Sáng 25-12, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới trên địa bàn TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã dành nhiều thời gian nói về lực lượng công an TP, cũng như các giải pháp để trấn áp tội phạm, nhất là vào dịp Tết đang cận kề để người dân được bình yên và an toàn.
Theo ông Nên, cảnh sát hình sự là lực lượng chủ công trong phòng chống tội phạm, được ví như hàng tiền đạo trong đội bóng. Những chiến sĩ công an trước hết phải có lòng yêu nghề, đam mê, bản lĩnh, mưu trí và có lòng trắc ẩn. Còn nếu thiếu bản lĩnh, đam mê, chùn bước thì nên đi làm việc khác.
“Phòng chống tội phạm là phải có máu. Nghe người ta báo tội phạm đang gây án mà mình chần chừ, sợ đến sớm thì đụng chạm là không được rồi. Phải máu lên, nghe là phải có mặt, như vậy mới làm cho người dân tin tưởng” – ông Nên nói.
Do vậy, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ trong xây dựng lực lượng công an TP và công an các cấp để hạn chế sai phạm, làm cho đội ngũ trong sạch, liêm khiết.
“Nếu có ai chưa vượt qua chính mình, thấy chưa thật sự trong sạch thì phải trui rèn, đừng để phát sinh những tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…” – ông nói và cho rằng cần phải kịp thời giáo dục, xử lý các sai phạm.
Đối với phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, ông cho rằng phải đảm bảo được an toàn cho người dân. Ông nói: “Đừng để người dân phải ra tay một mình mà không có lực lượng chức năng. Phải làm cách nào để cho người dân mọi lúc mọi nơi thật sự là tai mắt của lực lượng chức năng”.
Ông cho rằng phải làm sao để người dân phát hiện thì báo động, truyền tin nhanh nhất đến ngay nơi có lực lượng phản ứng nhanh, phải có một hệ thống báo động, hệ thống thông tin như để có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Phải trang bị kiến thức thông tin, phương tiện cần thiết cho những người hỗ trợ lực lượng chức năng. Ông cho rằng đây là vấn đề khó nhưng phải làm được.
Trong phòng chống tội phạm, ông cho rằng phải hạn chế nguyên nhân phát sinh tội phạm, vừa nghiêm khắc trừng trị nhưng phải gắn với thuyết phục, cảm hóa tội phạm.
“Tội phạm trước hết là con người, không có người mẹ nào sinh con ra lại muốn con mình thành tội phạm, nhưng do nhiều nguyên nhân để người ta trở thành tội phạm. Nên người làm công tác này phải có lòng trắc ẩn để chia sẻ người thân, cảm hóa đối tượng để họ vượt qua chính mình” – ông Nên lưu ý.
(PLO)- Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội trên địa bàn TP.HCM có xu hướng ngày càng trẻ và khuynh hướng sử dụng bạo lực, liều lĩnh và vụ lợi.