Nhạc sĩ Lam Phương (1937-2020) lịch lãm và đàn ông thời trẻ
Nhạc sĩ Lam Phương qua đời ngày 22-12 tại thành phố Fountain Valley, bang California, Mỹ (theo giờ địa phương). Ông hưởng thọ 83 tuổi.
Sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng giới nghệ sĩ và công chúng. Đàm Vĩnh Hưng cảm ơn Lam Phương "vì những tuyệt phẩm mà ông để lại cho đời".
Viết dòng nhạc nào cũng đạt đến đỉnh cao
Nói với Tuổi Trẻ Online, MC Minh Đức, người chuyên dẫn các chương trình âm nhạc, cho rằng Lam Phương là trường hợp lạ lùng và xuất sắc khi sáng tác dòng nhạc nào cũng có tác phẩm đỉnh cao, luôn đi đến cùng đặc điểm thể loại.
Từ các bài nhạc tình sang trọng, đến những bài bolero vẫn được mặc định là dành cho giới bình dân. Từ thập niên 1980 trở đi, khi ông sống ở nước ngoài, Lam Phương viết nên những bài nhạc trẻ đích thực.
Lam Phương sáng tác nhạc từ năm 15 tuổi và có sự nghiệp đồ sộ với hơn 200 ca khúc, trong đó có nhiều tuyệt phẩm
Khi Lam Phương viết nhạc tình, nhạc ông đẹp đẽ và lãng mạn như Cho em quên tuổi ngọc, Chờ người, Thu sầu. Với nhạc bolero để hướng tới số đông, ông vẫn có những đỉnh cao như Khi thời gian qua mau, Ngày buồn, Thành phố buồn - không hề sa đà vào sự dễ dài, sướt mướt và ủ ê như nhiều ca khúc bolero khác.
Đặc biệt, khi sống ở Paris (Pháp) và có một tình yêu say đắm, Lam Phương đã viết những ca khúc trẻ trung, tươi tắn và rất hiện đại như Thiên đàng ái ân, Mùa thu yêu đương với ca từ đầy mới mẻ. Có thể nói, khi tâm hồn Lam Phương như trẻ lại, âm nhạc của ông cũng thế. Ông đã sống một cách trọn vẹn và chân thực với âm nhạc.
Vì thế, MC Minh Đức cho rằng sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương là mất mát lớn đối với nền âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc trữ tình.
Với nhạc sĩ Hoài Phương - chồng của nữ diễn viên Việt Hương, Lam Phương là "một nhạc sĩ đại thụ tài hoa với hàng trăm tác phẩm để đời". Còn sự nghiệp của ông là "di sản vô giá" của nền âm nhạc. Ca sĩ Quang Dũng tôn vinh ông là "tượng đài âm nhạc Việt Nam".
Là những nghệ sĩ Việt định cư tại Mỹ, vợ chồng Hoài Phương - Việt Hương có nhiều cơ hội gặp gỡ, đàm đạo với nhạc sĩ Lam Phương trong những năm cuối đời của ông. Đó đều là những kỷ niệm cả hai rất trân quý. Hoài Phương từng dàn dựng chương trình với hơn 20 nhạc phẩm Lam Phương. Anh cảm nhận nhạc sĩ hòa đồng, dễ mến và bao dung với thế hệ sau.
Rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ Việt Nam thuộc nhiều lứa tuổi, cả ở Việt Nam lẫn hải ngoại, đều từng hát và thuộc nằm lòng âm nhạc của Lam Phương.
Thanh Thảo trong lần đến thăm nhạc sĩ Lam Phương để xin phép hát nhạc của ông - Ảnh: NVCC
Hôm 23-12, khi nghe tin nhạc sĩ qua đời, ca sĩ Thanh Thảo chia sẻ kỷ niệm lần đầu đến thăm Lam Phương tại Mỹ. Lúc đó, cô đến xin phép được hát nhạc ông trong một live show của đồng nghiệp Đan Trường. Lam Trường, Phương Thanh, Đan Trường và Thanh Thảo sẽ hát liên khúc Xin thời gian qua mau, Tình yêu mây khói và Giọt lệ sầu.
"Nhạc của chú là một kho tàng. Tụi con đã nghe nhạc của chú từ nhỏ đến lớn. Con đã hát nhiều bài của chú trong các album trước đây của con, nhưng lần này là lần đầu tiên hát liên khúc cùng các ca sĩ khác. Con thấy chú vẫn khỏe, trắng trẻo, hồng hào. Con mong chú lúc nào cũng khỏe như vậy" - Thanh Thảo nhắn nhủ nhạc sĩ khi ông còn sống.
Thanh Thảo cho biết chị vẫn ấp ủ việc hát nhạc Lam Phương trong các album sắp tới.
'Thành phố buồn' thêm buồn vì Lam Phương ra đi
Ca sĩ Thanh Hà xót xa khi nghe tin Lam Phương qua đời vì ông là một trong những người có ảnh hưởng lớn lao nhất đến sự nghiệp của chị.
Thanh Hà kể, khi chị vừa sang Mỹ định cư, nhạc sĩ Lam Phương là người phát hiện giọng ca và chọn ca khúc, biên tập cho chị thu âm. Vào những năm 1994, 1995, chính Lam Phương là người lái xe đưa Thanh Hà đi biểu diễn.
Thanh Hà đến thăm nhạc sĩ Lam Phương vào năm 2019 - Ảnh: NVCC
"Những tháng ngày trên đất Mỹ với con luôn là ấm áp của tình người, của các đồng nghiệp, của các khán giả và của cả các bậc tiền bối, các nhạc sĩ đi trước... Rồi những lần đi show cùng chú khắp các nơi phục vụ khán giả người Việt. Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, con sẽ vẫn còn hát nhạc của chú và giữ hình ảnh của chú trong trái tim mình" - Thanh Hà viết.
Thanh Hà từng đến thăm nhạc sĩ Lam Phương khi ông già yếu. Những bức ảnh là kỷ niệm quý giá của cô với người nhạc sĩ từng nâng đỡ mình.
Sinh thời, nhạc sĩ gắn bó với Sài Gòn. Thành phố là nơi ông trải qua thời học sinh gian khó, là nơi ông mày mò tự học nhạc với sự hướng dẫn của các nhạc sĩ Hoàng Lang và Lê Thương.
Sài Gòn là nơi ông viết bài hát đầu tay, Chiều thu ấy, vào năm 15 tuổi. Sài Gòn cũng là nơi ông rong ruổi chở nhạc đi bán lẻ, kiếm những đồng tiền đầu tiên để cuộc sống bớt khó khăn.
Ca sĩ Dương Triệu Vũ và nhạc sĩ Lam Phương - Ảnh: NVCC
Và tại Đà Lạt, nơi đã truyền cảm hứng cho Lam Phương viết nên Thành phố buồn bất hủ, công chúng cũng buồn bã tiễn đưa nhạc sĩ.
Trang Người Đà Lạt viết: "Đà Lạt mưa rả rích suốt cả ngày dài như than khóc cho sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa đã viết nên những lời ca mà khi nghe ai đó ngân nga, ta lại bất chợt nghĩ ngay đến Đà Lạt. Thành phố buồn nay buồn hơn".
Đó là những lời ca đã đi vào tâm khảm biết bao con người: "Thành phố nào nhớ không em? Nơi chúng mình tìm phút êm đềm. Thành phố nào vừa đi đã mỏi? Đường quanh co quyện gốc thông già. Chiều đan tay nghe nắng chan hòa. Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em. Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn...".
Đêm nay, có lẽ nhiều khán giả sẽ tìm nghe lại nhạc Lam Phương trong niềm thương nhớ. Họ sẽ khóc, như đã từng khóc. Bởi âm nhạc của ông vẫn lay động, như từng lay động, và sẽ mãi mãi lay động.
TTO - Thông tin từ giới nghệ sĩ Việt tại Mỹ cho biết nhạc sĩ Lam Phương trút hơi thở cuối cùng vào lúc 18h07 ngày 22-12 tại thành phố Fountain Valley, bang California (theo giờ địa phương). Ông hưởng thọ 83 tuổi.