Tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines: Kỳ vọng tương lai mới sau 3 năm
L.Nhi
Việc Quốc hội chấp thuận đề xuất của Chính phủ cho phép Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines vay 4.000 tỉ đồng lãi suất tái cấp vốn và phát hành thêm 8.000 tỉ đồng tăng vốn điều lệ cho các cổ đông hiện hữu sẽ là cơ hội cho hãng vượt qua khủng hoảng về dịch bệnh, tái cơ cấu toàn diện để tăng sức phát triển diện mạo mới.
Vietnam Airlines là một trong những hãng hàng không chịu ảnh hưởng đầu tại Việt Nam do tác động của dịch Covid-19. |
Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Trước khi Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam từ cuối tháng 2 năm nay, Vietnam Airlines đang ở giai đoạn phát triển kinh doanh tốt nhất kể từ khi thành lập. Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của HVN đạt 2.899 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2017, việc chi trả cổ tức được đảm bảo. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm nhanh từ mức 3,7 lần (2017) xuống 2,7 lần vào cuối năm 2019. Đến hết tháng 3-2020, Vietnam Airlines vẫn còn 3.500 tỉ đồng số dư tiền mặt.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thế giới và Vietnam Airlines, cũng như các hãng hàng không lớn ở châu Á và thế giới, bị ảnh hưởng đầu tiên và trực diện bởi thảm họa này. Hãng phải dừng các đường bay quốc tế từ đầu tháng 4 và tiếp tục dừng đến hết năm nay, trừ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam hồi hương. Mạng bay nội địa ban đầu bị phân bổ tần suất trung bình 3 chuyến/ ngày. Hầu như 80-90% số lượng tàu bay nằm sân như các hãng khác.
Từ tháng 5 và tháng 6, tính hình được cải thiện hơn chưa được bao lâu thì đợt dịch bùng phát trở lại cuối tháng 7 tại Đà Nẵng khiến cho Vietnam Airlines tiếp tục rơi vào tình trạng giảm tần suất và hủy chuyến trên các chặng nội địa. Doanh thu của hãng đến hết tháng 9-2020 đạt gần 23.000 tỉ đồng, chỉ bằng 41,7% so với năm trước và lỗ 10.750 tỉ đồng (bằng 70,8% lỗ kế hoạch năm).
Ông Trần Thanh Hiền, trưởng ban Tài chính Kế toán của hãng đã nhiều lần thông tin: “Nếu không được giải cứu, đến hết tháng 8-2020, Vietnam Airlines sẽ cạn kiệt dòng tiền”. Bởi ngoài chuyện dịch bệnh “công phá” dữ dội, khi đường bay nội địa phục hồi thì việc dư cung, thừa tải tại thị trường hàng không trong nước khiến các hãng đều chịu cuộc đua xuống đáy về doanh thu do giá vé giảm mạnh. Vietnam Airlines với 86,19% sở hữu vốn Nhà nước bị thâm hụt dòng tiền nghiêm trọng ở mức 7.358 tỉ đồng sau 9 tháng, chưa kể các khoản dư nợ đến hạn, ngắn hạn và dài hạn khó có khả năng chi trả.
Cuối cùng, Quốc hội đã cho phép Chính phủ thực hiện các giải pháp cứu Vietnam Airlines với tư cách cổ đông Nhà nước bằng biện pháp cho vay 4.000 tỉ đồng với lãi suất tái cấp vốn và cho phép phát hàng 8.000 tỉ đồng tăng vốn điều lệ, chỉ định Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước mua, để hỗ trợ thanh khoản, tái cấu trúc. Đây là “cái phao” để Vietnam Airlines có hy vọng phục hồi. Tuy nhiên, nếu không giải ngân được khoản tái cấp vốn nhanh chóng thì hãng vẫn cạn kiệt dòng tiền và áp lực trả nợ đến hạn, quá hạn gia tăng.
Sẽ có lãi trở lại từ 2023
Để chuẩn bị cho ĐHĐCĐ bất thường (dự kiến diễn ra vào ngày 29-12-2020) tới, Vietnam Airlines đã lên phương án phát hành 8.000 tỉ đồng để bổ sung vốn kinh doanh, giúp doanh nghiệp đảm bảo dòng tiền duy trì hoạt động, tránh rơi vào tình trạng mất thanh khoản và vượt qua khủng hoảng. Tại thời điểm Vietnam Airlines chốt sổ sách để lên phương án, giá cổ phiếu HVN trên sàn giao dịch chứng khoán đạt mức 27.000 đồng/cổ phần. Với việc phát hành này, vốn chủ sở hữu của hãng sẽ không giảm sâu mà ở mức 8.278 tỉ đồng (hết năm 2020) và 8.242 tỉ đồng (hết năm 2021). Số nợ trên vốn chủ sở hữu hết năm nay dự kiến ở mức 6,19 lần sẽ giảm xuống còn 5,22 lần (cuối 2021).
Theo dự báo, Vietnam Airlines sẽ có lãi trở lại vào năm 2023. |
Thực tế những con số tài chính tóm tắt trên sẽ không thể nói lên hết những khó khăn mà Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không nói chung phải đối mặt để vượt qua được thời điểm chưa từng có trong lịch sử này. Dù thị trường nội địa phục hồi thì phân khúc hàng không giá rẻ (LCC) vẫn mở rộng, đối thủ cạnh tranh nhiều hơn và khốc liệt hơn. Theo kịch bản khả quan được Vietnam Airlines dự tính, thị trường trong nước sẽ phục hồi từ năm 2022 (tương đương 2019) và nếu bi quan hơn thì khả năng phục hồi sẽ là 2023 mới trở lại như thời điểm 4 năm về trước. Dự báo sau Covid 19, tổng thị trường hàng không Việt Nam sẽ tăng trưởng 8%/năm (2023-2025) và 4% (2026-2035).
Như vậy, Vietnam Airlines vẫn dự báo sẽ lỗ trong 1-2 năm tới và cần thực hiện tái cơ cấu tài sản, danh mục đầu tư để cải thiện dòng tiền, gia tăng thu nhập, xóa lỗ lũy kế để từng bước phục hồi. “Dự kiến chúng tôi sẽ có lãi từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025”, một lãnh đạo Vietnam Airlines chia sẻ.
Theo đó, hãng sẽ tái cơ cấu lại tài sản và danh mục đầu tư, tái cơ cấu lại sở hữu vốn và tài chính, tái cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Việc triển khai các giải pháp phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu, bán một số tàu bay trên 12 tuổi và bán-cho thuê lại các tàu bay sở hữu nhằm trả hết nợ vay, giảm tổng tài sản theo hướng lành mạnh hơn để đảm bảo vốn chủ sở hữu và tài chính luôn ở mức an toàn. Vietnam Airlines cũng sẽ tái cơ cấu các danh mục đầu tư hiện có theo hướng thoái một phần hoặc toàn bộ tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao trong chuỗi cung ứng để gia tăng dòng tiền và thu nhập cho doanh nghiệp. Theo tính toán, nếu các việc nói trên được thực hiện theo đúng dự định thì các chỉ số tài chính sẽ dần được cải thiện và tiếp tục đi đến ổn định từ 2023, để hãng lại “sải cánh vươn cao” hơn nữa.