Nguồn tin của Nikkei Asia cho biết, yêu cầu này đang nhận các phản ứng mạnh từ nhà đầu tư. Ngoài ra, Grab cũng đang tìm kiếm một số điều khoản khác khi ra điều kiện cho việc sáp nhập, bao gồm trao cho ông Tan quyền biểu quyết khá lớn trong công ty, quyền phủ quyết đối với các quyết định của hội đồng quản trị cũng như có ảnh hưởng đến tổng thu nhập của chính mình.
Một nguồn tin riêng cho biết, các điều kiện như "ai được bổ nhiệm và theo điều kiện nào, CEO mới trong trường hợp Tan qua đời" cũng đang được thảo luận giữa hai công ty.
Các yêu cầu, nếu được chấp thuận sẽ mang lại cho Tan quyền lực đáng kể đối với thực thể được sáp nhập. Tuy nhiên, điều này đã làm dấy lên lo ngại của một số nhà đầu tư vì nó có thể khiến việc IPO công ty sau sáp nhập gặp trở ngại, do lo ngại về quản trị. Một số nhà đầu tư muốn nhanh chóng khởi động một đợt IPO của pháp nhân hợp nhất sau khi kết thúc một thỏa thuận.
Nikkei Asia cho biết, gần đây Grab đã tiến hành giải thích với các nhà đầu tư liên quan rằng, đề xuất của họ đã bị hiểu sai trong quá trình đàm phán. Và rằng pháp nhân sáp nhập sẽ được điều hành theo hướng tuân thủ các quy định về IPO.
Các công ty làm IPO gần đây có các cổ phiếu có quyền siêu biểu quyết sở hữu bởi nhà sáng lập, khiến họ có quyền lực lớn hơn. SoftBank - nhà đầu tư ủng hộ lớn nhất của Grab và Gojek đều từ chối bình luận về các yêu cầu của Grab.
Grab có thể dẫn đầu chi phối trong công ty sau sáp nhập vì được định giá cao hơn Gojek và hoạt động ở nhiều thị trường hơn. Một nguồn tin cho biết, trong khi các cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu, một bất đồng quan trọng là cơ cấu cổ phần của pháp nhân kết hợp. Gojek đã yêu cầu 40% cổ phần, tỷ lệ mà Grab tin rằng "về cơ bản là quá nhiều" do hãng này thấy mình đang ở trong tình trạng tài chính lành mạnh hơn, kể cả doanh thu, so với đối thủ Indonesia.
Grab và Gojek đã đàm phán sáp nhập trong gần một năm. Vài người trong số họ mong muốn chấm dứt sự cạnh tranh gay gắt khiến cả hai đốt hàng tỷ USD, đặc biệt là khi họ đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch khiến nhu cầu với mảng gọi xe cốt lõi bị ảnh hưởng.
Yêu cầu của Grab phản ánh chiến lược của SoftBank. Vision Fund đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào Grab và các phần trong danh mục dịch vụ gọi xe của họ. Uber Technologies và Didi Chuxing cũng là cổ đông của Grab.
SoftBank và Vision Fund đôi khi nắm cổ phần lớn trong các công ty nhưng để những người sáng lập duy trì quyền kiểm soát. Và trong khi việc huy động lượng vốn lớn có xu hướng làm loãng cổ phần sở hữu của người sáng lập, SoftBank cho phép các công ty đầu tư của mình vẫn nằm dưới sự kiểm soát của người sáng lập. Điều đó cũng bảo vệ công ty Nhật Bản khỏi việc gánh chịu các khoản nợ phải trả nếu khoản đầu tư trở nên khó khăn.
Nhưng việc trao quyền kiểm soát bất bình đẳng cho người sáng lập đã bị giám sát chặt chẽ khi WeWork, một khoản đầu tư lớn của SoftBank, cố gắng IPO vào năm ngoái. Ban đầu WeWork cho biết nhà đồng sáng lập Adam Neumann sẽ sở hữu cổ phiếu có quyền biểu quyết nhiều hơn 20 lần so với cổ phiếu phổ thông và vợ ông là Rebekah sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ định người kế vị nếu ông qua đời.
Vụ IPO cuối cùng đã sụp đổ, và sự sụt giảm mạnh về định giá của WeWork đã dẫn đến khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử của SoftBank. Neumann từ chức CEO nhưng sau đó đã kiện công ty Nhật Bản vì đã rút lại lời đề nghị mua lên tới 3 tỷ USD cổ phiếu WeWork từ ông và các cổ đông khác.
Theo một nguồn tin, các giám đốc điều hành SoftBank đang thảo luận với Tan về các điều khoản. Chưa rõ chi tiết về thỏa thuận cổ đông hiện tại giữa Grab và Vision Fund của SoftBank, đơn vị sở hữu cổ phần tại Grab. Các hồ sơ cho thấy một đơn vị SoftBank sở hữu 22% cổ phần của Grab Holdings nhưng không có quyền biểu quyết vào năm 2018. SoftBank sau đó đã chuyển nhượng cổ phần của mình cho Vision Fund.
Các nhà đầu tư đằng sau Grab và Gojek đang liên kết để tìm kiếm sự hợp nhất giữa hai công ty, nhưng bản thân các công ty vẫn tách biệt và thỏa thuận cuối cùng vẫn còn nhiều tháng nữa. Một số người cho biết cả hai công ty vẫn có thể rời bỏ thỏa thuận.
Ngay cả khi cả hai kỳ lân đồng ý hợp nhất, các vấn đề chống độc quyền chắc chắn sẽ xuất hiện. Thị trường quan trọng là Indonesia, nơi cả hai vẫn chiếm ưu thế trong cả dịch vụ đặt xe và giao hàng. Một quan chức cấp cao của chính phủ trước đó nói với Nikkei Asia rằng "chính phủ muốn duy trì sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai công ty để có sự cân bằng thị trường" và nếu một công ty thống lĩnh được thành lập, nó "có thể gây hại cho người tiêu dùng".
Phiên An (theo Nikkei)