Đà Lạt: đơn hàng chỉ mới được 1/3
Tại Đà Lạt, hoa chậu được các đơn vị sản xuất chú trọng đầu tư vì có thể bán được trước và sau tết, tránh rủi ro dội chợ - Ảnh: M.VINH
Chỉ còn khoảng một tháng nữa, những chuyến hàng hoa tết phải rời Đà Lạt đi các tỉnh dịp tết. Tuy nhiên, đa số các nhà vườn chưa nhận được đặt cọc mua hoa từ các chủ vựa hoa tại TP.HCM và các tỉnh. Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã sắp xếp công tác hậu cần để có thể chuyển lượng lớn hoa về TP.HCM cận tết. Các kế hoạch đã chuẩn bị nhưng đơn hàng vẫn đang trong trạng thái nhỏ giọt.
Hiệp hội Hoa Đà Lạt nhận định lượng đơn hàng hiện nay chỉ đạt khoảng 35% so với cùng thời điểm các năm trước. "Việc đặt cọc và ghi nhận hợp đồng là động tác tối thiểu để hai bên chủ động điều phối sản xuất hoa tránh dư thừa nhưng đến thời điểm này mọi thứ diễn ra quá chậm chạp, lặng lẽ".
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận tổng diện tích hoa vụ tết năm nay giảm khoảng 20% so với năm ngoái (tương đương với 1.200ha).
"Mặc dù đã giảm diện tích nhưng nông dân lẫn thương lái đều lo nơm nớp sẽ dội chợ. Không có những dấu hiệu cho thấy hoa vụ tết năm nay sẽ được tranh mua, tranh bán như mọi năm. Các đầu mối hoa lớn tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội không mạnh dạn chốt đơn đặt hàng và xuống cọc tiền như các năm trước.
Khi chúng tôi có ý hối thúc để có thể có kế hoạch thu mua, vận chuyển thì các đơn vị phân phối trả lời nước đôi, kiểu 'cứ để cận tết hãy tính, tới đâu tính tới đó'" - ông Nguyễn Thành Công, một thương lái chuyên ngành hoa tại Đà Lạt, cho biết.
Ngoài việc thiếu vắng các đơn đặt hàng, vùng hoa Đà Lạt còn đối mặt với việc hoa nở thất thường. Theo Phòng kinh tế UBND TP Đà Lạt, hoa địa lan - một loài hoa bán tết nổi tiếng và đắt tiền của Đà Lạt - đã bung nở không chờ tết. Ghi nhận có đến 80% diện tích địa lan Đà Lạt đã bung nở, tương ứng với khoảng 20ha.
M.VINH
Hà Nội: hoa được giá, thương lái phải "cầu cạnh" chủ vườn
Nông dân làng hoa Yên Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
Những ngày cuối năm 2020, giá nhiều loại hoa tại khu vực Hà Nội bất ngờ tăng cao, người dân trồng hoa phấn khởi đón Tết dương lịch. Ông Sánh - nông dân ở làng hoa Yên Nội (quận Bắc Từ Liêm) - cho biết ở thời điểm hiện tại, hoa cúc đang được giá, 1 đon hoa (50 bông) bán được khoảng 200.000 đồng (mọi năm chỉ 100.000 - 150.000 đồng).
Ông dự đoán giá tốt một phần vì ảnh hưởng do thiên tai lũ lụt, một phần do nguồn cung hoa thiếu hụt so với mọi năm; thêm nữa là người dân mua hoa nhiều hơn để thư giãn, giảm bớt căng thẳng do dịch COVID-19. Do đó người trồng hoa như ông không phải suy nghĩ đến chuyện bán cho ai vì thương lái đang thiếu hàng, thậm chí có thương lái còn phải "cầu cạnh" nhà vườn.
Chị Hoa - một đầu mối thu mua hoa tại làng Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, một trong những làng hoa lớn nhất Hà Nội - xác nhận so với cùng thời điểm này năm ngoái, giá hoa khá cao, riêng giá một bó hoa lan tím là 200.000 đồng, giá hoa hồng nhập về là 80.000 đồng/50 bông. Giá này theo chị cao hơn năm ngoái 10 - 15%. Chị Hoa nhận định giá hoa sắp tới còn cao nữa do nguồn cung khan hiếm hơn mọi năm.
HÀ QUÂN
Làng hoa quanh Sài Gòn cũng ngán COVID-19
Người dân trồng hoa ở P.Thới An, Q.12 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Những ngày này, dọc cánh đồng hoa Lê Thị Riêng (Q.12), làng hoa Gò Vấp (Q.Gò Vấp) ở TP.HCM... tình hình trồng trọt ít hơn hẳn mọi năm. Vừa bón phân những cây hoa cúc trồng 2 tháng tuổi, ông Trần Trung Trực (P.Thới An, Q.12) dự báo lượng hoa trồng dịp tết tại khu vực này chỉ bằng 40% năm ngoái. Theo ông, ngoài việc quỹ đất eo hẹp dần, mối lo ngại dịch COVID-19 làm nhu cầu tiêu thụ hoa năm nay giảm nên nhiều nông dân cũng hạn chế xuống giống.
Còn ông Hồng - chủ vườn hoa tại Q.Gò Vấp - cho biết năm nay nhiều nông dân hạn chế trồng loại hoa có giá trị cao, đặc biệt cúc đại đóa loại lớn giá tiền triệu hầu như vắng bóng, thay vào đó trồng loại nhỏ hơn, có giá bán vài chục đến vài trăm ngàn như mào gà, cúc nhỏ, hướng dương... để dễ tiêu thụ.
Chưa kể năm nay tiết trời mưa nhiều khiến phần lớn cây hoa lớn chậm, nhà vườn buộc phải đầu tư lưới che, phun thuốc liên tục để kích cây phát triển. Tuy vậy, một số cây có dấu hiệu úng, thúi do mưa nên lượng bán tết dự kiến không nhiều như các năm.
Theo ông Thảo - một nông dân trồng hoa ở Q.Gò Vấp, nhiều nhà vườn còn nghe thông tin do ảnh hưởng dịch bệnh, năm nay TP sẽ giảm quy mô tổ chức hội hoa xuân nên khá lo lắng, thậm chí không dám trồng hoa.
Trong khi đó hoa mai thường được trồng trong nhiều năm nên năm nay số lượng mai được nhiều nhà vườn tại TP.HCM cho biết "không giảm nhiều so với năm ngoái". Tuy vậy, nhiều nhà vườn xác định sẽ khó bán hơn mọi năm do kinh tế khó khăn vì ảnh hưởng COVID-19, giá bán vì thế sẽ ổn định, thậm chí một số vườn quyết định chỉ đem những cây đẹp ra bán tết, còn lại để chờ... tết năm tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 25-12, ông Đinh Minh Hiệp - giám đốc Sở NN&PTNT - cho rằng có thực tế nông dân chịu tâm lý "sợ" dịch COVID-19 nên giảm quy mô sản xuất hoa. Tuy nhiên, là đơn vị phụ trách việc hỗ trợ, điều phối, chuẩn bị sản xuất nên sở sẽ có phương án đảm bảo lượng hoa tết.
Về hội hoa xuân, điểm bán hoa tết, ông Hiệp cho biết tới thời điểm này kế hoạch và quy mô tổ chức dự kiến khả năng vẫn không khác nhiều so với năm ngoái nhằm đảm bảo nhu cầu mua bán của nông dân và khách hàng. Tuy nhiên, vẫn có các phương án dự phòng nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
NGUYỄN TRÍ
Xem thêm: mth.50790318062210202-oas-ar-aig-ig-oc-yan-man-tet-aoh-91-divoc-en/nv.ertiout