Bộ Công thương vừa chia sẻ những tín hiệu tích cực của ngành bán hàng đa cấp từ góc nhìn của cơ quan quản lý.
Theo đó, trong những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam được đánh giá đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Từ diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tới trật tự xã hội vào những năm 2016 trở về trước, đến nay, hoạt động bán hàng đa cấp đã và đang từng bước ổn định, không còn các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, doanh thu ngành tăng đều và các doanh nghiệp có những đóng góp nhất định vào ngân sách nhà nước.
Một trong những điểm đáng lưu ý về mô hình kinh doanh đa cấp là sự thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém, vi phạm nghiêm trọng.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2019, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam có xu hướng giảm mạnh từ 67 doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm 2015, xuống chỉ còn 26 doanh nghiệp vào cuối năm 2019. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn này, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp giảm khoảng 23,7%.
Đến nay, cả nước chỉ còn 21 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và đang hoạt động.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê, doanh thu ngành bán hàng đa cấp tăng trưởng đều.
Số liệu thống kê về doanh thu bán hàng đa cấp tại Việt Nam giai đoạn 2015 – 2019 cho thấy xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 16,9%, thuộc top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về doanh thu bán hàng đa cấp mạnh mẽ nhất thế giới.
"Tỷ lệ nghịch giữa tăng trưởng doanh thu bán hàng đa cấp và biến động số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên thị trường đã phần nào phản ánh được sự phát triển dần đi vào chiều sâu và chất lượng của lĩnh vực bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong thời gian vừa qua", Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương cho biết.
"Có thể thấy, các quy định ngày càng chặt chẽ vừa giúp cơ quan nhà nước loại bỏ các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính nhưng cũng đồng thời giúp củng cố vị trí của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính trên thị trường, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành kinh doanh bán hàng đa cấp tại thị trường Việt Nam".
Bên cạnh các con số thống kê ấn tượng, không thể không nhắc đến nỗ lực của Bộ Công Thương trong công tác tuyên truyền tới người dân về pháp luật quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, các dấu hiệu nhận biết bán hàng đa cấp trái phép, các hành vi bán hàng đa cấp bất chính, cảnh báo kịp thời các mô hình kinh doanh mới xuất hiện trên thị trường có dấu hiệu lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp để trục lợi, lừa đảo người dân…
Theo Bộ Công thương, 8 dấu hiệu để nhận diện một đa cấp lừa đảo gồm:
- Người bán hàng thường yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của DN bán hàng đa cấp;
- Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu 90% mức đã bán;
- Cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới;
- Cung cấp các thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp;
- Lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia;
- Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng;
- Không quan tâm tới hàng hóa, hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường;
- Buộc và hối thúc người tham gia mua hàng mặc dù biết hàng có nhiều khả năng không bán được.
Bình An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị