Ngày 23-12, tổng thống tân cử Joe Biden chính thức lên tiếng về vụ tấn công mạng quy mô lớn vừa qua nhắm vào hàng loạt cơ quan Liên bang Mỹ, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, ông Biden khẳng định ngay khi nhậm chức sẽ lập tức khẩn trương truy tìm những đối tượng chịu trách nhiệm chính và có biện pháp trả đũa thích đáng.
Bên ngoài trụ sở Bộ An ninh nội địa ở thủ đô Washington, D.C., một trong những cơ quan bị xâm nhập trong đợt tấn công mạng vừa qua. Ảnh: REUTERS
Quy mô chấn động
Theo đài CNN, hiện chính quyền Mỹ vẫn chưa công bố nhiều thông tin liên quan đến vụ việc, các cơ quan bị ảnh hưởng cũng chưa hoàn tất đánh giá mức độ thiệt hại.
Các tin tặc được cho là đã theo dõi được thư điện tử và dữ liệu nhạy cảm trong Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ An ninh nội địa và Bộ Thương mại Mỹ. Trước tình huống trên, Bộ Tư pháp, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cùng Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuyển thông tin liên lạc nội bộ vào mạng lưới mật được cho là chưa bị xâm nhập. Dù vậy, dựa vào những gì biết đến lúc này, nhiều khả năng đây là một trong những vụ tấn công mạng lớn nhất lịch sử Mỹ.
6.700 tỉ USD là mức độ thiệt hại đối với nền kinh tế thế giới do các hoạt động tấn công mạng gây ra tính đến cuối năm 2020, trang tin Euronews dẫn số liệu của Liên minh châu Âu (EU). |
Trước hết, vụ xâm nhập được cho là bắt đầu từ tháng 3-2020 nhưng chỉ mới được phát hiện khoảng hai tuần trước. Các đối tượng xâm nhập hệ thống của hàng loạt cơ quan chính phủ và công ty tư nhân tại Mỹ thông qua phần mềm quản trị mạng đánh cắp từ một bên thứ ba, cụ thể là một công ty phát triển phần mềm tên SolarWinds có trụ sở tại bang Texas. Lưu ý, đây chỉ là một trong những công cụ nhóm tin tặc sử dụng được xác định và vô hiệu hóa, còn lại các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra. Hiện cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy tin tặc cũng sử dụng cách thức khác để xâm nhập.
Về số công ty, tổ chức, cơ quan chính phủ bị ảnh hưởng, các chuyên gia tại tập đoàn công nghệ Microsoft cho biết đến nay số lượng được xác định ít nhất là 40. Cùng thời gian Mỹ bị xâm nhập thì một số công ty, cơ quan chính phủ ở các nước châu Âu, Trung Đông cũng phát hiện có dấu hiệu bị xâm nhập. Không rõ hai sự việc này có phải chung một đợt tấn công hay không.
Đến thời điểm hiện tại, chính quyền Mỹ vẫn chưa xác định được cụ thể thủ phạm là ai, chỉ biết rằng đây chắc chắn là một nhóm tin tặc được chính phủ nước ngoài bảo trợ, vì để xâm nhập được các cơ quan Mỹ đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, trình độ cao. Nga và Trung Quốc đang là hai nước trong diện nghi vấn hàng đầu. Dù vậy, nhiều nguồn tin nội bộ cho biết dường như ông Biden cũng đồng tình với nhận định Nga đứng sau vụ tấn công và đang cân nhắc các lựa chọn trừng phạt Moscow, trong đó có cấm vận tài chính và tấn công mạng các cơ quan Nga để đáp trả.
Vụ tấn công bộc lộ điểm yếu của Mỹ
Trả lời phỏng vấn của tờ The Hill, ông Tom Kellermann, cựu thành viên của Ủy ban Tăng cường an ninh mạng quốc gia dưới thời tổng thống Barack Obama, cho biết trong suốt 22 năm làm việc trong ngành an ninh mạng, ông chưa từng thấy một vụ tấn công nào lớn đến như vậy. Ông cũng cho rằng đây có thể là đòn trả đũa của Nga sau nỗ lực gây gián đoạn cuộc bầu cử Mỹ 2020 nhưng bất thành. Hầu hết giới chuyên gia đồng ý cuộc bầu cử năm nay là cuộc bầu cử an toàn nhất trong 10 năm trở lại đây nhờ rút kinh nghiệm sau những lùm xùm xung quanh kỳ bầu cử năm 2016.
Nga, Trung Quốc phản ứng ra sao? Trước các cáo buộc từ Mỹ, phát ngôn viên điện Kremlin - ông Dmitry Peskov ngày 20-12 lên tiếng khẳng định mọi cáo buộc nhằm vào Nga đều vô lý và thể hiện tư tưởng bài Nga, theo đài RT. “Nga không liên quan gì đến các vụ tấn công mạng mà Mỹ nhắc tới vì chúng tôi không can dự tấn công mạng nhằm vào các chính phủ nói chung và vụ tấn công nêu trên nói riêng. Chúng tôi nhấn mạnh quan điểm này một cách chính thức và mạnh mẽ. Mọi cáo buộc cho rằng Nga đứng sau hoàn toàn vô căn cứ, là sự tiếp nối của luồng tư tưởng bài Nga” - ông Peskov tuyên bố. Trước câu hỏi của giới phóng viên về việc liệu Mỹ có sử dụng cáo buộc tấn công mạng này để áp đặt vòng trừng phạt mới chống Moscow hay không, ông Peskov cho rằng hành động gần đây của phía Mỹ rất khó đoán định, vì thế “chưa thể nói trước được điều gì về vấn đề này”. Trong khi đó, trang Twitter cá nhân của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 21-12 đăng dòng trạng thái chỉ trích những cáo buộc của Mỹ là “một trò hề bắt nguồn từ các động cơ chính trị”. “Nước Mỹ liên tục lan truyền thông tin sai mà không có bằng chứng thuyết phục nhằm hủy hoại hình ảnh của Trung Quốc và gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế” - theo ông Uông. |
“Thực chất giới tư nhân đã bắt đầu cảnh báo có dấu hiệu sẽ xảy ra một cuộc tấn công mạng quy mô lớn ít nhất là từ tháng 2. Đợt đó, một lượng lớn bệnh viện trên khắp nước Mỹ báo cáo bị xâm nhập vào kho dữ liệu thông tin bệnh nhân. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các cơ quan liên bang lại không phản ứng đủ nhanh để phòng bị” - theo ông Kellermann.
Để hình dung mức độ nghiêm trọng của vụ việc, chuyên gia này chia sẻ nếu thay vì là một cuộc tấn công mạng mà là một nước nào đó đổ quân lên lãnh thổ Mỹ và đánh chiếm cùng các cơ quan trên thì sẽ bị coi là “hành động khơi mào chiến tranh”.
Về phía chính quyền Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng đến nay vẫn giữ im lặng về vụ tấn công. Ông Trump tuần qua có đăng tải một số dòng trạng thái trên trang Twitter cá nhân khẳng định vụ việc vẫn đang trong tầm kiểm soát và phủ nhận việc Nga có liên quan trong đợt tấn công.
Nhà lãnh đạo này còn có ý đá sang cuộc bầu cử tổng thống, cho rằng giới truyền thông Mỹ đang “thổi bùng mọi chuyện lên để hạ uy tín” của ông. “Nếu mà vụ tấn công quy mô lớn nào xảy ra thì đó là vụ tấn công nhằm vào mấy cái máy kiểm phiếu nực cười của chúng ta trong cuộc bầu cử mà tôi đã thắng chắc rồi. Lại thêm là một nỗi xấu hổ nữa cho nước Mỹ” - theo lời ông Trump.•