Anh Hoàng Văn Tuyên (bìa trái) giờ có rất nhiều bạn tốt, kể cả những người nước ngoài - Ảnh: T.LÊ
Quán chay An Lạc của anh Hoàng Văn Tuyên (47 tuổi) nằm sâu trong tòa nhà cao tầng đường Trần Hưng Đạo, giáp ga Hà Nội, biển báo chỉ nhỏ như quyển sách.
Cái gốc chính là yêu thương, tha thứ.
Hoàng Văn Tuyên
Sợ chính mình trong quá khứ
Những nơi sang trọng, hiếm khi khách gặp được ông bà chủ. Nhưng ở An Lạc, người ta đều thấy giám đốc Tuyên ra vào cúi chào, sửa lại tấm thảm phẳng phiu, chan nước phở chay cho thực khách một cách khéo léo.
Tuyên hay trò chuyện triết lý nhân sinh của Đức Phật với giọng ấm áp truyền cảm cùng khách. Ai có nhân duyên, anh tặng sách giáo lý nhà Phật và sẵn sàng ngồi lắng nghe bất kỳ thực khách nào muốn giãi bày tâm sự. Trên tường treo câu triết lý nhà Phật: "Sống đạo đức không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sinh".
Nhân viên có những bạn rất trẻ, lại có cả người già đều mặc áo nâu nhẹ nhàng phục vụ. Họ hướng dẫn khách chỗ ngồi, lấy đồ ăn và tiếp thêm nếu khay đựng nào hết.
Hôm nay, chiếc bàn tròn gồm những vị khách thân quen lẫn khách mới của chủ quán. Một cựu đại tá công an về hưu, một bác sĩ bệnh viện lớn tại Hà Nội... Họ hẹn dùng cơm chay và cùng bàn Phật pháp.
"Nếu không gặp đạo của vị trưởng lão chân tu thì không biết giờ này tôi phiêu bạt phương nào, hay đang ngồi bóc lịch trong nhà đá cũng nên" - Tuyên cười nói, xoa xoa mái đầu đã xuống tóc. Anh trầm giọng tâm sự thêm: "Có cựu đại tá công an ở đây biết rõ hồi tôi làm ăn với "anh em xã hội" dưới Hạ Long (Quảng Ninh). Từng tuyên bố kẻ nào dám xưng danh vỗ ngực, vượt mặt thì chết với tôi, giờ nghĩ lại mà sợ chính mình ngày ấy!".
Cựu đại tá công an Lã Ngọc Tỉnh, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội, không ngạc nhiên với "chiến tích" của những tay "anh chị" băng đảng, kể cả Hoàng Văn Tuyên. Ông điềm tĩnh lắng nghe và chỉ tỏ ra vui vẻ khi nói về sự quay đầu lại là bờ, hoàn lương chính mình và giúp đỡ người khác của chủ quán này.
Xót xa thương mẹ!
Hồi tưởng quá khứ, Tuyên cho biết mình là con thứ 6 trong gia đình 8 anh em và là con trai duy nhất. Vùng quê Quảng Yên (Quảng Ninh) khi ấy vẫn nghèo, chưa phải thị xã sầm uất như ngày nay.
Trong gia đình, Tuyên được bố mẹ ưu tiên việc học và đều đạt bằng khen. Tuyên 17 tuổi, biến cố lớn xảy ra, bố anh bị ung thư vòm họng qua đời, đẩy gánh nặng gia đình sang đôi vai mẹ. Riêng anh bị khủng hoảng tâm lý vì không còn điểm tựa mạnh mẽ của người cha. Trong lúc đó, đám thanh niên làng cũng bắt đầu quấy phá.
"Ban đêm, chúng vác dao ra ruộng, cứ đè mấy củ su hào mẹ tôi trồng bửa làm đôi. Chúng còn khiến mấy chị em gái trong nhà không ai dám ra đường ban đêm vì sợ. Tôi uất, chỉ muốn học võ để cho bọn chúng một bài học" - Tuyên nhớ lại.
Rồi Tuyên bỏ học, vượt sông sang làng bên học lỏm võ. Phải học lỏm vì không có tiền và vì anh không muốn ai biết, đánh tiếng cho đám trai làng. Đồng thời, anh lấy bài thuốc gia truyền của mẹ đi chữa các bệnh đau ốm thông thường cho người trong vùng để có cái ăn và "xây dựng mối quan hệ".
Năm 23 tuổi, biết chắc có thể đánh nhau được, Tuyên "lì đòn" hơn. Đầu làng có quán rượu bọn thanh niên hư hỏng hay tụ tập, anh cứ mình trần, dép lê ngồi vắt vẻo ở quán từ sáng đến tối mịt. Kẻ nào ra oai là đánh, kẻ nào ngứa mắt đánh, kẻ nào hăng hái cũng… đánh, cuối cùng anh "khét tiếng" lúc nào không hay.
"Mẹ giục lấy vợ, tôi cưới rồi để ở nhà cho bà. Tôi cũng mở quán karaoke ở làng nhưng chỉ được thời gian chán lại bỏ nhà đi bụi" - Tuyên nhớ lại. Anh ra Bãi Cháy cùng bạn mở vũ trường, kẻ nào dám vỗ ngực xưng tên đều bị anh dẹp. Họ không đánh được thẳng mặt thì đánh lén, có lần anh bị đâm 7 nhát dao, sẹo quanh người. Anh giơ cánh tay đầy vết sẹo làm bằng chứng, sờ cằm cũng sẹo, phía nào quay đi tránh lưỡi dao, chỗ đó thành vệt sẹo trắng nhỡn.
"Nhưng rồi lần nào đi chơi về tôi cũng thấy mẹ ngồi ở cổng đợi mình - Tuyên xúc động kể - Mẹ chỉ nói đúng một câu quen thuộc mà tôi nhớ mãi: "Sao anh không đi thêm chút nữa, trời vẫn chưa sáng mà", nghe mãi rồi cũng quen, tôi chả thấm thía gì cả".
Chị em gái thấy Tuyên trượt dài, từng tìm thầy cho anh tu tập. Nhưng Tuyên lên núi được vài tháng lại lò mò xuống phố, uống rượu đánh nhau. Ở Hạ Long chán, anh hành tẩu lên Hà Nội, đi tới đâu anh kéo bè tới đó. Cuối cùng, nhóm "đóng quân" tại khu vực Thụy Khuê, Tây Hồ. Đêm đêm, họ ra chợ Đồng Xuân uống rượu và kiếm chuyện gây gổ, đánh nhau, đến nỗi người bán hàng ở đây cứ thấy nhóm Tuyên kéo đến thì ngán ngẩm.
"Đến một ngày mẹ tôi cũng mất vì ung thư - giọng anh chùng xuống - Tôi sốc, bỏ ăn, chỉ ngồi tụng kinh suốt mấy tháng và ước trở thành Mục Kiền Liên để cứu mẹ sống lại". Hình ảnh mẹ anh cứ hiện ra trước mắt anh. "Mẹ nuôi tám đứa con đã vất vả lắm rồi. Vậy mà đến lúc chơi xóc đĩa, có đôi hoa tai của mẹ, tôi cũng lừa để bán" - Tuyên đau như xé lòng, tự dằn vặt chính mình.
Hai năm sau ngày mẹ anh mất, anh chỉ đi tìm pháp tu. Anh theo các thầy sư từ Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và đến năm 2006 thì gặp được vị trưởng lão. "Thầy đã thỏa mãn điều tôi đang tìm kiếm, mà cái gốc chính là yêu thương, tha thứ" - Tuyên bùi ngùi kể những ngày mình quay đầu tìm sự thiện lương.
Sẹo đánh nhau trên tay vẫn còn, nhưng giờ anh Tuyên đã tránh xa con đường này - Ảnh: T.L.
Cần sống thiện tâm
"Ai cũng có cái tâm tốt, tâm xấu, tôi mong mọi người đến đây ăn uống, trò chuyện để đưa cái tâm ra bàn nhìn nhận. Tâm xấu thì mình diệt nó đi, tâm tốt thì phát triển nó lên, bớt khổ đau sẽ sống hạnh phúc" - Tuyên trầm ngâm giải thích thêm: "Mọi người thường nói có tâm lắm, vậy hỏi tâm là gì chẳng ai biết. Nói tôi sống có tâm chưa đủ, tôi sống thiện tâm mới đủ. Tâm tốt thường nằm ẩn sâu bên trong con người, gặp tình huống đặc biệt nó mới phát ra".
Nhớ lại ngày làm ở vũ trường, Tuyên từng đánh nhừ tử một kẻ lộng quyền, về sau anh nghĩ lại: "Rượu mình bán cho họ uống thì họ mới say, say rồi nói nhảm. Mình đánh họ đau như vậy thì gây đau khổ cho họ, mình cáu giận lại tự làm khổ mình. Đấy là lần cuối cùng tôi đánh người".
Võ sư Vũ Trường Giang, chủ nhiệm CLB Võ Đức thiếu lâm vịnh xuân quyền, Hạ Long, người bạn thời cơ hàn của anh, kể: "Những năm 1990, Tuyên vật lộn đủ nghề, từ thầy cúng, vũ công đám cưới, thợ đổ ghế ximăng, thợ ảnh. Có lúc rơi vào cảnh chị Dậu còn có chó mà bán, Tuyên thì không có gì. Vậy mà tôi nhớ lúc mình không còn tiền ăn, tài sản duy nhất của Tuyên là chiếc máy ảnh cũng dúi vào tay tôi, bảo mang đi cầm cố lấy tiền sống. Tôi ứa nước mắt".
Quán chay mở cửa được vài tháng thì có băng nhóm đến xin bảo kê, nhưng Tuyên vẫn bình tâm giải quyết nhẹ nhàng từng vấn đề. Trải nghiệm cuộc đời đủ để anh lấy sự tử tế hóa giải những cái đầu nóng và nắm đấm…
Quay đầu lại là bờ không bao giờ muộn với bất cứ ai.
Nhân từ với mình, với mọi người
"Khi còn ở Quảng Ninh, Tuyên là tay giang hồ khét tiếng đánh người. Giờ gặp Tuyên, tôi thấy sự thay đổi hoàn toàn, một con người hiền lành. Cái hay là Tuyên và vợ mình gieo duyên đó cho nhiều người khác để họ cũng thay đổi tốt lên như vậy" - cựu đại tá công an Lã Ngọc Tỉnh chia sẻ.
"Tôi thấy Tuyên thay đổi được như vậy rất cảm phục. Anh ấy hiểu về nhân quả, lý giải thông qua lời nói, việc làm, nhìn nhận từ gốc vấn đề. Từ một kẻ giang hồ thành một người nhân từ với chính mình và mọi người xung quanh" - TS.BS Dương Trọng Hiền, trưởng khoa phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chia sẻ.
TTO - Câu chuyện về Điểu Long có hai phần khác biệt: một Điểu Long "say sưa" kể về quá khứ… phá rừng ngày trước và một Điểu Long đầy tâm huyết về quyết định "gác kiếm" tham gia bảo vệ rừng để "trả tội thiên nhiên".
Xem thêm: mth.35045230142210202-ob-al-uad-yauq/nv.ertiout