Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên tàu INS Kiltan theo thông lệ quốc tế - Ảnh: BẢO DUY
Theo thông cáo của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam ngày 24-12, tàu INS Kiltan sẽ dừng kỹ thuật tại cảng Nhà Rồng, TP.HCM từ ngày 24 đến ngày 26-12-2020. Các lô hàng viện trợ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt sẽ được bàn giao cho Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai của Việt Nam.
"Sự hỗ trợ này phản ánh mối liên kết sâu sắc giữa nhân dân hai nước với nhau trong khó khăn", thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh.
Tờ Hindustan Times của Ấn Độ ngày 25-12 cho biết sau khi bốc dỡ hàng hóa, INS Kiltan sẽ tiến hành diễn tập trên Biển Đông với Hải quân Việt Nam từ ngày 26 đến 27-12.
Cũng theo thông cáo của phía Ấn Độ, INS Kiltan là một phần trong "Mission Sagar-III" - một sứ mệnh của New Delhi nhằm hỗ trợ nhân đạo cho các nước gần gũi với Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Chuyến thăm của INS Kiltan diễn ra chỉ vài ngày sau Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ.
Cuộc hội đàm ngày 21-12 thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông Ấn Độ và giới quan sát chính trị. Kết thúc hội đàm, hai bên đã ký kết 7 văn kiện và công bố 3 chương trình hợp tác trong các lĩnh vực lĩnh vực quốc phòng, hạt nhân dân sự, dầu khí, năng lượng sạch...
Lễ đón tàu INS Kiltan ngày 24-12 - Ảnh: Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam
Dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã triển khai "Tầm nhìn SAGAR" - viết tắt của chữ Security and Growth for All in the region (tạm dịch là: Tầm nhìn đảm bảo an ninh và phát triển cho tất cả các quốc gia trong khu vực).
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, tầm nhìn này hướng tới việc xây dựng hình ảnh Ấn Độ là một đối tác tin cậy, Hải quân Ấn Độ là một lực lượng bảo vệ an ninh và phản ứng đầu tiên trước các biến cố trong khu vực.
Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam khẳng định "hợp tác quốc phòng là một phần quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Hải quân Ấn Độ có tương tác sâu rộng với Hải quân nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và hỗ trợ hậu cần nhằm nâng cao năng lực".
Ấn Độ đã cấp khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD để đóng 12 tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam với chiếc đầu tiên đã hoàn tất và dự kiến sẽ sớm bàn giao.
Sĩ quan tàu INS Kiltan trong lễ đón tại TP Hồ Chí Minh ngày 24-12. Thủy thủ đoàn của INS Kiltan gồm 190 người, trong đó có hơn 10 sĩ quan chỉ huy - Ảnh: Hải quân Ấn Độ
Tàu hộ vệ INS Kiltan thuộc lớp tàu Kamorta do Ấn Độ tự đóng trong nước. Tàu có lượng choán nước đầy tải 3.300 tấn, dài 109m, rộng 13,7m. Nhiệm vụ chủ yếu của lớp tàu Kamorta là chống tàu ngầm và săn tàu ngầm - Ảnh: BẢO DUY
INS Kiltan là tàu thứ 3 thuộc lớp Kamorta, được hạ thủy vào năm 2013 và gia nhập Hải quân Ấn Độ năm 2017 - Ảnh: BẢO DUY
Cận cảnh pháo hạm 76mm trên tàu INS Kiltan - Ảnh: BẢO DUY
Do được thiết kế cho nhiệm vụ săn ngầm và chống ngầm, INS Kiltan được trang bị hai bệ phóng rocket chống ngầm RBU-6000. Mỗi hệ thống này có 12 ống phóng, có thể bắn đạn chống ngầm RGB-60 có đầu đạn nặng 25kg, độ sâu hoạt động lên tới 500m. Trong ảnh: thủy thủ trên tàu INS Kiltan xem xét hệ thống chống ngầm trên tàu - Ảnh: BẢO DUY
Ngoài RBU-6000, tàu INS Kiltan còn được vũ trang bằng ngư lôi hạng nặng 533mm và trực thăng săn ngầm Ka-28 hoặc HAL Dhruv - Ảnh: Hải quân Ấn Độ
Cận cảnh hệ thống phòng thủ tầm cực gần AK-630 (trái) và rađa điều khiển hỏa lực ở phía đuôi tàu. Do đang neo đậu nên hệ thống AK-630 được phủ bạt giống như bệ pháo chính ở mũi tàu - Ảnh: BẢO DUY
INS Kiltan dự kiến có cuộc diễn tập với Hải quân nhân dân Việt Nam tại một địa điểm chưa xác định trên Biển Đông sau khi rời TP.HCM - Ảnh: BẢO DUY
TTO - Hải quân Ấn Độ đã bí mật triển khai một tàu chiến tới Biển Đông sau vụ đụng độ với Trung Quốc ở biên giới đất liền khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hồi tháng 6, theo truyền thông Ấn Độ.