Nhà kho của một đại lý thiết bị nhà bếp cũ ở Yokohama những ngày này đang chất đầy hàng. Rất nhiều tủ lạnh, máy làm đá, lò nướng và bếp đã qua sử dụng. Các nhân viên tại đây liên tục phải thu dọn, tân trang lại các thiết bị và đồ nội thất nhà bếp trước khi bán lại ra thị trường.
Ông Takahito Tooyama - Giám đốc bộ phận bán hàng công ty Tenpos Busters cho biết: "Chúng tôi đang mua thêm nhiều thiết bị, dụng cụ nhà bếp hơn, vì vậy các trung tâm bảo trì trên toàn quốc đang hoạt động hết công suất để vệ sinh và sửa chữa chúng".
Theo ông Tooyama, số lượng thiết bị mà họ mua được từ các nhà hàng phải đóng cửa đã cao gấp hơn 2 lần so với năm 2019.
"Trong những năm bình thường, kho hàng của chúng tôi chẳng bao giờ đầy tràn sản phẩm như thế này. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà hàng phải đóng cửa do đại dịch COVID-19", ông Takahito Tooyama nói.
Ngành kinh doanh nhà hàng tại Nhật Bản khốn đốn vì đại dịch. (Ảnh minh họa: Nikkei)
Ông Yashiro Haga - người từng sở hữu một cửa hàng mỳ ramen là một trong những khách hàng của công ty Tenpos Busters. Sau 15 năm đứng bếp, người đàn ông này đã buộc phải đóng cửa hàng của mình tại Tokyo do tác động của đại dịch và bán lại các thiết bị làm bếp của mình với giá 165 USD.
"Giờ mọi thứ đã bán hết và cửa hàng trống không. Điều này khiến tôi rất buồn", ông Yashiro Haga - chủ nhà hàng đã đóng cửa nói.
Theo công ty nghiên cứu tín dụng Nhật Bản Teikoku Databank, 800 doanh nghiệp ở Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã phải tuyên bố phá sản trong giai đoạn từ tháng 2 đến giữa tháng 12.
Trong đó, ngành kinh doanh nhà hàng và quán bar bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 126 công ty ngừng hoạt động. Tuy nhiên, con số thực tế là cao hơn nhiều bởi các cửa hàng nhỏ không được đưa vào thống kê.
Các chuyên gia khuyến cáo, giới chủ nhà hàng nên tính đến chuyện đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Ảnh minh họa - Kyodo.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục khó khăn do các biện pháp giãn cách xã hội, các chuyên gia khuyến cáo, giới chủ nhà hàng nên tính đến chuyện đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.
"Cho đến nay, các chủ nhà hàng chủ yếu vẫn hoạt động ở các khu kinh doanh hoặc khu vực gần ga tàu điện ngầm. Nhưng số lượng người đi làm tại công sở đang dần sụt giảm do chính sách làm việc từ xa. Nếu vậy, một lựa chọn cho các chủ nhà hàng là mở cơ sở kinh doanh tại vùng ngoại ô", ông Shogo Maruyama - nhà phân tích kinh doanh tại Teikoku Databank nói.
Hiện các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản nhằm giúp doanh nghiệp tránh phá sản đã cho thấy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, nhưng chưa tác động nhiều đến ngành dịch vụ ăn uống.
Các chuyên gia lo ngại, nếu tình hình này không sớm được cải thiện, số doanh nghiệp và người lao động phải đối mặt với rủi ro sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.34752930142210202-hcid-iad-iv-nod-nohk-nab-tahn-iat-gnah-ahn-hnaod-hnik-hnagn/et-hnik/nv.vtv