vĐồng tin tức tài chính 365

7 thập niên âm nhạc Lam Phương len lỏi khắp Sài Gòn

2020-12-24 07:35

Nhạc sĩ Lam Phương, một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam (VN), đã qua đời vào 18 giờ 7 phút ngày 22-12 (giờ địa phương) tại TP Fountain Valley, California, Mỹ sau những ngày nhập viện cấp cứu do bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng. Ông hưởng thọ 83 tuổi.

7 thập niên âm nhạc Lam Phương len lỏi khắp Sài Gòn - ảnh 1
Nhạc sĩ Lam Phương. Ảnh: Tư liệu

Tác giả chưa đến 20 tuổi nhưng nhạc vang khắp Sài Gòn

Nhạc Lam Phương với hơn 200 tác phẩm đa dạng thể loại tình ca, nhạc quê hương trải dài qua các mảng đề tài từ con người đến vận nước. Ca khúc đầu tay ông viết từ năm 15 tuổi là Chiều thu ấy, và nhạc của ông bắt đầu được nhiều người yêu mến với sáng tác Kiếp nghèo khi ông 17 tuổi (năm 1954).

Những năm 1954, khi rất nhiều người Việt từ Bắc vào Nam đang bước đầu ổn định cuộc sống ở vùng đất mới thì có thể nói nhạc Lam Phương đã được vang khắp các xóm ngõ Sài Gòn.

Hôm qua (23-12), khi tin ông vĩnh viễn rời cõi tạm, nhiều khán giả U-70, U-80… mới nhận ra rằng dường như cả cuộc đời mình vô tình đã sống cùng nhạc Lam Phương. Cả Sài Gòn dường như gắn với nhạc Lam Phương, bởi đó là những bài ca mà bất cứ ai cũng tìm thấy nỗi niềm của mình. Đó là loại âm nhạc có thể biểu diễn trên các chương trình, phát trên đài phát thanh, nghe qua băng đĩa nhạc… lẫn len lỏi trong từng nhà với câu ca đầu môi, tiếng guitar bập bùng.

Khán giả dễ tìm thấy mình trong nhạc Lam Phương bởi dường như ông luôn chân thực trong cảm xúc và đã tự nhiên đưa nó vào ca khúc. Có thể trong giai đoạn này của cuộc đời, người nghe sẽ rất mê nhạc Lam Phương nhưng đến một tuổi nào đó, người ta không còn nghe nữa bởi xúc cảm của ca khúc đã qua. Rồi một ngày bất chợt người ta sẽ lại quay trở lại nghe nhạc Lam Phương như tìm về một “tuổi ngọc”, thuở có những “cơn mộng ảo xa xôi thơ ngây”… Và khi đó, họ lại tìm thấy nhạc Lam Phương như những bản tình ca với lối dẫn dắt cảm xúc con người.

7 thập niên âm nhạc Lam Phương len lỏi khắp Sài Gòn - ảnh 2
Những ngày nằm bệnh nhưng những ca sĩ trẻ như Đức Tuấn, Phạm Quỳnh Anh tìm đến để xin phép hát ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương luôn được ông tiếp đón. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bậc thầy kể chuyện tình, chuyện mình

Rất nhiều khán giả, giới chuyên môn muốn rạch ròi phân định nhạc Lam Phương là nhạc sang hay nhạc sến nhưng không bao giờ dễ dàng. Suy cho cùng, cũng vì ông viết trên chuyện tình thật của ông, chuyện tình thật của những người gây cho ông xúc động. Với cách “cá nhân hóa” câu chuyện rồi lại đưa ngược trở lại cho khán giả thì tùy cách hát, tùy bản phối mà thành sến hay sang.

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng (pháp danh: Ngộ Trí Nhàn). Ông sinh ra tại Rạch Giá, là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam hiếm hoi có gia tài sáng tác đồ sộ.

Gia đình nhạc sĩ Lam Phương thông báo sẽ có chương trình lễ tang, lễ tưởng niệm nhạc sĩ tại Mỹ và VN. 

Như giữa vô vàn bản nhạc về Đà Lạt, Thành phố buồn của Lam Phương thuộc hàng “sinh sau đẻ muộn”, dẫu không có một từ Đà Lạt nào, bài hát vẫn vô cùng Đà Lạt với: “Đường quanh co quyện gốc thông già”, “Người lưa thưa chìm dưới sương mù”… Hay một đặt hàng từ bộ phim ở Pháp năm 1980 với câu chuyện một cô sinh viên từng có những hành động mà khi nghĩ lại cô muốn “cho em trao một lời cuối ăn năn quê hương tội tình”, nhạc sĩ Lam Phương đã viết nên bản tình ca Cho em quên tuổi ngọc. Hoặc câu chuyện rất nhiều người biết về mối tình của ca sĩ Họa Mi và chồng cũ - nghệ sĩ Lê Tấn Quốc đưa đẩy nhạc sĩ Lam Phương viết nên nhạc phẩm Em đi rồi.

Những cuộc tình của chính ông cùng những bản nhạc gắn với các mối tình: Chờ người, Tình bơ vơ, Thu sầu, Tình chết theo mùa đông, Đẹp như mơ, Trăm nhớ ngàn thương, Bọt biển, Giọt lệ sầu, Biển tình, Bài tango cho em… Nhạc tình của Lam Phương rất đời, rất thực và rất tình bởi ông không tô vẽ gì thêm cho ca từ, ông chỉ viết cái ông đang cảm nhận. Bao nhiêu bóng hồng đi qua cuộc đời ông, mỗi người đều nán lại ít nhất ba bản nhạc. Tất cả dường như chỉ trên bản nhạc, quãng đời cuối cùng ông sống với gia đình, người thân, không vợ con, không bóng hồng nào, đúng như câu hát ông viết: “Tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan”.

Từ hôm nay, khán giả vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa Lam Phương, những hò hẹn, nợ duyên của ông cũng đã khép lại, “Người theo cánh chim về vui với đời” và để lại nhớ thương cho khán giả…

Chưa bao giờ ngừng hy vọng trở về Việt Nam

Vào năm 2018, trong một buổi gặp gỡ báo chí trực tuyến, Pháp Luật TP.HCM đã trò chuyện với nhạc sĩ Lam Phương về nghệ danh và việc trở về VN của ông. Nhạc sĩ Lam Phương cho biết ông luôn mong ngày về VN nhưng sức khỏe không cho phép nên rất mong khán giả thông cảm.

Riêng với câu hỏi: “Nghệ danh Lam Phương của ông từ tên thật Lâm Đình Phùng; Lam Phương là Lâm và Phùng với ý nghĩa hướng về phương trời màu xanh hy vọng. Trong hơn 80 năm qua và nhất là 19 năm bị tai biến, có bao giờ ông mất hy vọng?”, nhạc sĩ Lam Phương đã trả lời: “Tôi luôn giữ niềm hy vọng cho đời sống của mình. Dù bệnh nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng, nhất là hy vọng sự trở về VN gặp khán giả yêu mến âm nhạc Lam Phương”. 

Xem thêm: lmth.126759-nog-ias-pahk-iol-nel-gnouhp-mal-cahn-ma-nein-paht-7/aoh-nav/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“7 thập niên âm nhạc Lam Phương len lỏi khắp Sài Gòn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools