Chiều cùng ngày, HĐXX Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với Lê Xuân Giang – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt và các đồng phạm.
Giang cùng 6 bị cáo bị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội xét xử với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Sau nghị án, HĐXX quyết định tuyên phạt Lê Xuân Giang án chung thân. Các bị cáo khác lần lượt bị tuyên từ 13 đến 18 năm tù.
Đáng chú ý, theo HĐXX, quá trình điều tra và tại phiên tòa cho thấy, để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này, Lê Xuân Giang và các đồng phạm còn được sự giúp sức đặc biệt tích cực của nhiều cá nhân khác.
Tòa sơ thẩm kiến nghị cơ quan liên quan điều tra, làm rõ hành vi làm giả giấy tờ, cụ thể là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ của nhà sư Phạm Văn Út.
Như Trần Thị Yến (người sống như vợ chồng với Lê Xuân Giang), Lê Thanh Tùng (cựu Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc phụ trách chi nhánh Công ty Liên Kết Việt miền Nam), Đào Văn Điện (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty BQP); một số cá nhân nguyên là sỹ quan, quân đội; các cá nhân khác là lãnh đạo, nhân viên Công ty BQP, Công ty Liên Kết Việt; các trưởng đại lý chi nhánh, văn phòng đại diện.
Hành vi của những người này có dấu hiệu đồng phạm với Lê Xuân Giang và các bị cáo khác.
Đặc biệt là hành vi của nhà sư Phạm Văn Út (hiệu đạo là Thích Phước Từ), có dấu hiệu cấu thành tội phạm "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức", quy định tại điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Vụ án đã nhiều lần bị trả hồ sơ để điều tra, làm rõ nhưng không làm rõ được những yêu cầu trên.
HĐXX sơ thẩm đồng tình với quan điểm của luật sư, kiến nghị tới Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục xem xét hành vi của những người nêu trên, nếu đủ căn cứ thì xem xét xử lý nghiêm minh trước pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, không có vùng cấm trong xử lý các vi phạm pháp luật.
Về hành vi làm giả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, nhằm tạo lòng tin cho các bị hại về hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt, tháng 10/2014, Lê Xuân Giang gặp nhà sư Phạm Văn Út, tu tại chùa Linh Sơn (TP.HCM), đặt nhà sư này làm giả các quyết định, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng: Công ty Liên Kết Việt, Công ty BQP, một số cá nhân của công ty và một số trưởng chi nhánh, văn phòng đại diện của Công ty Liên Kết Việt như Lê Xuân Giang, Lê Văn Tú, Lê Thanh Tùng, Đào Văn Điện, Nguyễn Thị Thủy, Lê Văn Tiệp…
Chúng còn làm bằng khen giả của Chủ tịch UBND TP.HCM tặng chi nhánh Công ty Liên Kết Việt tại TP.HCM.
Sau khi Út làm xong các quyết định và bằng khen giả nói trên, Lê Xuân Giang đã chỉ đạo Lê Văn Tú và các bị can trong nhóm ekip lên chương trình, tổ chức đón nhận rầm rộ tại các buổi tôn vinh, trả hoa hồng cho nhà phân phối.
Việc này nhằm khuếch trương hình ảnh, đánh lừa các nhà phân phối nhầm tưởng Công ty Liên Kết Việt là công ty kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận cao, có nhiều đóng góp với Nhà nước nên được lãnh đạo Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, ghi nhận và khen tặng.