Trong khi các quốc gia giàu có chiếm gần hết nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 do các hãng dược phương Tây sản xuất, những nước nghèo hơn có thể sẽ phải dựa vào những vaccine được bào chế và sản xuất bởi Trung Quốc để chống lại đại dịch.
Một câu hỏi đặt ra: Liệu vaccine Covid-19 "made in China" có an toàn và mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt?
Khách quan mà nói, không có lý do gì để vội đi đến kết luận rằng vaccine Covid-19 của Trung Quốc không an toàn và không hiệu quả. Nhưng cũng cần phải nói rằng Trung Quốc đã từng có nhiều vụ bê bối vaccine. Ngoài ra, các hãng dược Trung Quốc đến nay công bố mới chỉ công bố rất ít thông tin về các cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người, cũng như về việc những vaccine này được tiêm khẩn cấp cho hơn 1 triệu người ở Trung Quốc.
GIẢI PHÁP VACCINE COVID-19 TRUNG QUỐC
Các nước giàu đến nay đã ký hợp đồng mua 9 tỷ liều trong số 12 tỷ liều vaccine chủ yếu của các hãng dược phương Tây dự kiến sẽ được sản xuất trong năm 2020. Trong khi đó, COVAX - một sáng kiến toàn cầu nhằm đảm bảo mọi quốc gia đều được tiếp cận bình đẳng với vaccine Covid-19 - chưa đạt được mục tiêu gom 2 tỷ liều cho năm 2021 như đã hứa.
Đối với những nước chưa ký được thỏa thuận mua vaccine Covid-19, vaccine Trung Quốc có thể là giải pháp duy nhất.
Trung Quốc hiện có 6 loại vaccine Covid-19 đang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, và cũng là một trong những số ít các quốc gia có thể sản xuất vaccine với số lượng lớn. Các quan chức Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố nước này có thể xuất xưởng 1 tỷ liều vaccine Covid-19 trong năm 2020. Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình, nói rằng vaccine Covid-19 của Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích lớn cho thế giới.
Nếu vaccine Covid-19 được tiêm cho hàng triệu người ở các quốc gia khác, thì đó sẽ là một cơ hội để Trung Quốc khắc phục "tiếng xấu" về việc chủng mới của virus corona bắt nguồn từ nước này, và để chứng tỏ với thế giới rằng Trung Quốc là một cường quốc về khoa học.
Tuy nhiên, những vụ bê bối vaccine từng xảy ra ở Trung Quốc đã khiến chính người dân nước này suy giảm niềm tin vào vaccine sản xuất trong nước. Những vấn đề về sản xuất và chuỗi cung ứng vaccine của Trung Quốc cũng gây hoài nghi về việc liệu vaccine Covid-19 "made in China" có thể trở thành một "vị cứu tinh" thực sự.
"Vẫn còn đó một dấu chấm hỏi về việc liệu Trung Quốc có thể đảm bảo mang tới những vaccine đáng tin cậy", giáo sư Joy Zhang thuộc Đại học Kent, Anh quốc, nhận định. Bà Zhang nhắc đến việc Trung Quốc "thiếu minh bạch về dữ liệu khoa học và có một lịch ‘nhiều vấn đề’ về vaccine".
Tuần trước, Bahrain trở thành quốc gia thứ hai phê chuẩn một vaccine Covid-19 của Trung Quốc, sau Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Morocco dự kiến sử dụng vaccine Trung Quốc trong chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 cho toàn dân bắt đầu trong tháng 12 này. Vaccine Covid-19 của Trung Quốc cũng đang chờ được phê chuẩn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Brazil, trong khi thử nghiệm tiếp tục diễn ra tại hơn một chục quốc gia, bao gồm Nga, Ai Cập và Mexico.
Tại một số nước, vaccine Trung Quốc bị nhìn nhận bằng sự hồ nghi. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã không ít lần thể hiện quan điểm nghi ngờ về hiệu quả của vaccine Covid-19 do hãng dược Trung Quốc Sinovac sản xuất, dù không đưa ra bằng chứng nào. Ông Bolsonaro nói rằng sẽ không có chuyện người Brazil bị sử dụng làm "chuột bạch".
LOẠT BÊ BỐI VACCINE TỪNG XẢY RA Ở TRUNG QUỐC
Dù vậy, cũng có nhiều chuyên gia đánh giá cao về vaccine Covid-19 của Trung Quốc.
"Công tác nghiên cứu có vẻ được làm tốt", chuyên gia Jamie Triccas thuộc trường y khoa, Đại học Sydney, nói về kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 công bố trên các tạp chí khoa học. "Tôi sẽ không quá lo lắng về việc đó".
Trung Quốc đã đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng trong hơn 1 thập kỷ qua. Nước này đã sản xuất thành công nhiều vaccine để sử dụng rộng rãi trong nước, bao gồm vaccine sởi và vaccine viêm gan - giáo sư y khoa Jin Dong-yan thuộc Đại học Hồng Kông nhấn mạnh.
"Trung Quốc không còn dịch bùng phát những căn bệnh như thế nữa", ông Jin nói. "Điều đó có nghĩa là vaccine ngừa những bệnh đó do Trung Quốc sản xuất là an toàn và hiệu quả.
Trung Quốc đã cộng tác với Gates Foundation - quỹ từ thiện của tỷ phú Bill Gates - và nhiều tổ chức khác đẻ cải thiện chất lượng sản xuất vaccine trong thập kỷ qua. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã thẩm định 5 vaccine Trung Quốc không phải là vaccine Covid-19, theo đó cho phép các cơ quan của Liên hiệp quốc mua những vaccine này để sử dụng cho các quốc gia khác.
Trong số những công ty dược Trung Quốc đạt được sự thẩm định trên có Sinovac và Sinopharm, cả hai đều là những công ty đang đi đầu về phát triển vaccine Covid-19.
Nhưng Wuhan Institute of Biological Products - một công ty con của Sinopharm có vai trò trong việc phát triển một vaccine Covid-19 - đã từng vướng vào một vụ bê bối vaccine hồi năm 2018.
Thanh tra chính phủ Trung Quốc phát hiện ra rằng do lỗi trang thiết bị, công ty con này đã sản xuất hàng trăm nghìn liều không có tác dụng gì vaccine kết hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván.
Một số bê bối vaccine khác ở Trung Quốc trong những năm gần đây bao gồm vụ Changsheng Biotechnology làm giả dữ liệu về một vaccine ngừa bệnh dại. Năm 2016, truyền thông Trung Quốc đưa tin khoảng 2 triệu liều vaccine dành cho trẻ em được bảo quản không đúng tiêu chuẩn và đã được bán khắp cả nước trong nhiều năm.
Tỷ lệ tiêm phòng ở Trung Quốc đã giảm xuống sau khi những bê bối như thế vỡ lở.
"NGƯỜI TRUNG QUỐC KHÔNG MUA THUỐC TRUNG QUỐC"
"Tất cả những người bạn Trung Quốc của tôi, đều là giới học thức cao, có thu nhập, chẳng ai mua thuốc sản xuất ở Trung Quốc. Vấn đề là như thế", ông Ray Yip, cựu Giám đốc quốc gia của Gates Foundation tại Trung Quốc, nói. Ông cho biết mình thuộc số ít những người không ngại mua thuốc do Trung Quốc sản xuất.
Vào năm 2017 và 2019, Trung Quốc sửa luật để siết chặt quản lý việc bảo quản vaccine và tăng cường thanh tra, xử phạt vi phạm về vaccine.
Các nhà phát triển vaccine Covid-19 của Trung Quốc đã xuất bản một số phát hiện khoa học về những vaccine này trên các tạp chí khoa học. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế đặt câu hỏi về việc Trung Quốc đã tuyển tình nguyện viên tham dự các cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 như thế nào, và đã theo dõi như thế nào để xác định các tác dụng phụ của vaccine. Các công ty và cơ quan chức năng Trung Quốc đến nay chưa hề công bố chi tiết về những vấn đề này.
Giờ đây, khi dữ liệu về tính hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 của hai hãng dược Mỹ Pfizer và Moderna đã được công bố, giới chuyên gia đang chờ kết quả từ phía Trung Quốc. Cơ quan chức năng ở UAE, nơi vaccine Covid-19 của Sinopharm được thử nghiệm, nói rằng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng tạm thời cho thấy vaccine này đạt hiệu quả 86%. Hôm 24/12, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công bố vaccine Covid-19 của Sinovac đạt hiệu quả 91,25% trên thử nghiệm lâm sàng.
Nhưng đối với một số người ở những quốc gia nơi đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu lắng xuống, thì việc vaccine ngừa bệnh này đến từ nước nào có lẽ không phải là vấn đề quan trọng.
"Tôi sẽ tiêm phòng Covid-19, bằng loại vaccine đầu tiên mà tôi có thể tiếp cận. Và tôi cầu Chúa phù hộ", Daniel Alves Santos, đầu bếp trong một nhà hàng ở Rio de Janeiro, Brazil, nói.
Xem thêm: mth.93204002162210202-hnit-uuc-iv-hnaht-ort-eht-oc-anihc-ni-edam-91-divoc-eniccav/nv.ymonocenv