Sáng 26-12, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM đã phối hợp với Học viện Thanh Thiếu niên Việt nam tổ chức hội thảo “giáo dục hướng nghệp, khởi nghiệp cho học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay”.
Học sinh sau THCS vào học nghề còn thấp
Thông tin về công tác phân luồng, hướng nghiệp sau THCS, TS Nguyễn Đặng An Long, Chánh Văn phòng Đảng Uỷ, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết từ năm 2009, TP đã tổ chức ngày hội tại từng khu vực quận, huyện, từng trường phổ thông và phối hợp với các cơ quan truyền thông để tổ chức các ngày hội hướng nghiệp trên địa bàn
100% trường THCS trên địa bàn thành phố có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, có giáo viên tư vấn hướng nghiệp. Hằng năm tổ chức ngày hội tư vấn, phân luồng học sinh, thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động, kết nối các trường phổ thông ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn để định hướng phân luồng học sinh.
TS Nguyễn Đăng An Long, Chánh Văn phòng Đảng Uỷ, Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ tham luận tại Hội thảo sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn được định hướng vào 4 con đường chính là: Học tiếp lên THPT công lập hoặc ngoài công lập; Học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên, trực tiếp tham gia lao động sản xuất và du học.
Dù đã nhiều cố gắng nhưng Sở GD&ĐT TP.HCM cũng thừa nhận công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau trung học ngày càng trở nên bế tắc, nhất là phân luồng sau tốt nghiệp THCS khi tuổi đời của các em còn là vị thành niên.
Hơn nữa, yêu cầu lao động xã hội còn mang nặng tâm lý “phải tốt nghiệp THPT” mới được coi là đủ “trình độ văn hóa” để ghi vào lý lịch (10/10 hoặc 12/12).
Thêm vào đó, phải tốt nghiệp đại học mới thỏa mãn yêu cầu của các bậc phụ huynh dẫn đến một thực trạng xã hội ngày càng tràn lan các trường Đại học, Cao đẳng mà thiếu hẳn một hệ thống giáo dục dạy nghề quy chuẩn làm cho xu hướng bất hợp lý về nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng.
Hệ lụy là cơ cấu nhân lực nước ta luôn bất cập như “thừa thầy, thiếu thợ”, cử nhân thất nghiệp hoặc không làm đúng nghề, trong khi nhu cầu công nhân kỹ thuật lại rất thiếu nguồn tuyển. Do đó, không đáp ứng được yêu cầu phát triển lành mạnh của nền kinh tế - xã hội.
Nhìn chung, công tác phân luồng tại TP nhiều năm qua giúp nhận thức của xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên số học sinh sau THCS vào học các trường dạy nghề còn thấp.
Đồng quan điểm, ThS Hàng Quốc Tuấn, trường THPT Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh mặc dù công tác phân luồng học sinh sau THCS có chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Học sinh trường THCS Lữ Gia, quận 11 trong một buổi tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Phần lớn các tỉnh/thành đều có hơn 70% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, thậm chí có địa phương hơn 80%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học sơ cấp và trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp thấp.
Hiện nay giáo viên phụ trách giảng dạy giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy chưa đủ số tiết quy định hoặc giáo viên dạy các môn kĩ thuật. Do đó, họ không được đào tạo bài bản về hướng nghiệp hay tư vấn nghề nghiệp.
Nhà trường thiếu các phương tiện cần thiết như tài liệu tham khảo cập nhật, phòng tham vấn, trang bị lưu trữ hồ sơ, công cụ chẩn đoán nên không thể tạo lập được hồ sơ tư vấn phân luồng hướng nghiệp cho học sinh. Vì thế không ai đầu tư tâm huyết cho bộ môn này, nhất là khi giáo viên kiêm nhiệm mất khá nhiều thời gian cho chuyên môn và các công việc hồ sơ, sổ sách.
Đa số các trường hiện nay chủ yếu thực hiện tư vấn hướng nghiệp theo nhóm rất lớn (toàn trường hoặc một khối lớp) nên gần như không có tương tác thực sự với học sinh, trả lời hay giải đáp được các thắc mắc của học sinh. Giáo viên, cán bộ tư vấn thiếu hiểu biết về thị trường lao động, về yêu cầu của các công việc khác nhau.
Các chủ sử dụng lao động, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại chỗ, ít khi được mời về nói chuyện tại trường học. Phụ huynh hầu như không biết hoặc không quan tâm đến hoạt động hướng nghiệp tại trường cũng như không quan tâm đến việc định hướng chọn nghề chọn trường cho con mình.
Nhìn chung đa số học sinh trung học cơ sở đều “đói” thông tin về hướng đi và định hướng nghề nghiệp, trong khi các tài liệu giáo dục hướng nghiệp hiện nay thì chỉ đề cập đến một số nghề phổ biến trong rất nhiều nghề hiện nay.
Đồng quan điểm, ông Lê Tấn Thời, Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, tỉnh An Giang cho biết công tác tư vấn hướng nghiệp hiện nay chủ yếu hướng đến đối tượng là học sinh THPT. Do đó, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS thiếu thông tin về tư vấn nghề nghiệp theo hướng tiếp cận với thực tiễn.
5 biện pháp đẩy mạnh hướng nghiệp
Để đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, TS An Long đề ra 5 biện pháp. Thứ nhất, phải đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo địa phương, phòng GD&ĐT quận/huyện, hiệu trưởng các trường THCS và nhất là cha mẹ học sinh và học sinh về lợi ích của việc dạy nghề và phân luồng sau trung học.
Hai đẩy mạnh tư vấn hướng học sinh sau tốt nghiệp THCS bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Các trường THCS tích cực tổ chức cho cha mẹ học sinh và học sinh tìm hiểu thông tin về tuyển sinh vào lớp 10. Thực hiện tốt công tác phân luồn, thông tin đầy đủ về nhu cầu và sự cần thiết của lao động có tay nghề.
Tọa đàm được tổ chức với mục đích tìm ra những giải pháp để đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Thứ ba, đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông phải có sự kết hợp với phòng Lao động, Thương binh và Xã hội và các doanh nghiệp tích cực tham gia vào công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Thứ tư, nâng cao chất lượng dạy nghề đối với các trường cao đẳng nghề, trung cấp, và các trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên của các quận, huyện đpá ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương và của các ngành kinh tế.
Thứ năm xây dựng hệ thống cơ quan làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo quốc gia, cơ cấu trình độ đào tạo theo vùng miền.
Liên quan đến vấn đề này ThS Tuấn cũng cho biết, để công tác phân luồng hướng nghiệp học sinh sau THCS, THPT đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Tổ chức triển khai đại trà mô hình trường “Trung học nghề” và trường “THPT kỹ thuật” để thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào học, tốt nghiệp ra trường có trình độ chuyên môn nghề nghiệp.
Nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, triển khai các hoạt động tư vấn học đường cho học sinh THCS nhằm định hướng nghề nghiệp cho các em. Xây dựng chương trình và tổ chức dạy học phân hóa theo hướng tự chọn ở THCS. Tổ chức các hoạt động hướng nghiệp gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; tư vấn học tập và tư vấn nghề nghiệp; đưa nội dung giáo dục nghề nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục.
Chú trọng nhiều hơn việc cung cấp thông tin nghề nghiệp cho học sinh, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với cơ sở đào tạo nghề. Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên chuyên trách làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.