Nhiều năm qua Formosa Hà Tĩnh kinh doanh thua lỗ - Ảnh: B.N.
Quá nửa doanh nghiệp FDI thua lỗ
Doanh thu của 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2019 được ghi nhận khoảng 846.800 tỉ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm nước. Như vậy, doanh thu của các doanh nghiệp FDI báo lỗ đang tiếp tục tăng lên.
Các nhóm ngành hai năm liền có số doanh nghiệp FDI lỗ trước và sau thuế tăng là sản xuất sắt, thép và kim loại khác; dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa dầu; viễn thông, phần mềm.
Về doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế nhiều năm trên báo cáo tài chính, Bộ Tài chính cho biết đến hết năm 2019 có 14.822 doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế, chiếm 66% doanh nghiệp báo cáo.
Tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI trên báo cáo tài chính khoảng 520.700 tỉ đồng.
Số doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn trong năm 2019 là 3.545 doanh nghiệp, tăng 24,2% cùng kỳ năm trước.
Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do Bộ Tài chính thực hiện mới đây ghi nhận đến cuối năm 2019 có 25.054 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 22.603 doanh nghiệp có dữ liệu báo cáo tài chính đầy đủ để phân tích.
Doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp FDI theo báo cáo đạt hơn 7,1 triệu tỉ đồng, tăng hơn 720 ngàn tỉ so với năm kế trước.
Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của doanh nghiệp FDI đạt khoảng 387.000 tỉ đồng, tăng hơn 29.400 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp FDI trong năm 2019 khoảng 324.400 tỉ đồng, tăng 19.500 tỉ đồng, so với năm 2018.
TP.HCM dẫn đầu về thu hút vốn FDI
Trong năm 2019, có 9.494 doanh nghiệp FDI báo lãi, chiếm tỉ lệ 45% số doanh nghiệp có báo cáo. Giá trị lãi của các doanh nghiệp FDI được ghi nhận khoảng 518.500 tỉ đồng, tăng 18% so với năm trước.
Nhóm ngành đầu tư FDI có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh là sản xuất, phân phối, kinh doanh điện tăng 96,1%, dịch vụ khác tăng 211,8%.
Các doanh nghiệp FDI đang đầu tư vào 29 lĩnh vực khác nhau, trong đó 6 lĩnh vực đầu tư lớn chiếm gần 70% tổng doanh thu của khu vực FDI. Cụ thể, lĩnh vực linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị quang học chiếm 32,2% doanh thu; dệt, may, da giầy chiếm 11,4% doanh thu.
Lĩnh vực thương mại, bán buôn, bán lẻ chiếm 6,8% doanh thu; hóa chất, nhựa, mỹ phẩm chiếm 5,4% doanh thu; sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, động cơ khác chiếm 5,2% doanh thu; công nghiệp chế biến thực phẩm, rượu bia, nước giải khát và đồ uống khác chiếm 5,1% doanh thu.
Sáu địa phương thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước là TP.HCM, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. TP.HCM là địa phương thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước, giá trị tài sản các doanh nghiệp FDI đầu tư vào thành phố ước đạt hơn 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm 23,6% vốn đầu tư FDI của cả nước.
Điều đáng lưu ý được nêu ra trong báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp FDI là xét theo vùng lãnh thổ thì nhóm doanh nghiệp FDI đến từ châu Âu có khả năng sinh lời cao nhất; nhóm doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, British VirginIsland có mức sinh lời hợp lý.
Hai quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong tốp 10 nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam là Hồng Kông, Trung Quốc có khả năng sinh lời thấp.
Năm 2019, các doanh nghiệp FDI nộp khoảng 210.234 tỉ đồng tiền thuế, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI đạt 323,8 tỉ USD, xuất siêu 34,6 tỉ USD.
Xem thêm: mth.43310102152210202-gnod-it-004-131-nert-ol-oab-idf-peihgn-hnaod-004-21-noh/nv.ertiout