vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ cuối: Làm gì để giữ lại đặc sản của vùng?

2020-12-24 10:15

Sau các cuộc họp vận động, nhiều hộ hứa sẽ chuyển đổi nghề nếu được hỗ trợ vốn làm ăn, tuy vậy vẫn còn nhiều trường hợp hoạt động. Do đó, làm gì để ngăn chặn vấn nạn này vẫn còn rất nan giải đối với ngành chức năng.

Sử dụng xung điện khai thác thủy sản có thể bị phạt từ 30 - 50 triệu đồng.

Chế tài đã đủ mạnh?

Rõ ràng, việc tận diệt nguồn lợi thủy sản bằng các ngư cụ có tính tận diệt đang là vấn đề nóng không chỉ ở ĐBSCL mà còn cả nước. Đây là hành vi rất nguy hiểm, không chỉ có tính hủy diệt, tận diệt, gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường mà còn tiềm ẩn những mối nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của con người. Thế nhưng, việc ngăn chặn các họat động này đang gặp không ít trở ngại, khó khăn.

Tại khoản 7, Điều 7, Luật Thủy sản năm 2017 quy định nghiêm cấm các hành vi “sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính chất hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản”. Như vậy, việc sử dụng kích điện hoặc dòng điện để khai thác thủy sản là hành vi trái pháp luật, đã bị pháp luật nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 28, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16-5-2019 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá. Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 3-6 tháng.

Đối với hành vi: “Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi thuộc một trong các trường hợp: “Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 – 500 triệu đồng, hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Căn cứ tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến mức cao nhất là 10 năm tù. Mặt khác, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Nuôi trữ cá tự nhiên là mô hình hay đang triển khai ở tỉnh Đồng Tháp.

Cơ quan chức năng ở ĐBSCL cho rằng: Đối với hành vi sử dụng kích điện không giao thẩm quyền xử phạt hành chính cho chính quyền cơ sở mà chỉ dừng ở biện pháp tịch thu phương tiện, nên không đủ sức răn đe và việc quản lý cũng trở nên khó khăn. Nhận thức của người dân chỉ nghiêng về khai thác, còn việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản chưa cao. Trong khi đó công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa có sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương chưa chặt chẽ, không thường xuyên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản còn bị bỏ ngỏ.

Một cán bộ Chi cục Thủy sản cho biết: “Đánh bắt thủy sản bằng xung điện mà hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hết được số người trên địa bàn tỉnh sử dụng các phương tiện đánh bắt, khai thác thủy sản không đúng quy định. Số người tham gia đánh bắt thuỷ sản bằng xung điện nhiều nhưng ngành chức năng cũng như các lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở cơ sở phát hiện và xử lý còn ở mức độ khiêm tốn”.

Còn theo ông Trần Thanh Hiệp (Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang) cho biết: “Phần lớn đối tượng đánh bắt kiểm tra trên sông là họ không có nơi cư trú, dẫn đến việc thực thi pháp luật còn hạn chế. Việc thi hành xử phạt vi phạm hành chính cũng có những mặt hạn chế, bởi nhiều người bỏ luôn tang vật vi phạm sau khi bị lập biên bản. Dù vậy chế tài xử phạt hành chính từng bước được răn đe so với trước”.

Các phương tiện khai thác bằng xung điện bị công an bắt giữ.

Ra quân xử lý kết hợp với tái tạo

Cuối tháng 10-2020, chúng tôi theo đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp ra quân tiến hành kiểm tra phương tiện khai thác đánh bắt thủy sản trên các tuyến sông chính của địa phương. Dù chỉ một buổi, cũng đủ để thấy tình hình khai thác thủy sản kiểu tận diệt thật sự đáng báo động, bởi bắt gặp, xử lý, nhắc nhở hơn 10 trường hợp vi phạm về việc sử dụng xung điện.

Trước tình hình này, để ngăn chặn hành vi đánh bắt cá bằng điện tại tuyến sông Tiền, Trạm Cảnh sát đường thủy Hồng Ngự đã phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT tiến hành tuần tra kiểm soát trên tuyến sông thuộc địa bàn huyện: Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Hồng và TP.Hồng Ngự.

Theo Trung tá Võ Văn Mười (Phó trạm trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy Hồng Ngự) cho biết: “Phương thức thủ đoạn đối tượng lợi dụng đêm khuya tại những đoạn sông vắng thực hiện hành vi dùng điện đánh bắt thủy sản trái phép. Họ làm một thùng để bộ phận kích điện giấu dưới khoang xuồng khi phát hiện lực lượng chức năng, họ quăng bộ phận kích điện xuống sông che đậy hành vi. Ngoài các thủ đoạn trên, các đối tượng đánh bắt cá bằng điện chuyên nghiệp còn đi thành từng tốp từ 3-5 ghe, dây điện được giấu vào bên trong dàn cào, trang bị máy có công suất lớn sẵn sàng trốn chạy khi lực lượng phát hiện, hoặc có khi dùng cả dụng cụ kích điện để chống trả lại lực lượng chức năng.

Khó khăn là vậy, nhưng để ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bằng điện, lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, bắt giữ nhiều trường hợp. Kết quả từ đầu năm đến nay, công an các đơn vị địa phương phối hợp với thanh tra chuyên ngành phát hiện và xử lý 41 trường hợp, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 120 triệu đồng, tịch thu toàn bộ tang vật.

Để ngăn chặn triệt để sự xâm hại nguồn lợi thủy sản từ các phương tiện khai thác tận diệt, thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp tiến hành không cấp phép khai thác thủy sản đối với các ngư cụ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản như: cào gọng, cào hến, đẩy te, xiệp, đáy; nghiêm cấm đặt ngư cụ tại điểm cố định (chà, đăng, vó…) để khai thác thủy sản trên các tuyến sông, kênh, rạch thuộc phạm vi tỉnh quản lý do gây bồi lắng và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học thủy sản. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra khai thác thủy sản thường xuyên thực hiện và đã xử lý, cho làm cam kết, nhắc nhở các đối tượng vi phạm về kích điện, kích thước mắc lưới nhỏ, mùa vụ cấm khai thác...

Theo ông Võ Thành Ngoan (Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp), ngành cũng tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu làm cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước trong quản lý nguồn lợi thủy sản; đổi mới phương thức quản lý tái tạo nguồn lợi thủy sản theo hướng cộng đồng quản lý và chia sẻ lợi ích, trách nhiệm cùng liên kết phát triển; tăng nguồn thu từ khai thác giá trị nguồn lợi thủy sản để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, tái tạo.

Để giúp người dân thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp hiệu quả, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức các đợt điều tra nắm lại số hộ nghèo chuyên sống bằng nghề khai thác thủy sản tự nhiên để có chính sách xã hội, kế hoạch cho vay tín dụng hỗ trợ vận động chuyển đổi nghề nghiệp. Từng bước cho người dân chuyển đổi hình thức khai thác thủy sản hoặc khai thác theo truyền thống, tập trung dạy nghề tiểu thủ công nghiệp để người dân kiếm thêm thu nhập, giảm áp lực khai thác thủy sản tự nhiên.

Bên cạnh đó, để có thêm nguồn thu nhập, nhất là vào mùa nước nổi, người dân Đồng Tháp thực hiện nhiều mô hình sinh kế, trong đó có nuôi trữ cá tự nhiên. Mới đây tại xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, với sự hỗ trợ của địa phương và các tổ chức liên quan, người dân tự lập ra tổ quản lý để nuôi trữ, khai thác cá mùa nước nổi, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, có tổng diện tích 150ha gồm 160 thành viên.

Ông Phan Thanh Long (tổ trưởng tổ hợp tác số 8, xã Phú Lợi) cho biết: “Sau khi làm xong 2 vụ lúa là bắt cá giống về ương, sau đó thả ra đồng. Các thành viên trong tổ bảo vệ xuyên suốt mùa nước nổi, cấm người bên ngoài vào khu ô bao khai thác, nhất là theo kiểu đánh bắt tận diệt. Ngoài việc nuôi trữ, khâu khai thác cũng được tổ giám sát chặt chẽ từ đánh giá sản lượng cho đến giá bán ra, số tiền thu được sau mỗi lần khai thác. Cuối vụ chúng tôi sẽ tổng kết rồi đem chia lại cho các thành viên theo tỉ lệ nhất định đã được thống nhất từ trước”.

Người dân huyện đầu nguồn An Phú thu hoạch cá linh.

Theo ông Trần Phùng Hoàng Tuấn (Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang): Từ đầu năm đến nay đã phối hợp với đơn vị thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra 20 đợt liên quan đến đặt dớn, mắc lưới, sử dụng xung điện, sử dụng hóa chất… trong khai thác thủy sản. Qua đó phát hiện 10 trường hợp sử dụng xung điện, nhắc nhở 89 trường hợp, ban hành 10 quyết định xử phạt, với số tiền 89 triệu đồng.

Còn ông Trần Thanh Hiệp (Chánh thanh tra Sở NN&PTNT An Giang) cho biết: Để tăng cường hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT đã công bố số điện thoại, hộp thư điện tử để tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tình trạng người dân sử dụng xung điện, ngư cụ cấm, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản; việc khai khác, buôn bán, tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn.

Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia tố giác hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, Sở NN&PTNT đề nghị phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố triển khai tổ chức thông tin, tuyên truyền danh sách đường dây nóng trên Website của đơn vị. Qua đó, không chỉ kiểm soát liên tục các ngày làm việc mà còn thứ bảy, chủ nhật. Giải pháp căn cơ là thực hiện chính sách đào tạo nghề để người dân chuyển đổi việc làm.

Ngày 31-10-2020, tại khu vực bến phà Thuận Giang (xã Tân Trung, huyện Phú Tân), Sở NN&PTNT An Giang phối hợp Tổng cục Thủy sản, UBND huyện Phú Tân và Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo An Giang tổ chức lễ thả cá bản địa về thiên nhiên khu vực Vàm Nao. Lễ thả cá nhận được sự hưởng ứng tích cực của 146 tổ chức và 323 cá nhân. Đến thời điểm thả cá, Ban Tổ chức nhận được tổng kinh phí đóng góp gần 1,1 tỷ đồng. Trong đó Tổng cục Thủy sản hỗ trợ 16.000 con cá hô và bông lau, số lượng cá được thả tái tạo nguồn lợi là 18.730kg và 100.550 con cá giống đặc sản (quy ra tổng số lượng cá gần 1,12 triệu con). Theo Sở NN&PTNT An Giang, từ năm 2012-2019, đã phối hợp vận động thả 118,6 tấn cá giống về sông, với tổng số tiền quy đổi tương tương 5,8 tỷ đồng.

Nguyễn Nhân

Xem thêm: lmth.269401_gnuv-auc-nas-cad-ial-uig-ed-ig-mal-iouc-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Kỳ cuối: Làm gì để giữ lại đặc sản của vùng?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools