Một báo cáo dài 623 trang, gần như một bản giám định pháp y về ngành báo chí được đặt lên bàn làm việc của Thủ tướng Australia vào mùa hè năm 2019. Hầu hết người thường xuyên theo dõi tin tức không để ý tới báo cáo, nhưng trong đó chứa đầy biểu đồ thể hiện sự đi xuống của báo chí trong thập kỷ vừa qua. Báo cáo này, được thực hiện bởi các cơ quan quản lý của Australia, cho thấy rõ nguyên nhân khiến báo chí đi xuống: sự độc quyền gần như hoàn toàn của Google và Facebook.
Kể từ khi báo cáo được công bố, đã có nhiều động thái ở nhiều nước, có thể thay đổi cán cân quyền lực giữa các tập đoàn công nghệ lớn (còn gọi là "big tech") và báo chí.
Báo chí gặp khó trong trận chiến dài hơi với công nghệ
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, khoảng 1.000 tờ báo ở Mỹ đã phải đóng cửa. Báo chí những nơi khác cũng chẳng khá hơn là bao khi phải liên tục cắt giảm việc làm.
Đợt cắt giảm việc làm lớn gần đây nhất có thể có nguyên nhân trực tiếp là dịch COVID-19. Tháng 5/2020, Vice Media, từng nổi tiếng tăng trưởng nhanh, phải sa thải 155 nhân viên. Quartz sa thải 80 nhân viên. Condé Nast, Nhà xuất bản Tạp chí Vogue, cắt 100 nhân viên. BuzzFeed tuyên bố dừng hoạt động ở Australia và Anh, nhưng vẫn sẽ sản xuất tin bài cho "độc giả toàn cầu".
Đại dịch đang tạo ra nghịch lý cho báo chí. Công chúng đang tiêu thụ tin tức ở mức chưa từng có, muốn cập nhật mọi diễn biến về COVID-19, nhưng lượng truy cập tăng vọt lại diễn ra đồng thời với sụt giảm tiền quảng cáo và cắt giảm phóng viên.
Một thống kê của New York Times cho thấy ở Mỹ, trong 5 tháng đầu năm nay, khoảng 36.000 nhân viên tại các cơ quan báo chí đã bị sa thải, tạm nghỉ không lương hoặc bị giảm lương.
Dù con số cắt giảm phóng viên đợt COVID-19 là đáng kinh ngạc, đã có nhiều đợt sa thải trước đây trong ngành báo chí thế giới, từ lâu trước COVID-19.
Chẳng hạn tháng 1/2019, mùa đông làm người dân thành phố New York lạnh thấu xương cũng là khoảng thời gian đặc biệt tàn nhẫn đối với một số báo chí có trụ sở tại đây.
Chỉ trong hai tuần, khoảng 2.100 việc làm báo chí bị mất. Đa phần không phải ở báo in - vốn đã có nhiều đợt sa thải - mà là ở các cơ quan thuần túy trên Internet. BuzzFeed sa thải 220 nhân viên, tức 15% nhân sự, bao gồm ở tòa soạn New York đầy uy tín. Vice tuyên bố sa thải 10% số nhân viên, trong khi Verizon, công ty điện thoại sở hữu các trang báo Huffington Post và Yahoo, cắt giảm 800 nhân viên báo chí.
Sự đi xuống của báo in trong thập kỷ qua là khá "tàn khốc" và đã được ghi nhận từ lâu, do các nhà quảng cáo và độc giả ngày càng chuyển sang Internet, theo Guardian. Giai đoạn 2008-2017, số việc làm ở các tờ báo Mỹ giảm 45%, xuống 39.000. Tính toàn bộ việc làm báo chí ở Mỹ, bao gồm cả truyền hình và phát thanh, con số đó giảm 23%. Không chỉ ở Mỹ, mà ở Australia, từ năm 2014-2018, số phóng viên báo in đã giảm 20%.
Nhưng sự vật lộn của báo chí trên mạng là điều đáng báo động, và "nhiều người đang kết luận rằng các nền tảng Internet thương mại đang khiến báo chí ngày càng khó khăn, thậm chí không thể có lãi", bà Emily Bell, từ trường báo chí Đại học Columbia, bình luận trong một bài viết trên Guardian đầu năm 2019.
Trong bài viết, bà Bell chỉ ra sự phụ thuộc của báo chí vào Google và Facebook, cũng như sự thống trị thị trường quảng cáo của hai đại gia này. Trong cùng tuần mà BuzzFeed tuyên bố cắt giảm vào năm 2019, Facebook báo cáo doanh thu kỷ lục 17 tỷ USD quý 4 năm 2018, dù có một năm tai tiếng vì tin giả và bê bối thu thập dữ liệu người dùng.
Lượng dữ liệu khổng lồ mà các nền tảng số thu thập cho phép họ cung cấp quảng cáo hiệu quả hơn bất cứ báo đài nào. Dữ liệu ngày nay trở thành "đầu vào" cho quảng cáo, làm báo chí yếu thế trên Internet. Nếu biết ai đang xem một quảng cáo nhất định, chỗ đặt quảng cáo đó có giá hơn nhiều. Facebook và Google, với hệ thống theo dõi của mình, biết rõ ai đang xem từng quảng cáo một, Matt Stoller, tác giả cuốn Goliath: The Hundred Year War Between Monopoly Power and Democracy (tạm dịch: cuộc chiến trăm năm giữa độc quyền và dân chủ), viết trong một bài bình luận trên New York Times.
"Doanh thu quảng cáo từng được chi vào báo chí chất lượng giờ đây vào tay của trung gian 'big tech', và một phần tiền đó còn được chi vào các nội dung giả mạo, sai sự thật, chất lượng thấp", ông Stoller bình luận.
Đây là hệ quả của xu hướng độc quyền không gian mạng một cách tự do, đã diễn ra từ buổi đầu của Internet, theo ông Stoller. Từ năm 2004-2014, Google chi ít nhất 23 tỷ USD mua lại 145 công ty, bao gồm gã khổng lồ quảng cáo DoubleClick. Kể từ 2004, Facebook cũng chi ra khoản tiền tương tự mua 66 công ty, bao gồm các thương vụ then chốt giúp Facebook áp đảo thị trường mạng xã hội. Tất cả thương vụ trên đều không bị nhà quản lý ở Mỹ ngăn chặn chống độc quyền.
Hi vọng cuối cùng
Dù hút phần lớn doanh thu từng dành cho báo chí, Facebook và Google chưa hề trả tiền cho báo chí khi dùng lại nội dung tin bài mà nhờ đó họ có doanh thu quảng cáo. Đây chính là mục tiêu giải quyết của cơ quan quản lý ở Australia và Pháp, cũng là hi vọng cuối cùng của báo chí.
Vào tháng 5 năm nay, khi đại dịch COVID-19 làm hàng trăm cơ quan báo chí phải dừng hoạt động trên khắp thế giới, Chính phủ Australia đưa ra dự thảo yêu cầu các nền tảng số đàm phán việc trả tiền cho báo chí, trở thành nước đầu tiên làm điều này. Ở Pháp, các nhà quản lý đang buộc Google đạt thỏa thuận với các cơ quan báo chí.
Các đại gia công nghệ như Facebook đang tạo áp lực lớn tới sự phát triển của báo chí. |
Các bên liên quan đều cho rằng quyết định của Australia và Pháp sẽ tạo tiền lệ cho toàn cầu. Các lãnh đạo từ Ireland đến Malaysia đều nói họ đang theo dõi sát. Ở Mỹ, nơi mà luật chống độc quyền yếu hơn, và các nhà quản lý kiểm soát lỏng hơn, các cơ quan báo chí cũng đang ngóng đợi thời cơ.
Facebook và Google đã tiếp cận khác nhau trước sức ép từ các nhà quản lý. Facebook, bị lên án dữ dội vì đóng vai trò khuếch đại tin giả và chia sẻ dữ liệu người dùng sau cuộc bầu cử 2016, thì bây giờ quyết định cho các cơ quan báo chí điều họ muốn: tiền. Công ty này đã chi một số tiền cho các công ty báo chí, đổi lại thỏa thuận ba năm cho phép sử dụng nội dung tin bài.
Trong khi đó, Google đang chơi ván bài theo cách khác, nhưng không thực sự hiệu quả, theo New York Times.
Google đã có cách tiếp cận khá "cao ngạo" trước các yêu cầu trả tiền cho báo chí, dẫn đầu là lãnh đạo phụ trách mảng tin tức, Richard Gingras. Ông vẫn chỉ nói lại các luận điểm cũ về giá trị của Internet, như thể đây vẫn là năm 2003, dù các cơ quan báo chí ngày càng phản ứng quyết liệt, New York Times bình luận. Trong khi Facebook đang trả tiền trực tiếp cho báo chí, Google vẫn chỉ chi tiền cho các dự án đổi mới, thử nghiệm báo chí, xoay quanh công nghệ của Google. Google lập luận rằng họ đang làm lợi cho báo chí bằng việc chuyển nhiều người dùng hơn tới trang web của các báo.
Từ lâu, Google và Facebook đã không còn được coi là những công ty công nghệ đơn thuần mà họ còn đóng vai trò vẽ lại bức tranh truyền thông. Các con số thống kê đã chỉ ra 44% người Mỹ, con số lớn hơn nếu tính cả thế giới, chọn Facebook làm nguồn tin tức hằng ngày cho mình. Còn với Google, thông qua việc phục vụ tìm kiếm thông tin, công ty này đã hấp thu tất cả thông tin trên thế giới diễn ra ngay trên một nền tảng mở.
Gộp chung lại, theo điều tra vào năm 2016, Facebook và Google đã chiếm 103% tăng trưởng doanh thu của thị trường truyền thông số so với năm 2015.
Thế giới sẽ luôn vận động và phát triển không ngừng nghỉ. Nhưng liệu sẽ có ai tiếc thương cho báo chí không nếu một ngày ngành này bị các đại gia công nghệ "tiêu diệt".
Xem thêm: /308426-koobecaF-av-elgooG-iov-ihc-oab-auig-hnart-hnac-couC/meid-ueiT-us-gnohP/nv.moc.dnac.ctsc