Doanh nghiệp giữ giá thịt heo ổn định dịp Tết
Vũ Yến
(TBKTSG Online) - Đến thời điểm này, nhiều tỉnh thành ở khu vực phía Nam đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Một trong những mặt hàng quan trọng và thiết yếu dịp Tết là thịt heo, theo khẳng định của một số đơn vị bán lẻ, sẽ khó có khả năng tăng giá, do việc tái đàn heo đã ổn định và nguồn hàng nhập khẩu dồi dào.
Các doanh nghiệp cung ứng và phân phối thịt heo khẳng định giữ giá bình ổn trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo ghi nhận từ các sở công thương một số tỉnh thành phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn tất kế hoạch sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hoá thiết yếu để phục vụ cho nhu cầu mua sắm trong dịp Tết sắp đến.
Tại TPHCM, Sở Công Thương Thành phố từ tháng 11 đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các ngành, quận huyện, 13 doanh nghiệp và 12 siêu thị trên địa bàn về kế hoạch chuẩn bị sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hoá thiết yếu cho hai tháng Tết Tân Sửu .
Theo đó, nguồn hàng Tết dự trữ theo kế hoạch đạt hơn 19.600 tỉ đồng, tăng 3,43% so với Tết 2020, riêng nguồn hàng bình ổn thị trường hơn 7.100 tỉ đồng. Lượng hàng hoá chuẩn bị tăng đến 17,3% so với kế hoạch thành phố giao.
Nhiều nhóm hàng chuẩn bị đủ số lượng và chi phối nhu cầu thị trường từ 22-54,5%, như gạo 3.943,2 tấn, thịt gia súc hơn 5.594,4 tấn, thịt gia cầm hơn 7.4800 tấn, trứng gia cầm 67,9 triệu quả; Trong hai tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu, các doanh nghiệp và siêu thị tham gia bình ổn thị trường dự kiến chi 1.711 tỷ đồng để cung cấp hàng hoá cho thị trường.
Ngày 23-12, Ban kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi khảo sát chuẩn bị nguồn hàng tết tại Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) và Tổng công ty thương mại Sài Gòn-TNHH một thành viên (Satra).
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó tổng giám đốc Satra cho biết, Satra và các doanh nghiệp thành viên sẽ cung ứng sản lượng hàng hóa bình ổn thị trường trong tháng Tết Tân Sửu là 1.690,7 tấn và 3 tháng Tết (tháng Tết, tháng trước Tết và tháng sau Tết) là 5.072,1 tấn hàng hóa. Khả năng cung ứng một tháng hàng bình ổn thị trường Tết Tân Sửu là 2.421,48 tấn, tăng 63% so với tháng thường (1.482.8 tấn) và tăng 43% so với so với kế hoạch đăng ký với thành phố (1.690,7 tấn), tương ứng số vốn 277 tỉ đồng.
Về mặt hàng thịt heo, ông Khoa cho biết, Satra sẽ cung ứng gần 2.200 tấn và khẳng định giữ giá bình ổn. Theo ông, việc tái đàn đến nay đã ổn cộng vớ nguồn hàng đông lạnh nhập về nhiều nên giá thịt heo nóng khó tăng giá.
Về thời gian hoạt động ông Khoa thông tin năm nay siêu thị, trung tâm thương mại thuộc Satra sẽ tăng thời gian phục vụ từ 3-4 giờ so với ngày thường. Ngày 25 tháng Chạp Âm lịch mở cửa từ 7 giờ sáng đến 23 giờ, từ 26 đến 29 tháng Chạp mở cửa từ 6 giờ sáng đến 24 giờ. Riêng ngày 30 mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa.
Về phía chợ đầu mối nông sản thực phẩm, theo báo cáo của Giám đốc chợ Trần Thúy Liên, sản lượng hàng hóa nhập chợ trong 10 đêm cận Tết dự kiến có thể tăng bình quân với mức 20% đến 25% so với ngày thường, đặc biệt trong đêm cao điểm nhất (dự kiến 27 và 28 tháng Chạp) sản lượng có thể tăng từ 50% đến 70%, đạt khoảng 3.500 đến 4.000 tấn/đêm.
Ông Nguyễn Vũ Toàn, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, dưới ảnh hưởng dịch Covid-19, hạn hán, lũ lụt tại nhiều khu vực trên cả nước, thị trường Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm nay dự báo sẽ gặp một chút khó khăn do khách hàng có xu hướng cắt giảm chi tiêu, tuy nhiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu không giảm. Bên cạnh đó, nhờ vào công tác kiểm soát dịch Covid-19 trong nước khá tốt, các thông tin tích cực về vaccine… nên các nhà bán lẻ kỳ vọng tình hình thị trường sẽ dần được cải thiện hơn.
Theo đó, Saigon Co.op cam kết thực hiện đúng kế hoạch cung ứng hàng hóa, giữ ổn định giá trong 3 tháng trước, trong và sau Tết, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của khách hàng trong dịp cao điểm cuối năm 2020 và Tết Tân Sửu 2021.
Tổng trữ lượng hàng hóa của Saigon Co.op gồm hàng bình ổn tết tăng từ 15%- 30% so với cùng kỳ và tùy ngành hàng và chủ yếu là nhóm thực phẩm tươi sống, các mặt hàng thiết yếu, hàng đặc trưng tết. Hàng hoá bình ổn đảm bảo cung ứng trong ba tháng trước, trong và sau tết.
Việc kiểm soát chất lượng hàng hoá được Saigon Co.op thực hiện thường xuyên trong năm. Tuy nhiên, cao điểm tết đơn vị chú trọng hơn bằng cách tăng tần suất kiểm soát, tăng kiểm tra đột xuất nhiều hơn không chỉ ở điểm bán mà tại vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói sản xuất của các nhà cung ứng.
Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND, cho biết do ảnh hưởng của dịch, dự báo sức mua thấp nhưng ông đánh giá cao công tác chuẩn bị nguồn hàng từ các đơn vị. Đặc biệt, trong tình hình dịch các đơn vị có các kịch bản ứng phó đảm bảo cung ứng cho thị trường.
Ông Phước lưu ý các đơn vị cần có giải pháp phòng chống dịch phù hợp. Việc bán hàng lưu động cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để có địa điểm phù hợp với nhu cầu, thời gian mua sắm của người dân địa phương. Đồng thời, theo ông Phước các đơn vị cần tăng cường tần suất kiểm tra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Không nằm trong buổi kiểm tra của Hội đồng nhân dân TPHCM, nhưng đại diện của Công ty Cổ phần Masan MeatLife cũng cho biết công ty đã tăng cường công suất hai tổ hợp chế biến để đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt Tết này. Theo đó, sản lượng dịp Tết Nguyên đán tăng 10 lần so với sản lượng sản xuất thông thường do có những dòng sản phẩm mới.
Cụ thể, sản lượng thịt tươi là 1577 tấn, thịt chế biến là 280 tấn (giò chả 80 tấn, xúc xích 200 tấn). Mức giá của thịt MeatDeli là giảm 10% tại kênh siêu thị và hệ thống phân phối của MeatDeli.
Mời đọc thêm:
Xem thêm: lmth.tet-pid-hnid-no-oeh-tiht-aig-uig-peihgn-hnaod/770213/nv.semitnogiaseht.www