- Nhiều tỷ đồng đã được ông Tất Thành Cang "biến hóa" như thế nào?
- "Quan tham" ở Trà Vinh: Phớt lờ pháp luật để tư túi(!)
Tháng này, dư luận lại nóng với thông tin: khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, một “củi tươi” khiến dư luận bàn tán mấy năm nay. Trên mạng xã hội, người dân bày tỏ sự phấn chấn và củng cố thêm niềm tin công cuộc “đốt lò”, chống tham nhũng với phương châm “không vùng cấm, không ngoại lệ”. Có người mô tả trên Facebook rằng, tối hôm đó, trên nhiều tuyến phố ẩm thực TP Hồ Chí Minh, người dân “nhậu ăn mừng” như vừa gỡ được một nút thắt vốn nhức nhối bấy lâu nay. Một Facebooker có lượng người theo dõi khá lớn, bình luận: “Một cán bộ đoàn trưởng thành từ bộ đội, bước vào chính quyền chừng chục năm, giàu nứt vách, đến khi bị bắt thì cả nước hoan hỉ”!
Nói “cả nước hoan hỉ” thì có lẽ quá mức nhưng ở mức độ nào đó cho thấy lòng dân và miệng thế trong sự kiện này. Kể từ ngày cuộc đấu tranh “xử một số người để cứu muôn người” được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đôn đốc, chỉ đạo ráo riết, có khá nhiều quan tham bị khui lộ những mảng tối sau ánh rèm và buộc phải chịu án kỷ luật hành chính hoặc án phạt hình sự. Thói thường, quan tham thì bị người đời tẩy chay, ai dính chàm vì ham của cải, quyền lực, mỹ nhân mà bất chấp pháp lý, đạo lý làm liều thì tai tiếng còn mãi.
Nhưng, cũng thấy rằng, không phải cứ người nào bị bắt, xử lý thì người dân đều “ăn mừng” như nhận xét trên. Có người bị kỷ luật, bị bắt vì liên quan sai phạm ở lĩnh vực nào đó, vụ việc nào đó và họ phải chịu án phạt theo quy định thì dư luận vẫn phán xét, nhìn nhận họ ở những khía cạnh khác toàn diện hơn, đầy đủ hơn. Sai đâu thì phải xử lý đấy, nhưng nếu họ vẫn giữ được những mặt sáng, mặt tích cực khác về lối sống, cư xử thì người đời cũng không quá khắt khe khi nhìn nhận, đánh giá.
Nhiều vụ việc gần đây cho thấy rõ điều đó, mạng xã hội vừa lên án cán bộ, quan chức bị xử lý trong một số vụ việc cụ thể, còn những việc khác họ làm được thì vẫn ghi nhận, đánh giá khách quan. Xem như thế thì miệng thế không phải cứ xấu thì cho chìm, đen thì tối hẳn mà ngược lại, cái gì là sáng thì vẫn luôn được người đời ghi nhận.
Cơ quan điều tra thực hiện các thủ tục tống đạt quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam đối với ông Tất Thành Cang. Ảnh: CTV. |
Trong sự việc liên quan ông Tất Thành Cang, dư luận ồn ào đã mấy năm nay. Sai phạm của ông, người ở gần xa cũng chẳng lạ. Nhưng, sự việc này cứ âm ỉ, “so găng” với thời gian, đến mức có người đặt câu hỏi, liệu “củi” này có tươi quá hay vướng cái gì khó mà lâu không “cháy” được? Hãy trở lại diễn tiến vụ việc.
Tại kỳ họp thứ 31, tháng 11-2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ thành phố.
Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. “Những vi phạm của đồng chí Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật" - thông cáo kỳ họp 31 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ.
Hơn một tháng sau, ngày 26-12-2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, năm 2018, nhiều cán bộ cấp cao, kể cả người nghỉ hưu hay làm việc trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật đã bị xử lý; có những trường hợp bị tước danh hiệu, xử lý hình sự. Điều này thể hiện tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm.
“Thật đau lòng. Song, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.
Sau khi bị Trung ương thi hành kỷ luật, phần việc còn lại thuộc thẩm quyền Thành ủy, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Tổ đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri quận 9 ngày 8-10-2019, nhiều cử tri bày tỏ mối quan tâm về công tác quản lý cán bộ. Ông Trương Thế Cần (phường Phước Long B, quận 9) nói rằng, ông Tất Thành Cang bị Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Nhưng hiện nay ông Cang vẫn ngồi ghế đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.
“Ông ấy vẫn làm lãnh đạo một cơ quan, họp hành, phát biểu dõng dạc. Sao không cho ông ấy nghỉ mà vẫn để ngồi ghế đại biểu của dân. Làm như vậy là coi thường cử tri, sẽ khiến người dân rất mất niềm tin” - cử tri bức xúc.
Chiều 14-7-2020, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cùng tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, đơn vị số 5 có buổi tiếp xúc với cử tri quận 5. Tại đây, cử tri Mai Thanh Hà viện dẫn trường hợp ông Tất Thành Cang có quan lộ quá nhanh, từ Bí thư Quận ủy quận 2 lên Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, lên Phó Chủ tịch, rồi Phó Bí thư Thành ủy.
Trong quá trình đi lên lại dính nhiều sai phạm. Đến nay, Trung ương kỷ luật nhưng thành phố vẫn giữ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân, Thành ủy viên. Vi phạm như vậy, “sao không xử lý mà vẫn tiếp tục để ông Cang nằm trong bộ máy nhà nước. Cán bộ như vậy có còn uy tín với nhân dân nữa đâu mà giữ” - cử tri Mai Thanh Hà gay gắt.
Gần một tháng sau, ngày 7-8-2020, thông tin về ông Tất Thành Cang được phát đi từ thông báo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nhưng là một thông báo khiến dư luận thực sự bất ngờ. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh thống nhất kết luận phê bình đối với 3 thành ủy viên nhiệm kỳ 2015 - 2020 (có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng do đến nay đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng), trong đó có ông Tất Thành Cang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình lịch sử thành phố, nguyên Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải.
Sai phạm đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng do đã hết thời hiệu nên chỉ... phê bình! Chiểu theo quy định thì viện dẫn trên vẫn đúng quy định, đúng quy trình khi thời hiệu thi hành kỷ luật được xác định là 2 năm, nay đã hết. Nhưng, quy định nào cũng do cơ quan hữu quan đặt ra, đúng quy định mà trái lòng người, trái lẽ phải, trái với lương tâm và đạo lý thì giải thích thế nào với cử tri, nhân dân.
Công cuộc chống tham nhũng đang ở thế cao trào, mạnh mẽ, sự việc “hết thời hiệu kỷ luật” liên quan ông Tất Thành Cang đã gây ra những luồng phân tâm dư luận bởi một lẽ đơn giản, tại sao suốt năm 2018, 2019, khi còn thời hiệu, chính quyền địa phương không thi hành kỷ luật, để vào thế đã rồi?
Chính vì diễn tiến đó, sự việc Cơ quan điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam bị can Tất Thành Cang ngày 16-12-2020 đã thực sự gỡ bỏ mọi hoài nghi, băn khoăn lâu nay về trường hợp “củi tươi vì sao chưa cháy”! Động thái này thêm một lần nữa minh chứng rõ nét tinh thần kiên quyết, nghiêm minh của pháp luật, không vùng cấm, không ngoại lệ, như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020: “Trong phát hiện, xử lý phải quán triệt nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”.
An NhiXem thêm: /410526-eht-gneim-av-maht-nauQ/ed-neyuhC/nv.moc.dnac.tcgtna