng, thừa phát lại, luật sư, đấu giá...) gây ảnh hưởng đến xã hội, cần phải khắc phục.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp và các sở Tư pháp tập trung rà soát, khắc phục các văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Không để xảy ra tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng chính sách pháp luật.
Cạnh đó, ngành cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp như hộ tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi… “Cái gì Nhà nước không làm, không cần thiết làm và không nhất thiết phải làm thì nên khuyến khích để cho người dân, doanh nghiệp và xã hội làm!” - Thủ tướng nói.
TP.HCM có hai đề xuất liên quan tranh chấp quốc tế Tại báo cáo chuyên đề, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu khẳng định năm 2020, Sở Tư pháp không chỉ tham mưu đối với lĩnh vực tư pháp mà còn giúp lãnh đạo TP trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương. Từ thực trạng tranh chấp quốc tế có khả năng xảy ra trong thời gian tới, UBND TP đề xuất, chỉ đạo Sở Tư pháp TP.HCM xây dựng “Nhật ký giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế” mà cơ quan này tham gia trong vụ kiện tranh chấp quốc tế làm tài liệu tham khảo cho các sở/ngành, quận/huyện và các tổng công ty trực thuộc. Bộ Tư pháp nên tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, thời gian hợp lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là qua những vụ kiện cụ thể mà Bộ Tư pháp đã tham gia và tiếp tục tích cực hỗ trợ cho địa phương có những vụ kiện tranh chấp quốc tế đã phát sinh để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho Nhà nước. |