Luật sư tư vấn
Theo khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai, thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất. Mỗi người được cấp một giấy chứng nhận. Trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một giấy và trao cho người đại diện.
Như vậy, pháp luật có ghi nhận trường hợp sở hữu chung với tài sản là đất đai, nhà ở và cho phép nhiều người cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất khi mua đất chung là liên quan việc khai thác quyền sử dụng đất hoặc khi định đoạt quyền sử dụng đất. Đây là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất nên khi muốn chuyển quyền sử dụng hoặc sử dụng vào các mục đích khác với thỏa thuận, người có nhu cầu phải được sự đồng ý của những người góp vốn khác. Nếu không thể thống nhất được, những người này bắt buộc phải khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết, phân chia tài sản chung.
Để hạn chế rủi ro khi mua chung bất động sản, các bên phải thỏa thuận rõ ràng bằng văn bản. Trong đó, nội dung cần được nêu rõ trong thỏa thuận gồm: các vấn đề về quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung; phần đóng góp, tỷ lệ sở hữu của mỗi bên. Nếu chỉ để một người đại diện phải có văn bản thỏa thuận về việc này. Văn bản thỏa thuận cần được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Xem thêm: lmth.7301124-ig-or-iur-pag-eht-oc-tad-gnuhc-aum-neit-pog/ten.sserpxenv