Ngày 21/12, tại Hà Nội, Hội nghị Tổng kết Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội gia đoạn 2011-2020 và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể NHCSXH
Dự hội nghị có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; đồng chí Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Tuyên gáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đại diện các bộ, ban, ngành.
Về phía NHCSXH có đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH; đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN, Ủy viên Hội đồng quản trị NHCSXH; đồng chí Dương Quyết Thắng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NHCSXH; các đồng chí là Ủy viên Hội đồng quản trị NHCSXH, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo NHCSXH…
Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tín dụng chính sách xã hội là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” quan trọng của hệ thống các chính sách giảm nghèo
Khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội, nhận được sự quan tâm được sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH phát biểu tại hội nghị
Nhìn lại kết quả 10 năm triển khai Chiến lược phát triển NHCSXH, đồng chí Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm. Quy mô tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách tăng gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 235.661 tỷ đồng ước đến thời điểm 31/12/2020.
Để đạt được kết quả này, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm đến việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng đủ nguồn lực phục vụ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, dưới các hình thức, như: bố trí ngân sách Nhà nước (NSNN) cấp bổ sung vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các tổ chức tín dụng Nhà nước tiếp tục duy trì số dư tiền gửi bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước; tạo điều kiện phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh; ngân sách các địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay các chương trình tín dụng chính sách.
“Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đã góp phần phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 3,75% (năm 2019), dự kiến xuống dưới 3% (năm 2020)”, đồng chí Dương Quyết Thắng nhấn mạnh.
Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN, Ủy viên Hội đồng quản trị NHCSXH phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN khẳng định: Qua 10 năm (2011-2020) triển khai thực hiện Chiến lược phát triển, hoạt động của NHCSXH luôn đảm bảo ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước theo đúng mục tiêu, định hướng phát triển NHCSXH được đề ra. Các chương trình tín dụng chính sách đã bao phủ hầu khắp các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, NHNN đã triển khai công tác thanh tra, giám sát theo kế hoạch tại NHCSXH để kịp thời đánh giá tình hình hoạt động, rủi ro tiềm ẩn… và có các văn bản cảnh báo đối với hoạt động của NHCSXH; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị tại các kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, hằng năm, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH ban hành Chương trình kiểm tra giám sát của HĐQT, theo đó Phó Thống đốc NHNN và Vụ chuyên môn tham gia quá trình kiểm tra giám sát hoạt động của Ban đại diện HĐQT các cấp tại các địa phương được phân công.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, cùng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” quan trọng của hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2011-2020, vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, gần 3,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 2 triệu lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm…; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn dưới 4% (năm 2019). Từ 2016 đến nay tỷ lệ giảm nghèo luôn đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao hằng năm tại chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. NHCSXH đã thực sự trở thành công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020
Nhìn ở góc độ là cơ quan đánh giá về công tác an sinh xã hội, đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, hệ thống NHCSXH không ngừng phát triển, củng cố và hoàn thiện về mọi mặt. Các điểm giao dịch của NHCSXH có mặt ở tất cả các xã, thị trấn, trong cả nước, kể cả các xã khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Cùng với việc mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thì việc tăng trưởng tín dụng ngày càng lớn, quy mô, bài bản theo hướng xã hội hóa ngày càng cao. NHCSXH đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, là địa chỉ tin cậy cung cấp tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Với hàng triệu hội viên đang được hưởng thụ chính sách tín dụng ưu đãi của NHCSXH, đồng chí Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ câu chuyện ông xuống tận xã để chứng kiến hoạt động tại Điểm giao dịch tại xã của NHCSXH. Theo Chủ tịch Hộ Nông dân Việt Nam, hoạt động này là thành quả của việc đổi mới phương thức quản trị, điều hành, đổi mới chính sách của NHCSXH và đã mang lại lợi ích cho người dân. Trong 10 năm qua NHCSXH đã đóng góp đắc lực vào mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, phương thức ủy thác qua các đoàn thể chính trị - xã hội trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mà NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội đang thực hiện là cách làm sáng tạo, riêng có của Việt Nam, phù hợp với đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội đất nước nên đã phát huy tích cực hiệu quả sử dụng vốn của Ngân hàng. Các chương trình tín dụng chính sách làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dần sang sản xuất hàng hóa; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống dần sang ứng dụng khoa học công nghệ; từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Vì vậy, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 3,92 lần từ mức 9,15 triệu năm 2008 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,97% (năm 2015) xuống còn dưới 4% vào cuối năm 2019.
Toàn cảnh hội nghị
Đảm bảo tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững
Ghi nhận những kết quả của NHCSXH trong thời gian qua, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước khẳng định đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực của NHNN Việt Nam, NHCSXH và các ban, bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020, đặc biệt là sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch nước, trong thời gian tới, bên cạnh những thời cơ thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen, biến đổi khí hậu thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch COVID-19 còn có thể kéo dài đã và đang tác động sâu sắc đến đời sống của người dân, chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng miền địa phương có xu hướng giãn rộng, nhiều nơi kết quả giảm nghèo chưa bền vững tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao. Vì vậy, NHCSXH cần phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, tiếp tục phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững và đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội mà Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao cho trọng trách vinh dự này.
Phó Chủ tịch nước đề nghị, NHCSXH cần căn cứ kết quả thực hiện chiến lược phát triển của giai đoạn vừa qua các ý kiến đóng góp tại Hội nghị định hướng phát triển của đất nước ta trong 5 năm và 10 năm tới cũng như chiến lược phát triển ngành Ngân hàng để xây dựng chiến lược phát triển 10 năm tiếp theo, đảm bảo tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững về xây dựng nông thôn mới, cũng như phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh một số nội dung để NHCSXH nghiên cứu thực hiện như: Cần căn cứ kết quả thực hiện chiến lược phát triển của giai đoạn vừa qua các ý kiến đóng góp tại Hội nghị định hướng phát triển của đất nước ta trong 5 năm và 10 năm tới cũng như chiến lược phát triển ngành Ngân hàng để xây dựng chiến lược phát triển 10 năm tiếp theo, đảm bảo tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững về xây dựng nông thôn mới, cũng như phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư và Quyết định 401 của Thủ tướng Chính phủ và nội dung phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội của giai đoạn 2002 - 2017. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội thường xuyên rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện triển khai vay vốn được kịp thời đúng đối tượng và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phổ biến, tuyên truyền và phối hợp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng chính sách xã hội và các luật có liên quan để nhằm huy động quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, nghiên cứu, đề xuất tích hợp các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực tránh dàn trải và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về tín dụng chính sách xã hội.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn tinh gọn tổ chức bộ máy đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và người lao động nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động chủ động tham mưu, đề xuất chính sách tín dụng phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể về định mức, thời hạn đối tượng lãi suất cho vay, đồng thời quan tâm xử lý rủi ro và các vấn đề khác có liên quan, nhất là nghiên cứu phát triển các sản phẩm dịch vụ cơ bản và các dịch vụ mới nhằm hỗ trợ đem lại nhiều tiện ích phù hợp với đối tượng khách hàng.
Thay mặt toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của NHCSXH, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đối với hoạt động của NHCSXH. NHCSXH thật vinh dự và tự hào khi được đón nhận danh hiệu Anh Hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đây là nguồn động viên to lớn, là nguồn cổ vũ tinh thần đối với tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động của Ngân hàng.
“Chúng tôi nguyện đem hết sức mình để cống hiến, cố gắng trong những chặn đường tiếp theo để đóng góp vào công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Thống đốc nhấn mạnh.
NN
Xem thêm: 512624VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www