Ngô Thanh Xuân đã bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên án chung thân về tội giết người tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23-8-2019.
Tuy nhiên, mới đây xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận kháng cáo của gia đình bị hại, tăng án lên tử hình đối với Xuân.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 23-8-2019. Ảnh: TAND TỈNH BÌNH THUẬN
Khoảng 18 giờ 30 ngày 9-1-2019, Xuân nhậu với vài người ở thôn 1, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Trong lúc uống rượu, bạn của Xuân gọi điện thoại đến. Xuân nghe xong thì đập điện thoại xuống bàn.
Sau đó, mâu thuẫn xảy ra giữa Xuân và những người nhậu chung liên quan đến việc “đập điện thoại”. Xuân dùng dao đâm vào ngực hai người khiến họ mất mạng sau đó.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị giữ nguyên án chung thân vì bị hại có một phần lỗi.
Tuy nhiên, quan điểm này đã bị HĐXX phúc thẩm bác bỏ. Theo cấp phúc thẩm, Xuân sử dụng dao bấm bằng kim loại mũi nhọn, đâm vào ngực là nơi trọng yếu trên cơ thể người, cùng một lúc giết chết hai người.
Trước đó, bị hại có mâu thuẫn, cãi nhau và đánh bị cáo để trả thù nhưng đã được can ngăn. Bị hại đang dắt xe ra về, dù bị hại có lời nói xúc phạm, thách thức bị cáo thì cũng không coi là trái pháp luật nghiêm trọng để bị cáo chủ động cầm dao chạy đến đâm chết. Hành vi của bị cáo thể hiện tính côn đồ, xem thường pháp luật.
Tòa sơ thẩm xác định bị hại cũng có lỗi là không có căn cứ vì không phù hợp với lời khai của nhân chứng, biên bản truy tìm vật chứng không có đoạn cây bị hại dùng để đánh bị cáo và biên bản khám nghiệm hiện trường.
Theo tòa phúc thẩm, hành vi và hậu quả bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, cần loại bỏ bị cáo vĩnh viễn ngoài đời sống xã hội.
Về nhân thân, năm 2006 Xuân đã bị TAND TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk phạt 11 năm tù về tội chiếm đoạt chất ma túy và mua bán trái phép chất ma túy.
Ngày 1-9-2018, Xuân bị Công an TP Thủ Dầu Một, Bình Dương khởi tố tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ. Trong thời gian được tại ngoại điều tra, Xuân tiếp tục phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Theo tòa phúc thẩm, với hành vi phạm tội và nhân thân như vậy, dù bị hại có một phần lỗi như nhận định của tòa sơ thẩm thì bị cáo cũng thuộc đối tượng rất nguy hiểm cho xã hội, khó cải tạo, khó giáo dục.
(PLO)- HĐXX phúc thẩm nhận định sau khi đâm, bị cáo tri hô cho mọi người đến đưa bị hại đi cấp cứu không phải là tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi giết người như bản án sơ thẩm đã xét xử